ClockThứ Năm, 21/02/2013 02:30

Văn chương tuổi Tỵ ở xứ Huế

TTH - Nhìn lại thế kỷ XX, về số lượng những người hành ngôn theo nghiệp văn chương ở xứ Huế cầm tinh con rắn khá đông, so với tỷ lệ chung của cả nước cũng nhiều hơn trước. Các tác giả thành danh mang tuổi rồng ở Huế là 5/63 tác giả, đến nay tuổi rắn có đến 8/72 tác giả so với cả nước.

Dốc ngược thời gian nhìn từ đầu thế kỷ, tuổi Ất Tỵ (1905), trong cả nước có năm tác giả, thì xứ Huế có đến hai người, đều là những trí thức Tây học, là những nhà khoa học, những người hoạt động trên lĩnh vực văn chương lý trí, đó là Ưng Quả và Nguyễn Khánh Toàn. Ưng Quả (1905-1951) thuộc dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn, sinh ra ở Vỹ Dạ, cháu nội của nhà thơ hoàng phái Tuy Lý Vương Miên Trinh (1820-1897). Thuở nhỏ, học Quốc Học Huế, rồi ra Hà Nội học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1928, tốt nghiệp về dạy Trường Quốc Học Vinh (Nghệ An), sau đó chuyển về dạy Trường Quốc Học Huế. Năm 1942, vào cung làm Đông cung giáo đạo, dạy cho Hoàng tử Bảo Long (con trai trưởng của vua Bảo Đại). Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông cùng gia đình ra vùng tự do Liên khu Tư, làm Hiệu trưởng Trường trung học Đào Duy Từ (Thanh Hóa), rồi Giám đốc Tiểu học vụ Trung bộ, Giám đốc học chánh Trung phần (1948). Ngoài dạy học, ông còn là Hội viên thông tấn của trường Viễn Đông Bác cổ, Hội viên Hội đồng Đại học Hà Nội và chuyên nghiên cứu văn học và lịch sử. Phần lớn tác phẩm của ông đều viết bằng tiếng Pháp, như Tranh luận về một điểm trong lịch sử Việt Nam (1926), Về bản dịch Kim Vân Kiều của Craysse (1928), Ca dao Việt Nam (1928), Âm nhạc trong ngôn ngữ và văn chương Việt Nam (1928), Có một thời phục hưng Việt Nam (1932)... Những bài viết bằng tiếng Việt, trong đó có bài tựa cho sách Chương trình Trung học Việt Nam năm 1945 và viết cho các báo Thần kinh, Tiếng dân, Sông Hương, Tràng An...

Người thứ hai là Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993), quê ở Thanh Lương (Hương Trà), nhưng cũng sinh ra ở thành phố Huế, từng là sinh viên khoa Văn Trường Sư phạm Đông Dương (1923-1926), là thành viên tích cực của báo L Annam, bị thực dân Pháp bắt giam (1926-1928) vì tội dịch và đăng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Marx và Engels và bản yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Versailles của Nguyễn Ái Quốc. Ra tù, ông sang Pháp, rồi sang Liên Xô học, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học (1931), về nước, kinh qua nhiều trọng trách như Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội. Là nhà khoa học, nhà lý luận mác-xít, ông có công sáng lập các ngành khoa học xã hội, khoa học giáo dục, chủ trì các công trình Lịch sử Việt Nam (2 tập,1971), Lịch sử văn học Việt Nam (1980), Tổng tập văn học (42 tập, 2000), Từ điển tiếng Việt (1983), ... tác giả của các công trình mang tính thực tiễn Giáo dục dân chủ mới (1947), Trường đại học (1958), Nền giáo dục Việt Nam-lý luận và thực hành (1991) và hơn 500 bài báo được công bố trong và ngoài nước. Công lao đóng góp của ông, không chỉ được Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao, tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (1984), Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996), mà còn được thế giới thừa nhận, được Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa dân chủ Đức (1975) và Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (1976) phong tặng danh hiệu Viện sĩ.

Ở khu vực nghiên cứu lý luận phê bình ở Huế còn có một người tuổi Kỷ Tỵ (1929) là Nguyễn Xuân Nam, quê làng Phú Lễ (Quảng Điền), từng tham gia kháng chiến chống Pháp, làm báo, dạy học, rồi sang Trung Quốc làm nghiên cứu sinh (1958-1961), về giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội, được phong hàm Phó Giáo sư, Nhà Giáo Ưu tú, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu đáng lưu ý như Thơ-tìm hiểu và thưởng thức (1985), Thơ Chế Lan Viên (1993), Tuyển tập thơ Huy Cận (1986),...

