ClockThứ Hai, 26/07/2010 17:52

Lóc cóc vó ngựa đường xa...

TTH - Trong muôn vàn âm thanh của cuộc đời này, không hiểu sao trong cõi sâu thẳm tâm hồn tôi, tiếng vó ngựa khua vang trên đường lại có sức lay động mãnh liệt khôn cùng. Nhiều khi nó ngân vang đâu đó rất mơ hồ tiếng lóc cóc xa xăm và cả tiếng lục lạc xao động một miền thơ ấu.


Vó ngựa trên cao nguyên Langbian - ảnh từ internet

Tuổi thơ tôi nặng nợ với nhiều câu ca và câu hát có bóng dáng con ngựa mệt nhoài vì chạy suốt ngày trên đường thiên lý song vẫn hứng khởi hý vang. Ai mà không từng lớn lên từ những lời ru của mẹ trong đó có câu:“ Nhong nhong ngựa ông đã về, cắt cỏ Bồ đề cho ngựa ông ăn”. Lớn chút nữa là mơ mình được làm Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đánh giặc. Rồi còn biết bao nhiêu hình bóng của ngựa đi vào trong thế giới tuổi thơ. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn hát cho con nghe những câu hát tuổi nhỏ mình thích thú, mặc dù không biết tác giả những câu hát đó là ai“ Ngựa phi, ngựa phi đường xa; trên con đường cát trắng trắng xoá...” Và trong gia tài mông lung của tuổi thơ còn mang vác đến giờ, cũng còn chú ngựa và anh chàng cao bồi Lúc-ky-lắc trong phim hoạt hình có tài bắn súng và chuyên làm việc thiện song cả hai lại rất cô đơn. Thuở nhỏ tôi thường thắc mắc sao cái anh chàng ấy lại cô đơn đến vậy, sau này lớn lên, nghe người ta nói kẻ có chí khí thường cô đơn, mới hiểu ra đôi phần ngụ ý của người làm phim cho trẻ nhỏ...

Nhưng đến khi nhìn thấy con ngựa thật chạy trên đường phố, thằng bé con trong tôi không khỏi thất vọng đôi phần. Những năm đầu thập kỷ tám mươi, ở Huế còn có một con ngựa thồ kéo xe dành cho trẻ con, thường đậu trước cửa rạp xi nê Đông Ba. Con ngựa nâu còm cõi ấy có chiếc bờm hoe vàng. Anh xà ích tết cho nó thêm những giải tua bằng vải đủ màu để nó kéo chiếc xe cũng sơn nhiều màu chở lũ con nít dạo phố, mỗi vòng hồi đó không biết mấy đồng nhưng cũng thường xuyên đắt khách. Con ngựa ấy có vẻ nhẫn nhục kỳ lạ dưới cây roi của anh xà ích và tôi hiểu ra rằng, trong thế giới này, không chỉ có những con ngựa cao sang, đẹp đến não lòng như trong truyền thuyết và phim ảnh, bên cạnh đó còn có những con ngựa lầm lũi, tần tảo cho mưu sinh của những kiếp người.
 

Ảnh từ internet
 
 
Sau này lớn lên, bản thân đủ bình tĩnh để kiềm chế cảm xúc, tôi không còn thấy bực mình vì cái sự phân chia “đẳng cấp” mà loài người áp đặt cho loài ngựa. Ví như ở Đà Lạt, ngựa thồ hàng, chở khách được liệt vào lọai “hạ đẳng”, trong khi những chú ngựa cảnh chỉ để chụp ảnh ở các điểm du lịch được xếp vào hàng “quý tộc”. Những tình cảm bồng bột, vô lý ấy bỗng nhiên một sáng nọ bị xoá sạch trên đất An Nhơn, Bình Định.
 
