ClockThứ Ba, 29/04/2014 13:49

Festival Huế, tại sao không ?

TTH - Sân khấu chương trình “Ngẫu hứng” cũng rất… ngẫu hứng. Đó là một khoảnh lề đường nho nhỏ trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Nhạc công, MC… là giảng viên, sinh viên Học viện Âm nhạc Huế. Giản dị ngồi chơi nhạc trên những chiếc ghế nhựa xếp nép theo hè phố. Vậy mà khán giả bu đen bu đặc. Dân sở tại có, du khách nội địa có, du khách quốc tế có. Diễn viên cũng đúng chất… ngẫu hứng.

Có khi đang là khán giả, hứng chí một cái là giong tay xin ôm micro, thành ca sĩ! Thế nhưng chính những ca sĩ ấy lại được khán giả cỗ vũ cuồng nhiệt nhất. Chừng không kìm được lòng mình, một người đàn ông đã ngoại thất tuần cũng nhảy lên sân khấu. Sau nhạc phẩm tiền chiến mùi mẫn, “ca sĩ” còn nán lại sân khấu để giao lưu cùng khán giả. Nghe giọng Huế đặc sệt, khán giả thú vị nhìn nhau, ai dám bảo dân Huế trầm, dân Huế rụt rè?...

Lượng du khách thăm di tích Huế trong những ngày diễn ra festival tăng ấn tượng

Cứ như vậy chín ngày đêm của Festival Huế 2014, công chúng Cố đô đã cháy hết mình với lễ hội, với các sân khấu cộng đồng. Họ không còn là người “đứng bên lề” mà đã thực sự hoà mình, thực sự là chủ nhân của lễ hội. Đó là một trong ba tiêu chí để khẳng định sự thành công của một festival mà đạo diễn người Pháp Phillippe Bouler đã đề cập: Chương trình nghệ thuật đặc sắc, sự hài lòng của công chúng và nghệ sĩ tham gia. Sức hút của các sân khấu, của các chương trình lễ hội chính là sự khẳng định tính đặc sắc của các chương trình nghệ thuật; nghệ sĩ cháy hết mình và sự hài lòng của công chúng là điều mà ai cũng có thể cảm nhận.

Công chúng phải là chủ nhân của lễ hội, đó cũng là tiêu chí mà ngay từ những ngày đầu những nhà tổ chức của Festival Huế đã hướng tới. Và có lẽ cũng chính vì thế mà công nghệ Festival Huế bao giờ cũng có 2 phần IN và OFF. Trong đó, phần OFF, hay chương trình OFF, chính là để hướng đến quảng đại công chúng. Và qua 7 kỳ tổ chức, đến kỳ thứ 8 vừa rồi, nói như phóng viên Minh Phương của tờ Công giáo Việt Nam tại cuộc họp báo kết thúc Festival Huế 2014: “Chỉ cần nhìn lượng người đổ ra đường thôi cũng biết là Festival Huế đã thành công!”

Trong những ngày diễn ra festival, Huế không còn “mang tiếng” là thành phố đi ngủ sớm. Nhiều nhóm học sinh từ các huyện, thị về Huế học thêm được phụ huynh khuyến khích đi xem festival và bằng lòng cho phép về nhà khuya hơn mọi ngày. Có những đôi vợ chồng đã ngoại bảy mươi, ở cách Huế cả mấy chục cây số vẫn đèo nhau vượt suối băng đèo về Huế “chơi festival cho biết”. Có những viên chức ngày đi làm, tối dẫn vợ con theo sát các sân khấu bởi không muốn bỏ lỡ dịp may được tiếp cận các đoàn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế mà theo họ là “nếu không nhờ festival họ sẽ khó có thể có cơ hội thưởng thức”. Cũng trong những ngày diễn ra festival, lượng cộng chúng, du khách đổ về Huế, đổ về thăm các di tích hàng ngày, và kể cả hàng đêm nữa (Đại Nội, Cung An Định…) tăng một cách ấn tượng…

Tất nhiên, cũng vì vậy mà có tờ báo “than phiền” sau Festival Huế 2014 rằng, không khéo mà Huế đánh mất sự trầm mặc, sự cổ kính, sự yên tĩnh vốn được xem là… bản sắc của Huế. Song, dạng ý kiến như vậy khá ít. Ngược lại, ngay tại cuộc họp báo cuối kỳ festival, nhiều nhà báo đã công khai bày tỏ, họ thấy làm festival là đúng hướng, là cần thiết và họ ủng hộ festival. Cũng có nhà báo chợt… phát hiện: Không có hệ thống di tích thì Huế không thể làm được festival. Chúng tôi lại chợt nghĩ thêm, cũng nhờ làm festival mà di sản Huế, di tích Huế càng toả sáng, càng được quảng bá và càng ngày càng được tôn tạo, nâng niu, gìn giữ. Di sản tạo nền cho Festival Huế và Festival Huế làm sống dậy di sản. Đó là một di sản sống động, một di sản vô cùng gần gũi, vô cùng lợi lạc với cuộc sống hiện tại và tương lai. Vậy thì, Festival Huế, tại sao không?

Hiền An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập Câu lạc bộ thơ ca Đất Việt xứ Huế

Sáng 30/4 đã diễn ra lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Thơ ca Đất Việt xứ Huế, trở thành thành viên thứ 14 của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy thơ ca Đất Việt thuộc Viện Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc.

Thành lập Câu lạc bộ thơ ca Đất Việt xứ Huế
Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi “Miền ký ức”.

Kể chuyện lịch sử bằng ký họa
Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử

Ngoài hệ thống di sản Huế, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến tham quan, dâng hương tưởng niệm các điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn tỉnh, đông nhất tập trung ở Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây) và Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu (phường Trường An, TP. Huế).

Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử
Return to top