ClockChủ Nhật, 07/08/2022 10:38

Gặp nhà nhiếp ảnh chiến trường Lâm Đức Hiền

TTH - Thể hiện mối liên hệ giữa những vùng đất, những nền văn hóa và những phận người là điều nhiếp ảnh gia chiến trường Lâm Đức Hiền hướng đến đằng sau mỗi bộ ảnh.

“Bình dị và Phi thường” - Photo camp cùng Lâm Đức HiềnKể chuyện sông Mê Kông qua ảnh

Nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền (bìa phải) trò chuyện với các bạn trẻ ở Huế

Góc nhìn chân thực về đời sống

Đến Huế trong tuần lễ Festival Huế 2022, nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Việt Lâm Đức Hiền giới thiệu đến công chúng triển lãm ảnh “Mê Kông - Chuyện đôi bờ” tại Viện Pháp tại Huế. Những tác phẩm mang góc nhìn nghệ thuật và sự biến hóa trong hình thức thể hiện cho phép người xem chiêm ngưỡng sự phong phú và đa dạng của cảnh quan sông Mê Kông, từ những mảng màu rực rỡ của vùng châu thổ cho đến cảnh quan sa mạc khô cằn.

Qua những bức ảnh chân thực, triển lãm đưa người xem đi thăm thú cuộc sống muôn màu của người dân trải dài 4.200 cây số dọc sông Mê Kông, từ hạ nguồn nhiệt đới tấp nập, tràn trề sự sống tại đồng bằng sông Cửu Long đến thượng nguồn Tây Tạng, nơi tuyết trắng phủ quanh năm.

Bộ ảnh “Mê Kông - Chuyện đôi bờ” là thành quả sau 15 năm sáng tác của Lâm Đức Hiền. Trong chuỗi ký sự bằng hình ảnh, ký ức cá nhân hòa quyện cùng ký ức tập thể của những con người sống bên sông và dựa vào sông. Dòng Mê Kông vừa là ranh giới, vừa là mối liên kết giữa những mảnh đất, nền văn hóa và con người. Có thể ví “con sông Mẹ” này như một dòng chảy lưu giữ các nghi lễ, câu chuyện và cả những nhọc nhằn của các dân tộc sống bên sông.

Những bức ảnh của Lâm Đức Hiền vì thế không chỉ khắc họa sự đa dạng của dòng sông, mà còn hé lộ một cuộc đối thoại giữa cảnh vật và con người, những phận người đã làm nên sự sống trên dòng sông này, cách họ đang sống, hoạt động kinh tế, nông nghiệp, đánh bắt thủy sản...

Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền được công chúng quan tâm

Nhà nhiếp ảnh Lâm Đức Hiền chia sẻ: “Đối với tôi, dòng sông Mê Kông là biểu tượng cho người ta cảm nhận được không khí hòa bình. Với những bức ảnh không đi kèm chú thích, tôi muốn để người xem tự nhận ra nét khác biệt phảng phất trên khuôn mặt nhân vật, trong những chân dung không nêu rõ dân tộc nào, miền đất nào”.

Ngoài triển lãm, Lâm Đức Hiền còn có buổi trò chuyện với các bạn trẻ ở Huế; tập huấn chia sẻ kỹ năng thực hiện câu chuyện ảnh, trọng tâm là con người với các hình thức tiếp cận đa dạng về ảnh chân dung tư liệu, cũng như trực tiếp hướng dẫn học viên trong suốt quá trình thực hiện và biên tập bộ ảnh. Anh bày tỏ: “Đến Huế lần đầu tiên cách đây 30 năm, lần này trở lại, tôi rất vui khi được tiếp xúc với những người trẻ ham hiểu biết của thành phố. Đây cũng là vùng đất mang đến cho tôi nhiều ấn tượng về cảnh sắc nên thơ, cổ kính, con người thân thiện”.

Thông điệp về tự do, hòa bình

Sinh năm 1966 bên bờ sông Mê Kông (đoạn chảy qua thị trấn Paksé, phía Nam Lào), Lâm Đức Hiền có bố là người Việt và mẹ là người Lào. Anh đến Pháp năm 1977, được biết đến là nhiếp ảnh gia chiến trường kỳ cựu, với 25 năm kinh nghiệm tác nghiệp trên nhiều địa bàn chiến sự khốc liệt, như: Rwanda, Nam Sudan, Iraq...

