ClockChủ Nhật, 26/05/2024 07:07

Âm nhạc của nhạc sĩ người Huế vang lên giữa lòng Moskva

TTH - Đêm 6/5/2024, ba bản romance của nhạc sĩ người Huế - Lê Tự Minh đã vang lên trong Đại khán phòng Nhạc viện Tchaikovsky Moskva. Đây cũng là khoảnh khắc lịch sử: Âm nhạc Việt Nam lần đầu tiên vang lên trên sân khấu thánh đường giao hưởng lâu đời và danh tiếng bậc nhất của Liên bang Nga.

Khát vọng làm mới những ca khúc về HuếTrọng Hiếu & cuộc hẹn với Huế

 Tặng chữ ký cho khán giả

Những viên ngọc của âm nhạc

Nhạc viện Tchaikovsky Moskva được thành lập năm 1866, là một trong những nhạc viện hàng đầu ở Nga cũng như trên thế giới. Cơ duyên khiến âm nhạc Việt Nam có cơ hội được trình diễn trong thánh đường này là vào tháng 10 năm 2023, nhạc sĩ Lê Tự Minh được mời tham gia chương trình Liên hoan Âm nhạc Hàn lâm quốc tế tại nước Cộng hòa Adygea (Liên bang Nga). Thật bất ngờ, tác phẩm romance “Hồi sinh” của nhạc sĩ Lê Tự Minh được dịch sang tiếng Nga và vinh dự mở màn cho liên hoan âm nhạc này.

Khi liên hoan âm nhạc kết thúc, ông Rashid Kalimullin - Chủ tịch Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Nga đã tìm gặp nhạc sĩ Lê Tự Minh và mời tham gia chương trình “tác giả tác phẩm” tại Nhạc viện Tchaikovsky Moskva. “Tôi đã nghe các tác phẩm âm nhạc của Lê Tự Minh và tôi muốn chúng được vang lên ở Nhạc viện Tchaikovsky Moskva” - ông Rashid Kalimullin đề nghị.

Ca sĩ Anna Aglatova trình diễn hai bản romance Hồi sinh và Về bên mẹ của nhạc sĩ Lê Tự Minh 

Được đông đảo bạn bè và các nhạc sĩ Việt Nam động viên, nhạc sĩ Lê Tự Minh mới mạnh dạn nhận lời. Hội đồng thẩm định nổi tiếng khó tính của Nhạc viện Tchaikovsky Moskva thống nhất chọn ba tác phẩm của nhạc sĩ Lê Tự Minh tham gia chuỗi chương trình “Những viên ngọc của âm nhạc Nga và Việt Nam” (từ 4 đến 10/5/2024), bao gồm hai tác giả: Rashid Kalimullin của nước Nga với 4 tác phẩm và Lê Tự Minh của Việt Nam với ba tác phẩm: Romance “Revival” (Hồi sinh) và romance “Về bên mẹ”, nhạc phẩm “Ôi con sông Vàm Cỏ” được soạn cho cello và dàn nhạc.

Âm nhạc Việt Nam vang lên giữa lòng Moskva

Trong phần I của chương trình, ca sĩ xuất sắc Anna Aglatova - người được công nhận là một trong những giọng nữ cao đẹp nhất thế giới, đã trình diễn hai nhạc phẩm romance “Revival” (Hồi sinh), romance “Về bên mẹ” của Lê Tự Minh.

