Diện mạo di sản Huế đang dần hồi sinh và phát triển bền vững. Ảnh: Trung tâm BTDTCĐ Huế
Hồi sinh
Trong các Cố đô của Việt Nam, Huế là Cố đô duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm. Tuy nhiên, trải qua chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên, thời gian, kho tàng di sản ấy bị tàn phá nghiêm trọng. Toàn bộ Quần thể Di tích Cố đô Huế sau chiến tranh còn khoảng 300 công trình lớn nhỏ, gồm: thành quách, cung điện, đền miếu, lầu gác, lăng mộ, cầu cống, đình tạ... nhưng hầu hết đều bị hư hỏng, xuống cấp ở những mức độ khác nhau. Nhiều công trình hư hỏng nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sụp vào bất kỳ lúc nào. Các di sản phi vật thể cũng bị mai một, thất tán.
Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Một vấn đề lớn được đặt ra là làm sao có một chiến lược mang tầm quốc gia để bảo tồn các di sản vô giá này. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả quan trọng: Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước hồi sinh diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử. Công cuộc bảo tồn di tích Huế chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản.
Các di sản phi vật thể cũng được nghiên cứu, phục hồi. Ảnh: Minh Hiền
Gần 30 năm qua, hơn 170 hạng mục công trình thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế được bảo tồn, trùng tu và tu bổ, tiêu biểu là các di tích: Ngọ Môn, Triệu Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, lăng các vua: Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Cung An Định... Cùng với đó là hệ thống hạ tầng và cảnh quan môi trường các khu di tích cũng được phục hồi và nâng cấp. Các nghi lễ cung đình được nghiên cứu, phục hồi phát huy giá trị, trở thành chất liệu và nội dung chủ đạo của các kỳ Festival Huế, là nền tảng để xây dựng Huế trở thành thành phố festival đặc trưng của Việt Nam. Đến nay, Huế đã có 5 di sản được UNESCO công nhận: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Đặc biệt, dự án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế” là cuộc di dân lịch sử, thể hiện quyết tâm và nỗ lực của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc trả lại diện mạo cho khu vực Thượng Thành - Eo Bầu thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Mục đích của dự án là nhằm giữ gìn, bảo tồn các giá trị lịch sử còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại, chỉnh trang cảnh quan, phát huy giá trị di tích, tạo ra sản phẩm du lịch và động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Sau khi các hộ dân di dời, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên ngành chỉnh trang mặt bằng khu vực Thượng Thành, Eo Bầu; lập và trình duyệt điều chỉnh bổ sung dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế; triển khai công tác tu bổ, chống xuống cấp hệ thống Kinh thành Huế. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng phương án khai thác dịch vụ phục vụ khách tham quan khu vực này.
Công tác bảo tồn, trùng tu di tích đem lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế và xã hội, góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang diện mạo đô thị và khu dân cư, thu hút du khách đến Huế, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo ra sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp xã hội đối với di sản văn hóa truyền thống.
KTS. Phùng Phu, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng, những kết quả của công tác bảo tồn và trùng tu các công trình di tích Huế khẳng định sự đi lên bền vững của việc giữ gìn các tài sản ở Huế, tạo được niềm tin cho cả nước và quốc tế để bước sang giai đoạn ổn định phát triển. Nhìn nhận đánh giá quá khứ về bảo tồn để rút ra bài học kinh nghiệm, song điều quan trọng là sự nghiệp cao đẹp về bảo tồn tài sản văn hóa sẽ muôn đời tồn tại.
Hạt nhân cho sự phát triển bền vững
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, công tác bảo tồn di sản vẫn còn gặp nhiều thách thức. Trước hết là cơ chế để quản lý, đầu tư và phát huy di sản Huế một cách hiệu quả nhất. Huế cần phải có một cơ chế đặc thù và hết sức linh hoạt thì mới có thể đáp ứng yêu cầu trên.
Nguồn nhân lực để đáp ứng cho công cuộc bảo tồn di sản Huế trong thời kỳ mới cũng là vấn đề cần đặt ra. Những năm qua, trung tâm đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn tham gia công tác bảo tồn tu bổ ngày càng phong phú và đa ngành, gồm: lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc, âm nhạc, khoa học bảo quản... đáp ứng được khá tốt công tác bảo tồn tu bổ di tích Huế. Tuy nhiên, lực lượng trên vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu.
Những khó khăn đến từ mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là thách thức lớn nhất đối với di sản Huế trong bối cảnh tốc độ đô thị ngày càng lớn. Đây cũng là vấn đề mà Ủy ban Di sản Thế giới đã nhiều lần khuyến cáo đối với di sản Huế. Những tác động bất thường từ những yếu tố bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai… trong giai đoạn hiện nay rất khó lường và để lại hậu quả nặng nề. Vì vậy, cần có những giải pháp căn cơ, tích lũy lâu dài để đối phó các tình huống phát sinh.
Chặng đường phục hưng di sản văn hóa Cố đô Huế để lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá. Đó là nhận thức về vai trò đặc biệt của văn hóa trong đời sống đương đại, về sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp các ngành từ Trung ương đến cơ sở, việc phát huy nội lực vốn có, huy động rộng rãi sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng quốc tế với vai trò nổi bật của UNESCO, kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của Nhà nước và cộng đồng các tầng lớp xã hội…
“Để vượt qua những khó khăn và thử thách, đòi hỏi phải có nhận thức đúng đắn trong toàn thể cộng đồng về di sản Huế, một chiến lược phù hợp cùng những sách lược linh hoạt của lãnh đạo địa phương, sự nỗ lực lớn hơn từ trung tâm cùng sự chung sức của Nhân dân và ủng hộ của cộng đồng quốc tế”, ông Trung nhấn mạnh.
Hướng đến kỷ niệm 40 năm thành lập đơn vị, trung tâm đang triển khai nhiều hoạt động tích cực để nắm bắt các cơ hội, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa Huế.
Ông Hoàng Việt Trung cho biết, trung tâm quyết tâm đổi mới, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, với phương châm mặt nào tốt vẫn giữ ổn định và tiếp tục phát huy. Mặt nào đã lạc hậu cần thay đổi hoặc điều chỉnh phù hợp nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy tối đa thế mạnh vốn có. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích theo hướng xã hội hóa, khai thác được các lợi thế, giá trị đặc thù của di sản, kêu gọi ngày càng nhiều nguồn lực từ cộng đồng xã hội tham gia bảo tồn di sản…
Bước vào giai đoạn mới, dù gặp nhiều khó khăn nhưng sự nghiệp bảo tồn di sản Cố đô Huế vẫn đang đứng trước những cơ hội thuận lợi để phát triển. Đó là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước thể hiện qua Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong chặng đường trước mắt và tương lai lâu dài, di sản văn hóa chắc chắn sẽ vẫn là nền tảng, hạt nhân cho sự phát triển bền vững của Cố đô Huế.
Minh Hiền