|
Món cơm sen. Ảnh: Hữu Phúc |
“Bếp ăn” của Việt Nam
Huế có rất nhiều lĩnh vực xứng đáng để xây dựng hồ sơ tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, như: Áo dài, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc… Và Huế đã quyết định chọn một lĩnh vực có thể nói là nổi trội nhất, có tính khả thi nhất là ẩm thực để xây dựng hồ sơ.
Nói nổi trội nhất là bởi, dù chưa được hệ thống gắn sao Michelin vào cuộc như nhiều địa phương Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, nhưng nói đến ẩm thực Việt Nam thì không thể không nhắc đến ẩm thực Huế. Và sự nhắc này cũng không phải là tự hào suông, nói lấy được mà thể hiện qua các con số và sự kiện.
Ví dụ gần nhất, tại lễ công bố và trao chứng nhận món ẩm thực tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn I - 2022; phát động bình chọn đề cử giai đoạn II - 2023 trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và trao chứng nhận hội viên Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Thừa Thiên Huế, do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức, Huế là địa phương có nhiều món ăn được vinh danh nhất với các món: Bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, bánh lọc, vả trộn hoa màu chay, cơm hấp lá sen chay.
Chưa hết, Huế đã và đang xây dựng các phần việc để hướng đến mục tiêu trở thành “bếp ăn” của Việt Nam trên cơ sở: Cả nước hiện có khoảng 3.000 món ăn các loại thì có đến hơn 1.700 món được nấu theo lối Huế! Thêm nữa, trong quá khứ, Huế đã từng là Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất kể từ 1802, sau khi vua Gia Long khai sáng Triều Nguyễn. Dưới thời Nguyễn, Huế cũng là Kinh đô của văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, trong đó có nghệ thuật ẩm thực để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của triều đình. Và chỉ ở Huế, ẩm thực được nâng thành nghệ thuật, thành một thương hiệu văn hóa với những triết lý đầy ý vị, sâu sắc. Nấu nướng ở Huế được nâng thành một chuẩn giá trị, một phẩm hạnh cần thiết của người phụ nữ…
Dĩ nhiên, để Huế thành công trong việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ có rất nhiều việc cần làm. Và chúng ta có thể yên tâm khi Huế cho thấy mình đã có những bước chuẩn bị bài bản, như: Tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên đề, hội thảo quốc tế và hoàn thiện hồ sơ, trong đó tổ chức 2 cuộc tọa đàm và 1 hội thảo chuyên đề dự kiến trong tháng 8 và tháng 9/2024 và 1 cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề: “Huế - Hướng tới Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực”, dự kiến trong tháng 12/2024 nhằm lấy ý kiến góp ý, tham vấn cho các nội dung liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ.
Sau khi nộp hồ sơ, thành phố sẽ triển khai các hoạt động xuất bản các ấn phẩm, sách, phim tư liệu giới thiệu về tiềm năng TP. Huế trong lĩnh vực ẩm thực; tổ chức các không gian ẩm thực, các hoạt động trình diễn, chế biến món ăn dân gian và cung đình để góp phần quảng bá tiềm năng của Huế trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực...
Ẩm thực cũng là công nghiệp văn hóa
Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế, với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Hiện trên thế giới đã có hơn 350 thành phố của hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Mạng lưới này và cùng hướng tới một mục tiêu chung: Đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế.
Tại Việt Nam, việc đề xuất, thúc đẩy để đưa các thành phố gia nhập vào Mạng lưới như Hà Nội năm 2019 (thành phố thiết kế sáng tạo); Đà Lạt năm 2023 (thành phố sáng tạo âm nhạc) và Hội An năm 2023 (thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian), như lời Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng là một phần trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ phê duyệt. Là những căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á…
Theo nghĩa này, tới đây nếu gia nhập thành công, Huế sẽ đứng trước rất nhiều cơ hội, trong đó có sự giao lưu, trao đổi, hội nhập với 350 thành phố khác đến từ khắp nơi trên thế giới, không chỉ trong lĩnh vực ẩm thực mà còn trong cả 6 lĩnh vực sáng tạo còn lại của mạng lưới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Huế trở thành “bếp ăn” của Việt Nam cũng như các mục tiêu khác.
Ẩm thực Huế vượt trội so với nhiều địa phương khác khi đã được mặc định là một “thương hiệu văn hóa”. Tuy nhiên, để có mặt trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thì ẩm thực Huế phải được nâng cấp thành một “thương hiệu du lịch” và xa hơn nữa là một sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa. Ẩm thực, lúc này không còn là thương hiệu để khoe, để tự hào với chúng bạn nữa, mà phải là một sản phẩm - hệ sinh thái có thể thu về được rất nhiều tiền cho người dân và địa phương.
Thực tiễn từ những kết quả bước đầu của thành phố Hà Nội, Hội An và Đà Lạt cho thấy, để ẩm thực Huế từ “thương hiệu văn hóa” thành công nghiệp văn hóa, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư với sự đồng lòng cùng những bước đi bài bản, dài hơi. Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO không phải là một danh hiệu mà là một tiến trình, trong đó hai chữ “sáng tạo” là trung tâm của mọi quyết sách!