ClockChủ Nhật, 19/11/2023 11:08

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai: Nghĩ về một bảo tàng

TTH - Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là vùng nước lợ tầm cỡ thế giới, rộng nhất Đông Nam Á, có giá trị đặc biệt về tài nguyên sinh học và bao điều thú vị về lịch sử, văn hóa... Nó được xem như “viên ngọc sinh học quý” mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất Cố đô. Với những gì đang hiển hiện, nên chăng cần xây dựng một không gian trưng bày, hay bảo tàng cho hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai?

Thêm điển tích về đầm pháĐánh thức tiềm năng du lịch vùng Tam Giang - Cầu HaiTài nguyên văn hóa dân gian vùng Tam Giang - Cầu HaiPhát huy giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trong phát triển du lịch

Khai thác hải sản truyền thống ở Tam Giang - Cầu Hai 

Đó là ý tưởng được nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn (Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế) đặt ra tại một hội thảo liên quan về đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Ý tưởng này dù là gợi mở ban đầu, nhưng đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ các chuyên gia văn hóa, bảo tồn thiên nhiên.

Trên dải đất miền Trung và Huế nói riêng, biển - đầm phá - đồng bằng - gò đồi - sơn hệ Trường Sơn là tất cả những gì hiển hiện dưới góc nhìn địa lý mang tính phóng vượt theo chiều đông - tây. Cái khoảng cách cực ngắn này là hằng số tự nhiên như nhiều nhà nghiên cứu từng đề cập, nhưng chính nó cũng là tác nhân mang lại sự đa dạng trong văn hóa, nếu nhìn ở một tiểu vùng cụ thể. Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, qua góc nhìn này, có thể nói là nơi nắm giữ một mảng trong sự cấu thành văn hóa Huế.

Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là chuỗi đầm nước lợ lớn của tỉnh, tổng diện tích khoảng 22.000ha, dài gần 70km chạy theo hướng tây bắc - đông nam (song song với bờ biển). Điểm đầu tiên được tính từ đoạn cuối sông Ô Lâu chảy xuôi và mở rộng dần qua các huyện Phong Điền, Quảng Điền, TP. Huế, huyện Phú Vang và Phú Lộc, hình thành nên phá Tam Giang (từ sông Ô Lâu đến cửa biển Thuận An); đầm Thủy Tú (bao gồm đầm Chuồn, đầm Sam, đầm Thủy Tú) và đầm Cầu Hai thông với cửa biển Tư Hiền.

Theo nhà nghiên cứu Bảo Đàn, khu vực đầm phá là địa bàn cư trú của nhiều loài cá đặc thù, các loài rong tảo thủy sinh đa dạng và giữa chúng luôn có sự thay đổi, điền thế theo mùa, trong một chu kỳ với sự tăng giảm độ mặn ngọt của nguồn nước. Chính hệ sinh thái đa dạng này là nền tảng cho nguồn thực phẩm và ẩm thực phong phú. Khu vực đầm phá cũng chính là không gian của nhiều hệ món ăn riêng có, mang bản sắc vùng miền.

Ngoài ra, vai trò con người thủy diện tồn tại nhiều đời trên mặt nước này đã đúc kết cho mình và cộng đồng nhiều kinh nghiệm quý báu trong thế ứng xử với môi trường sinh thái nước lợ đặc thù và riêng có.

“Người thủy diện nắm giữ sự am hiểu về con nước, mặt đáy, thời tiết vùng đầm phá, hay nguồn thủy sinh thể hiện rất rõ qua lịch thời vụ, chu kỳ đánh bắt, vị trí phân bổ các loại phương tiện và cách thức đánh bắt, hệ thống lễ tiết liên quan đến sinh nghệ và những lễ tục trong chu kỳ đời người. Vốn văn hóa truyền thống này từng có sự biến chuyển, điền thế trong một số giai đoạn lịch sử nhất định bởi rất nhiều nguyên nhân, mà hiện nay, chúng ta có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ khác nhau”, nhà nghiên cứu Bảo Đàn phân tích. Vì thế thời điểm này chính là lúc chúng ta còn có cơ hội để lưu giữ lại vốn quý văn hóa truyền thống bằng nhiều cách thức khác nhau, mà việc thực hiện một bảo tàng sông nước là cách thức hữu hiệu nhất.

Để làm được việc này, nhà nghiên cứu Bảo Đàn cho hay cần xác định cơ sở dữ liệu tập trung vào vốn con người, vốn văn hóa vật chất, tinh thần, ngành nghề thủ công, vốn văn nghệ dân gian… Việc xác định cơ sở dữ liệu một cách chi tiết sẽ là nền tảng cho một bảo tàng phong phú và sinh động. Tùy vào điều kiện và mục tiêu đặt ra bước đầu, có thể thực hiện nhà trưng bày về đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và sau đó, tiến tới Bảo tàng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai khi điều kiện nền tảng đã vững chắc.

Việc xây dựng một nhà trưng bày hay bảo tàng theo nhà nghiên cứu thuộc Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế vẫn tùy thuộc vào rất nhiều điều kiện khác nhau. Trong đó, vấn đề nguồn lực con người và kinh phí là những thách thức không nhỏ.

Tuy nhiên, nếu bắt tay thực hiện, chúng ta vẫn có được những thuận lợi căn bản. Có thể kể đến như tính thời điểm và thời sự bởi thời điểm này khá phù hợp khi người thủy diện đã định cư, nhưng nhiều bộ phận vẫn còn gắn bó chặt chẽ với các sinh kế truyền thống. Ngoài ra, vốn văn hóa truyền thống cộng đồng, mạng lưới giao thông đến địa bàn thuận tiện cả thủy lẫn bộ…

Bài: Nhật Minh - Ảnh: Tuấn Kiệt
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng

Một chiếc thuyền độc mộc được nhóm thợ lặn tìm thấy và trục vớt ở lưu vực sông Bồ. Chiếc thuyền này sau đó đã được nhóm người này quyết định tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế để nghiên cứu, phát huy giá trị.

Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng
Tái thiết bảo tàng trong lòng di sản

Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế đang được lên kế hoạch tái thiết, xây dựng để phù hợp với không gian di sản theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tái thiết bảo tàng trong lòng di sản

TIN MỚI

Return to top