Về văn chương, có gương mặt văn xuôi tuổi Tỵ xuất sắc không chỉ đối với xứ Huế, mà còn đối với cả nền văn chương hiện đại nước ta, đó là Thanh Tịnh. Ông còn là người sáng lập và là Chủ nhiệm (Tổng Biên tập) đầu tiên của tạp chí Văn nghệ Quân đội (1954-1966). Ông có thơ và truyện ngắn in báo từ năm 1936 và được ghi nhận đầu tiên bởi tập thơ Hận chiến trường (1937), nhưng phải đến tập truyện ngắn Quê mẹ (1941) mới thật sự nổi tiếng, trong đó có truyện Tôi đi học là áng văn sống mãi trong tâm tưởng nhiều thế hệ người đọc hơn bảy mươi năm qua. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều tập tuyện ngắn khác như Chị và em (1942), Ngậm ngải tìm trầm (1943), Xuân và Sinh (1944)…

Một gương mặt nữa là Nguyễn Thị Minh Ngọc, tuổi Quý Tỵ (1953), sinh ra ở Bà Rịa nhưng quê gốc ở Huế, là tác giả của các tập truyện ngắn như Ngọn nến bên kia gương (1992), Một mình bước tới (1994),... nhưng lại được nhắc đến với tư cách là một kịch tác gia với nhiều kịch bản văn học được giải thưởng như Đứng giữa đồi cao (giải thưởng sân khấu toàn quốc 1985), Một nửa của tôi đâu (giải của Hội Sân khấu và Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, 1993)...

Tuổi Tân Tỵ (1941) là nhà tiểu thuyết giàu bản sắc của xứ Huế Tô Nhuận Vỹ, một cây bút thành danh trong thời chống Mỹ, thử bút ban đầu với các tập truyện ngắn như Người sông Hương (1970), Em bé làng Đảo (1971), Làng thức (1973) trước khi trở thành một nhà tiểu thuyết thời danh, tác giả của các tiểu thuyết như Dòng sông phẳng lặng (3 tập, 1974, 1978, 1982), Ngoại ô (1980), Phía ấy là chân trời (1998), Vùng sâu (2012). Anh từng giữ nhiều trọng trách như Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thừa Thiên Huế, từng được nhiều giải thưởng văn học ở địa phương và Trung ương, trong đó, cao nhất là Giải thưởng Nhà nước năm 2012.

Về thơ, có một nhà thơ tài hoa đoản mệnh là Nguyễn Đình Thư, tuổi Đinh Tỵ (1917), người làng Phước Yên (Quảng Thọ, Quảng Điền), học Trường Quốc Học, đỗ thành chung, làm thư ký Sở Kho bạc Huế. Cách mạng Tháng Tám 1945 diễn ra, ông tham gia chống Pháp, bị giặc bắt và tra tấn cho đến chết, ông vẫn giữ được khí tiết của người cách mạng. Sinh thời, ông có thơ in báo, có tập Hương màu (chưa xuất bản) được các nhà phê bình đương thời như Thế Lữ, Lam Giang đánh giá cao, được Hoài Thanh-Hoài Chân đưa vào hàng một trong bốn mươi sáu tác giả làm nên diện mạo Thi nhân Việt Nam (1942). Một người thơ hiếm hoi của xứ Huế tuổi Tân Tỵ (1941) là Trần Vàng Sao, theo anh nói “tôi tuổi tỵ / năm nay bốn mươi ba tuổi” (Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình), nhưng trong giấy tờ ghi sinh năm 1942. Trần Vàng Sao là người làm thơ như viết nhật ký, nhưng thơ anh ít được công bố, song lại có một giọng điệu tâm hồn, một thế giới nghệ thuật của riêng anh. Anh viết như nói, như những con chữ rời không vần không điệu, là giọng điệu của đời sống cần lao và đã tạo nên một phong cách nghệ thuật không trộn lẫn với bất kỳ ai. Đặc biệt, với Bài thơ của một người yêu nước mình (1967), là một hiện tượng, đã tạo cho anh một vị trí độc sáng, trở thành một trong những nhà thơ phát ngôn về đất nước mình hay nhất.

Nhìn lại văn chương tuổi Tỵ ở xứ Huế, có thể nhận ra tuy nhiều tác giả nhưng ít có những gương mặt tiêu biểu. Ngoài hiện tượng hiếm hoi Bài thơ của một người yêu nước mình, thành công chủ yếu là văn xuôi, là những sự kiện và con người, khung cảnh làng quê xứ Huế một thời in đậm trong những trang văn mượt mà, sống mãi cùng năm tháng, là Quê mẹ của Thanh Tịnh, là những trang tiểu thuyết viết về chiến tranh đậm đặc chất sử thi và những di hại của nó thời hậu chiến qua hàng nghìn trang sách của Tô Nhuận Vỹ. 

Phạm Phú Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top