Tái hiện thân phận và sự hy sinh của công chúa Huyền Trân
Đến dự, có các ông: Cái Vĩnh Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.
Với chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân”, Lễ hội đền Huyền Trân Xuân Kỷ Hợi 2019 được mở đầu bằng chương trình nghệ thuật sử thi đặc sắc tái hiện cuộc đời và công lao to lớn của công chúa Huyền Trân, người cách đây hơn 700 năm đã hy sinh tình riêng để góp nên vùng Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế có vị thế xứng đáng trong lịch sử dân tộc.
Để ca ngợi công đức của công chúa Huyền Trân, cấu trúc chương trình nghệ thuật được thể hiện mang tính sử thi, với các tiết mục: bài Nam bình “Nước non ngàn dặm”, “Huyền Trân tiếng tơ lòng”, “Dòng sông nỗi nhớ”, chầu văn Bắc (lời về Huyền Trân) và sau cùng là hình ảnh công chúa gửi mình nơi cửa Phật sau khi hoàn thành sứ mệnh với đất nước, trở về quê hương qua tiết mục múa “Sắc tâm”.
Sau phần nghi lễ và nghi thức đánh trống khai hội, lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, địa phương, cùng người dân và du khách đã dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, tri ân Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân, những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhấn mạnh: “Lễ hội Đền Huyền Trân thể hiện đậm nét bản sắc truyền thống, nhằm tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân. Một lễ hội được tổ chức mang đậm tính truyền thống, kết hợp với Khu di tích Chín Hầm, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế là những địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách”.
Thời tiết nắng đẹp nên trong hai ngày mùng 8 & 9 tết, nhiều người dân và du khách thập phương đã nô nức đổ về Trung tâm Văn hóa Huyền Trân để tham quan, vãn cảnh. Năm nào cũng vậy, cứ đến lễ hội Đền Huyền Trân, bà Nguyễn Thị Càng (phường An Tây) lại đến đây dâng hương: “Cứ đến mùng 9 tết, tui đến đây dâng hương để tri ân công đức của tiền nhân và cầu mong bình an cho gia đình”.
Triển lãm "Mùa xanh muôn một"
Người dự hội không chỉ là Nhân dân trong tỉnh mà còn có du khách từ phương xa, nhớ ngày hội tìm đến dâng hương và cùng hòa vào các hoạt động của lễ hội. Vợ chồng ông Phạm Xuân Lộc, Việt kiều Pháp chia sẻ: “Năm nào chúng tôi cũng trở về thăm Huế. Năm nay, về nước đúng dịp tết nên chúng tôi được tham dự Lễ hội Huyền Trân. Không khí lễ hội diễn ra tôn nghiêm, cảnh đẹp nên chúng tôi rất thích”.
Đây là năm thứ ba Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức lễ hội Đền Huyền Trân có quy mô, với đầy đủ hai phần lễ và hội. Bên cạnh các phần lễ chính, như: Lễ Tiên Thường (cáo giỗ), Lễ kỵ công chúa Huyền Trân, hành lễ, lễ dâng hương... thì phần hội năm nay tạo được không khí tươi vui, phấn khởi trong dịp đầu xuân với các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, như: bài chòi, đập om, đẩy gậy, trình diễn thư pháp…
Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra triển lãm “Mùa xanh muôn một” do Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tổ chức. Triển lãm giới thiệu 20 tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng, trong đó có 18 tác phẩm sơn dầu và 2 tác phẩm điêu khắc gỗ.
Bộ sưu tập “Mùa xanh muôn một” đã được triển lãm ở nhiều nước trên thế giới, gồm những tác phẩm “Thiền” do họa sĩ Lê Bá Đảng sáng tác sau chuyến viếng thăm đền thờ Angkor Wat. “Thiền” thể hiện tình yêu gia đình qua hình ảnh Phật ở khắp mọi nơi, mỗi nét mặt là một cõi “tâm vô tâm” trong vũ trụ, không ẩn chứa khổ đau, bất hạnh trong trời đất và là những hạnh phúc của miền cực lạc xa xăm. Tác giả vẽ chính cái tâm của mình thông qua nghệ thuật “sắc không” đưa con người đến với cái tâm luôn hướng thiện.
Một số hình ảnh tại lễ hội do Thừa Thiên Huế Online ghi lại:
Chương trình nghệ thuật sử thi ca ngợi công đức của công chúa Huyền Trân
Người nương cửa Phật sau khi hoàn thành sứ mệnh với quê hương
Lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân
Người dân trẩy hội Đền Huyền Trân
Tặng chữ thư pháp
Vui hội bài chòi
Hào hứng với trò chơi dân gian đập om
Tin, ảnh: Minh Hiền