Lâm Đức Hiền kể rằng, khi còn trẻ, anh không có ý định trở thành nhiếp ảnh gia. Anh học nhiều thứ tiếng với mong muốn trở thành nhà ngôn ngữ học. Sau đó, anh theo đuổi nghệ thuật và học hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc... Khi đang là sinh viên, một bước ngoặt xảy ra khi anh từ Pháp đến Romania, chứng kiến những đứa trẻ là nạn nhân của các cuộc xung đột, anh đã ghi lại thảm họa bằng nhiếp ảnh. Đó là bước ngoặt đầu tiên đưa Lâm Đức Hiền trở thành nhiếp ảnh gia chụp ảnh tư liệu.

Năm 1991, Lâm Đức Hiền đến Iraq và bắt đầu việc chụp ảnh chiến trường. Anh chụp ảnh chân dung, hướng đến đặc tả khuôn mặt mà không kèm bối cảnh minh họa. Nhiều năm gắn bó với Iraq, anh đạt giải nhất cuộc thi Ảnh Báo chí thế giới, hạng mục chân dung cho bộ ảnh “Người Iraq” vào năm 2001.

Những bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền mang đến cho người xem góc nhìn khác về chiến tranh. Không phải khía cạnh đen tối của chiến tranh mà là những bức ảnh mang thông điệp tích cực, ngay cả trong chiến tranh vẫn tồn tại cái đẹp, niềm hy vọng. Những góc nhìn về nhân đạo, quyền trẻ em và vấn đề môi trường là những chủ đề anh thường hướng đến. Qua ảnh, Lâm Đức Hiền nói lên tiếng nói về tự do, hòa bình. Để chụp được bức ảnh có hồn, anh cũng dành nhiều thời gian quan sát, lắng nghe và tìm kiếm sự đồng cảm.

Tác nghiệp ở chiến trường, Lâm Đức Hiền có nhiều trải nghiệm đáng nhớ, trong đó có những lúc đối mặt với cái chết giữa bom đạn. Anh rất quý sự hào phóng của người dân Iraq. “Người Iraq rất hào phóng nếu thật sự quý bạn. Họ đặc biệt quý người Việt Nam. Năm 1991, tôi là một trong số ít nhiếp ảnh gia nước ngoài được vào Iraq chụp ảnh. Khi nghe tôi nói là người Việt Nam, người dân ở đấy đều hô vang: “Việt Nam - Hồ Chí Minh” và chào đón nồng nhiệt”, nhiếp ảnh gia nhớ lại.

Bôn ba khắp nơi nhưng Lâm Đức Hiền khẳng định, Việt Nam chính là trái tim anh. Mỗi năm, anh đều trở về Việt Nam thăm quê hương, anh em, họ hàng để nhớ về thời thơ ấu được bà nuôi nấng, thưởng thức những món ăn cà muối, thịt kho bình dân đậm hương vị Việt…

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuổi lên chín & “hiện tại ngọt ngào”

Ngày 30/8, Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ vừa tròn 9 tuổi. Trong đêm kỷ niệm sớm bởi một số thành viên bận lên đường đi nhận giải thưởng ở các tỉnh phía bắc, mọi người đến dự rất đông vui. Người cao tuổi nhất là nghệ sĩ Chánh Thu, ứng khẩu luôn bài thơ “Người già ham vui” có mấy câu: “… Một thời vật vã hơn thua/ Một thời tưởng biết mà chưa biết gì/ Một lần quá khứ bay đi/ Tương lai chưa biết sẽ về lối nao/ Bỗng nhiên hiện tại ngọt ngào/ Men đời ngây ngất tuôn trào tiếng ca”.

Tuổi lên chín  “hiện tại ngọt ngào”
30 nghệ sĩ nhiếp ảnh giao lưu, sáng tác ảnh về Huế

Sự kiện nằm trong hoạt động của cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2024, do Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức, khai mạc chiều 10/5 tại TP. Huế.

30 nghệ sĩ nhiếp ảnh giao lưu, sáng tác ảnh về Huế
“Ánh sáng kinh đô” và cổ phục việt

Tại không gian xanh của Da:me space coffee, buổi offline với chủ đề “Ánh sáng kinh đô” dành cho các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên xứ Huế đã được diễn ra. Khách mời đặc biệt của chương trình lần này là anh Doãn Quang, một tay máy kỳ cựu gốc Huế đang làm việc và sinh sống tại Đà Nẵng.

“Ánh sáng kinh đô” và cổ phục việt
Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại

Chiều 7/4, tại Khoa Báo chí – Truyền thông Trường đại học Khoa học đã diễn ra hội thảo “Nhiếp ảnh thương mại trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” do trường phối hợp Hội Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và được tài trợ bởi công ty chuyên sản xuất về thiết bị chụp hình Yongnuo.

Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại

TIN MỚI

Xưởng in hồ sơ năng lực Hoàng Gia
Return to top