Đó là một buổi tinh mơ sáng mùa hè, tôi tỉnh dậy bởi tiếng nhạc ngựa khua vang trên đường ngay phía ngoài cửa sổ nơi tôi đang ngủ. Cái âm thanh chở nặng chất liệu cuộc đời thực ấy làm tôi tỉnh ngủ hẳn. Thằng bạn nằm bên cười cười:” Ngủ không được vì nhạc ngựa à?” Tôi cười thú nhận:” Cái âm thanh sao nghe lạ quá đi!”. Thằng bạn cũng không ngủ nữa, hắn nói sẽ đãi tôi một bữa âm thanh nhạc ngựa ra trò và kéo tôi ra ngoài hiên nhà ngồi uống trà. Lúc ấy chừng bốn năm giờ sáng, ngựa thồ đâu mà nhiều, lóc cóc kéo nhau đi, phía sau chở nặng những bao nhiêu là hàng hoá. Nào những be rượu Bàu Đá vùng triền sông Kôn Nhơn Lộc; nào những chồng nón lá, nón ngựa đất Gò Găng nổi tiếng; nào những liếp vải dệt Phương Danh; nào các hủ mắm Đề Gi, Nước Mặn...Tiếng vó ngựa khua vang hòa lẫn trong mùi mồ hôi ngựa tan vào sương sớm nghe sao là lạ, cảm nhận sao mình có thể không yêu mến cuộc sống có những con ngựa thồ như thế. Mới hay, đất An Nhơn mà tôi đang ngồi đấy đích thị là một “Cung thành xe ngựa”, ngày xưa có thành Đồ Bàn, thủ phủ vương quốc Chăm pa, sau này là nơi phát tích của phong trào Tây Sơn...Chao ôi là tiếng vó ngựa đất đế kinh, sao còn xao động đến giờ!
 
Và lại nhớ hôm sau thằng bạn đưa đi chợ súc vật, người ta bán cả ngựa. Cái cảnh chia ly giữa vật nuôi và chủ cũ làm tôi không sao cầm lòng đậu: khi đã bị người mua dắt đi, ngựa vẫn giậm chân ngoái lại nhìn chủ cũ và cất lên những tiếng kêu thống thiết, nước mắt nhỏ thành dòng khiến cả chợ ngậm ngùi. Hôm đó có người chủ đã không chịu nổi tình cảnh đau lòng ấy đã nài nỉ trả tiền lui cho người lái, không bán con vật trung thành nữa, rồi ngựa người, người ngựa quấn quýt nhau về...
 
Viết đến đây bỗng nhớ năm 1987, khi đang còn sinh viên lên thực tập ở A Lưới, tôi nhìn thấy một cậu bé cưỡi chú ngựa ô chạy ngang trên đường sang Hồng Quảng. Nhiều năm sau tôi lên lại, hỏi thăm A Lưới còn có ngựa không, câu trả lời là không. Tôi nghe như một dấu lặng: phải chăng ngựa Huế đã hết rồi!
 
Hạ Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lãnh đạo tỉnh làm việc với đoàn làm phim “Hoàng hậu cuối cùng”

Chiều ngày 7/5, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Mar6 Studios liên quan đến dự án phim điện ảnh về hoàng hậu Nam Phương. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Lãnh đạo tỉnh làm việc với đoàn làm phim “Hoàng hậu cuối cùng”
Trong nỗi hoài vọng cố hương

Nhà thơ Triệu Nguyên Phong quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Cuối năm 2023, nhà thơ Triệu Nguyên Phong vừa ra mắt độc giả tập thơ thứ bảy của mình “Theo bóng ta về”, do NXB Thuận Hóa ấn hành. Các tập thơ trước đó gồm: “Say đắng” (2005), Nắng và mưa (2006), Ta và bóng (2009), Rơm rạ chiều quê (2011), Ngược dòng trăng (2013), Ta tìm ta giữa đời (2017).

Trong nỗi hoài vọng cố hương
“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Tự hào quốc hiệu Việt Nam

“Quốc hiệu Việt Nam là tài sản tinh thần vô giá và linh thiêng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt. Từ trong sâu thẳm tâm thức của mình, tôi tự hào là người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu đã chia sẻ như thế nhân kỷ niệm 220 năm quốc hiệu Việt Nam.

Tự hào quốc hiệu Việt Nam
Return to top