Giọng ca của ca sĩ Anna Aglatova thể hiện xuất sắc bản romance “Riveval”, cho khán giả hình dung một khung cảnh thiên nhiên bao la bừng tỉnh sau bao thiên tai chết chóc, nắng tươi lan tràn trên khắp núi non, cây cỏ đâm chồi sự sống mới, hoa lá bừng nở dưới ánh nắng hồi sinh… Bản “Hồi sinh” gây ấn tượng mạnh bởi chất liệu âm nhạc tinh tế, mang đến cho người nghe niềm hy vọng rực rỡ. Sức biểu đạt đầy cảm xúc của giọng ca Anna Aglatova và dàn nhạc đã khiến niềm hy vọng từ giai điệu nhạc phẩm lan tỏa vào con tim của hàng nhìn khán giả. Cũng vậy, bản romance tiếp nối “Về bên mẹ” nổi bật với giai điệu đặc sắc, tình cảm thiết tha, sâu lắng. Tác giả đã truyền tải nhiều cung bậc khác nhau của tình cảm đứa con dành cho mẹ - quê hương...  Nhạc phẩm “Ơi con sông Vàm Cỏ” của Lê Tự Minh cho cello ngập tràn âm thanh dìu dặt và trong sáng. Chính nghệ sĩ Boris Lifanovsky, chỉ huy Tứ tấu cello của Nhà hát Bolshoi đã trình diễn tác phẩm này cùng dàn nhạc.

Từ trái sang nhạc sĩ Lê Tự Minh ,  Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Nga  Rashid Kalimullin và chỉ huy dàn nhạc Airat Kashaev 

Khi buổi biểu diễn kết thúc, nhà soạn nhạc Rashid Kalimullin mời nhạc sĩ Lê Tự Minh lên sân khấu, đứng giữa ông và chỉ huy dàn nhạc Airat Kashaev để cảm ơn khán giả. Ông Rashid Kalimullin nói: Buổi biểu diễn này sẽ là viên gạch góp phần xây đắp tình đoàn kết Nga - Việt cũng như đóng góp cho nền âm nhạc thế giới. Chương trình âm nhạc được tổ chức vào thời điểm rất quan trọng: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 79 năm Chiến thắng Phát xít Đức. Đến lượt nhạc sĩ Lê Tự Minh, anh nói: “Hôm nay tôi rất hạnh phúc. Tôi đã không nói tiếng Nga 35 năm nay nên đã quên nhiều từ ngữ tiếng Nga, nhưng nước Nga luôn ở đây - nhạc sĩ Lê Tự Minh đưa bàn tay lên ngực và nói tiếp - ở trong trái tim tôi”.

Rất nhiều khán thính giả người Nga và Việt Nam đã ở lại, vây quanh xin chữ ký của nhạc sĩ Lê Tự Minh. Chỉ huy dàn nhạc Airat Kashaev nói: “Giai điệu của nhạc sĩ Lê Tự Minh rất đẹp. Tôi hạnh phúc vì hôm nay đã đưa năng lượng tích cực của âm nhạc Lê Tự Minh đến với cộng đồng”.

Đại khán phòng Tchaikovsky trong đêm diễn 

Doanh nhân Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Người Việt rất xúc động: “Âm nhạc Việt Nam vang lên tại Nhạc viện Tchaikovsky Moskva đã góp phần thay đổi hình ảnh của Việt Nam tại Nga. Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều hơn các hoạt động văn hóa của người Việt Nam như hôm nay”. Trong buổi lễ chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tổ chức tại Đại sứ quán, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi nói: “Đây không chỉ là vinh dự của nhạc sĩ Lê Tự Minh, đây còn là vinh dự của đất nước”.

Lê Tự Minh quê ở Kim Long, thành phố Huế, là một doanh nhân có nhiều hoạt động xã hội trong cả nước, anh đồng thời là nhà thơ và nhạc sĩ. Anh đã dịch hơn 40 bài hát Nga sang tiếng Việt và sáng tác nhiều ca khúc đoạt một số giải thưởng âm nhạc ở trong nước.  Từ năm 2019, anh tham gia Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế, Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Thật tự hào khi âm nhạc của người con xứ Huế lại làm cho âm nhạc Việt Nam lần đầu tiên được vang lên trên Thánh đường Nhạc viện Tchaikovsky Moskva của nước Nga.

Hạ Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top