ClockThứ Hai, 15/06/2020 14:05

Huế trong “Di sản văn hóa – Bảo tồn và trùng tu”

TTH - Với cách tiếp cận từ di sản kiến trúc, GS. Hoàng Đạo Kính lập luận: “Bản sắc không phải là một khái niệm hình thức.

Bảo tồn và nâng cao vị thế di sản“Văn hóa phải là nguồn lực cho sự phát triển”

Nghinh Lương đình sau khi trùng tu. Ảnh: Đăng Tuyên

Di sản văn hóa - Bảo tồn và trùng tu là tập tiểu luận chuyên bàn về công việc bảo tồn và trùng tu di tích của GS.TS. KTS. Hoàng Đạo Kính, một trong những chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực này. Với kiến thức khoa học vững chắc, chuyên sâu được đào tạo bài bản, bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú đã trải qua, ông đã “thổi hồn” vào những bài nghiên cứu tưởng chừng như khô khan, trở nên sống động và hấp dẫn người đọc đến thú vị. Bởi theo ông, “Di tích phải được ứng xử bằng văn hóa”; đó là cái nhìn nhân văn, nhất quán, và tư tưởng chủ đạo xuyên suốt nội dung cuốn sách.

Ông bộc bạch: “Những năm làm công tác bảo tồn, tôi có hiểu đôi chút di sản kiến trúc Huế. Song kiến trúc và đô thị Huế, tôi hiểu chưa đủ”. Đó là cách nói khiêm nhường của một nhà khoa học chín chắn, đã đồng hành hơn 40 năm (từ năm 1978) với công cuộc bảo tồn và trùng tu di sản văn hóa Huế (từ buổi đầu tham gia khảo sát, lập đề án cứu vãn di tích Huế… đến sự phục hồi, phát triển và khởi sắc ngày nay). Do vậy, ông là người hiểu nhiều, khá toàn diện, sâu sắc về di sản kiến trúc và đô thị Huế. Bằng chứng là trong 46 bài viết, nghiên cứu của Di sản văn hóa - Bảo tồn và trùng tu, có đến 6 bài dành riêng cho Huế (bài nào cũng cẩn trọng, trăn trở, tâm huyết).

Tuy những bài này viết cách đây đã hơn mười năm, nhưng đọc lại vẫn tươi mới, mang tính gợi mở, phù hợp với Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ chính trị xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Với cách tiếp cận từ di sản kiến trúc, GS. Hoàng Đạo Kính lập luận: “Bản sắc không phải là một khái niệm hình thức. Bản sắc không có mục đích tự thân. Bản sắc trong kiến trúc chỉ có thể tạo lập khi chúng ta làm chủ được những tinh hoa đích thực của văn hóa dân tộc, khi chúng ta hiểu rõ và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của xã hội cùng con người đương đại, khi chúng ta trang bị cho mình tri thức của nền kiến trúc thế giới, khi chúng ta không ngừng sáng tạo và đi từ những cái “ tôi” trong sáng tạo”.

Ảnh: LVX

Ông đã soi chiếu và nêu bật những giá trị của di sản kiến trúc Huế "di sản kiến trúc Huế là tập hợp có một không hai những công trình kiến trúc điển hình của một thời kỳ lịch sử gồm thành lũy, cung điện, đền miếu, lăng tẩm, chùa chiền, nhà ở, phố phường…; muốn nghiên cứu, hiểu biết tường tận những loại hình kiến trúc của thời phong kiến Việt Nam, chỉ có thể thông qua di sản kiến trúc Huế…; Huế là một di tích kiến trúc đô thị còn lại hầu như nguyên vẹn ở nước ta…; nối tiếp giai đoạn Phú Xuân và qua một thế kỷ rưỡi tồn tại với tư cách là kinh đô, ở Huế đã hình thành một nền kiến trúc có bản sắc riêng, không thể nhầm lẫn với kiến trúc của một nơi, một thời nào khác…; các công trình kiến trúc ở Huế được bài trí phong phú và cầu kỳ. Các kỹ thuật chạm trổ, sơn son, thếp vàng, khảm xà cừ, ghép sứ, đắp ngõa, pháp lam… đạt trình độ hoàn mỹ”.

 Việc bảo tồn và trùng tu di tích trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế suốt mấy chục năm qua đã thu được những kết quả và thành tựu to lớn, góp phần đáng kể vào sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nâng tầm giá trị di sản văn hóa dân tộc (đến nay đã có 7 di sản văn hóa Huế được UNESCO vinh danh). Tuy nhiên, theo GS. Hoàng Đạo Kính, đây là công việc “gìn vàng, giữ ngọc”, không phải “Trùng tu xong là xong”, mà mang tính lâu dài, cần phải kiên trì, bền bỉ, liên tục, phải có tri thức và kinh nghiệm thực tiễn “Khoa học, thận trọng, chín chắn”.

Cần phải “có sự nhìn nhận và đánh giá toàn diện hơn nữa di sản văn hóa Huế trên cơ sở những kết quả điều tra, kiểm kê và phân tích”, cần đánh giá đầy đủ hiệu quả trong bảo tồn di tích Huế thời gian qua, cập nhật dự án bảo tồn và trùng tu, phù hợp với nguồn lực, năng lực tài chính, để cân nhắc, lựa chọn việc bảo tồn và trùng tu. Và “quyết định hơn cả là vấn đề con người, tổ chức làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản…, nên tạo lập một cơ chế tách bạch và rành rọt, thực hiện ba chức năng lớn: bảo vệ, trùng tu và khai thác”.

Đó là những vấn đề đặt ra hết sức cần thiết, cần  được lắng nghe, tiếp thu, cân nhắc, vận dụng phù hợp và sáng tạo của những người có trách nhiệm, và cả với chủ nhân của di sản văn hóa Huế, mà GS. Hoàng Đạo Kính đã trải lòng trong di sản văn hóa - bảo tồn và trùng tu.

Lê Viết Xuân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

Ngày 28/10, ông Trần Xuân Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức gala thơ nhạc “Chút tình với Huế” thu về 600 triệu đồng nhằm sẻ chia các dự án cộng đồng tại quê hương.

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng
Return to top