ClockThứ Năm, 28/03/2013 05:55

Màu tháng ba

TTH - Sau một chút ít sương mù là nắng. Không biết có phải vì nơi mình ở cao và thoáng không, nhưng rõ là nắng ngời ngợi và tràn trề. Thoạt tiên là tiếng chim thảnh thót quen thuộc vào lúc tinh mơ. Nó sốt ruột đến mức làm mình hết cả ngái ngủ. Rồi bắt đầu từng chuỗi ve. Nó cũng râm ran đến độ mình cứ ngỡ cái vòm tre xanh bên kia hàng rào trĩu hết cả xuống. Ngày đã mới rồi và bắt đầu hè.
Hoa gạo

Thật ra thì cảm giác xuân qua đã mỗi lúc một rõ rệt hơn sau tuần đầu trở lại với công việc. Những bánh mứt hạt dưa đã không còn lưu cữu nữa. Là khi chậu mai đã xanh um và lá trong những chậu cúc đã sẫm lại. Có điều chi cứ lễnh lãng khi những bông cúc đã dời khỏi tiền sảnh, khô rũ và tàn dần bên một góc sân; khi ai đó thả luôn cây quất lĩu trĩu quả vàng vào xe rác bên đường...

Nhưng đã nắng. Trong trẻo và tinh tươm. Vươn lên cao và chỉ nở hoa về phía nắng, những dây lâm phượng vĩ báo mùa sớm hơn hẳn loại hoa học trò truyền thống. Thân leo nên nó mang vẻ mềm mại riêng có và cũng đầy “lãng - sờ - mạn” như cách mà cô học trò lớp 12 vừa bảo. Cô bé chắc là cũng mang những xao động riêng khi nheo mắt nhìn hoa lúc nắng về. Lúc ấy mình biết mình đã qua xa ngái lắm cái tuổi mênh mông. Những niềm vui nỗi buồn đã chật hơn, đời hơn. Nhưng có phải vì thế không mà mình nhận ra, cuộc đời này còn có nhiều người và nhiều cái để bao dung.
 
Hôm trước, thầy giáo già ghé vào phòng uống trà rồi nhắc mình đi xem hoa gạo nở. Thầy bảo nhanh lên kẻo không còn mấy hồi nữa. Mình đến, và ngước nhìn cái màu đỏ biếc giữa nền trời ở HueCIT - số 6 Trần Thúc Nhẫn và nhìn những bông hoa rụng lặng lẽ trong sân chiều. Người Huế chắc cũng có một cái tên mỹ miều hơn để gọi hoa nhưng mình vẫn thấy nó đẹp khi là hoa gạo. Có khi mình lại trở thành người hoài nhớ sớm mất thôi khi ý nghĩ trở lại lúc ấy là con đường làng rất vắng, đến độ nghe được mùi thơm của lúa lúc ngậm sữa và mình tha thẩn nhặt hoa dọc triền đê ngày nào ở Bắc. Đứng ở giao lộ Lê Duẩn - Kim Long và cầu Dã Viên cũng có mấy cây hoa gạo còn trẻ. Màu đỏ hắt vào nền trời sự trẻ trung cuốn hút bên bức tường nâu rêu trầm mặc của kinh thành cũ...
 
Khác với màu đỏ rừng rực và tràn đầy sức sống của lâm phượng vĩ hay của loài osaka mới mẻ dọc đường Lý Thường Kiệt, trong công viên bên phải chân cầu Mới, hoa xoan tháng ba đã mảnh dẻ tím. Nó làm cho góc sông Hương hiền hậu mỗi khi chạy xe qua và để màu hoa tràn vào mắt. Có hôm ngồi ở hàng hiên phía sau café Phương Nam trong một câu chuyện khá gai góc về mỹ thuật, cả với cái vẻ bề ngoài cũng khá gai góc của một họa sĩ không còn trẻ, mình có lúc đã thả lửng cái nhìn về phía ấy, hình dung chút ít hiền hậu và café có thêm một chút lãng đãng. Có lần, khi xuôi thuyền ngược sông Hương, mình trông thấy cả một vùng tím ngát mạn Hương Hồ như ai đó bỏ quên hàng xoan ở đó. Cả màu hoa mướp vàng trên giàn tre bắc nhoai ra mặt nước, rồi những lưng ngô thấp thoải người đi bẻ trái... Hồi ấy như là cũng tháng ba.
 
Giữa khi chiều về, trên đường Kim Long rộng và ngót người để có thể thả lửng tầm mắt, mình có cảm giác bầu trời như mênh mông hơn, con sông huyền ảo hơn như có điều gì dịu dàng lắm nhưng cũng giăng mắc và vây bủa lắm. Màu của khói nắng. Hèn chi mà sông cứ dùng dằng.
 
Câu hát của một thời với hoa như mưa rơi rơi giờ vẫn cồn cào nơi màu hoa đỏ. Trong những câu thơ mà ta có mặt và cả cánh buồm bay một thời đã xa. Và tiếng ve trỗi dậy trong một sáng mờ...
Nguyễn Sông Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỷ niệm 8 năm Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” được công nhận Di sản Tư liệu thế giới

Cách đây 8 năm, ngày 19/5/2016, Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” (1802 - 1945) được Ủy ban chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên hợp quốc công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. ​

Kỷ niệm 8 năm Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” được công nhận Di sản Tư liệu thế giới
Dâng hoa sen lên Bác tại nhà lưu niệm ở Dương Nỗ

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng đại diện một số sở, ban ngành và người dân, du khách đã tham gia lễ rước hoa sen và dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, TP. Huế) sáng 19/5.

Dâng hoa sen lên Bác tại nhà lưu niệm ở Dương Nỗ
Chùa trên núi

Ngôi chùa nằm cheo leo trên một ngọn núi. Đường lên chùa ngoằn ngoèo, khúc khuỷu bám theo sườn núi nên chẳng mấy người lên chùa, thành ra chùa vắng vẻ quanh năm. Nếu như không có người dẫn lối hoặc nhắc tới thì hẳn chẳng ai biết trên núi này còn có một ngôi chùa. Vào những buổi sương mù, ngọn núi chìm trong một vùng mịt mờ trắng đục. Nhìn từ xa, ngọn núi mờ ảo, chỉ khi nắng lên, sương tan, đỉnh núi mới hiện rõ và xung quanh vẫn còn phủ vài đám mây trắng, khiến cảnh vật đẹp một cách lạ kỳ. Vậy nhưng, ngôi chùa vẫn khuất trong dáng núi, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ um tùm, chỉ tiếng chuông chùa là vang vọng lan xa, rồi tan dần vào gió, vào mây, vào nắng, vào tháng năm.

Chùa trên núi
Trân quý những tư liệu, hiện vật tưởng niệm Bác Hồ

Ngoài những di tích, những di sản văn hóa phi vật thể mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là tình yêu thương bao la của Người dành cho Nhân dân Thừa Thiên Huế, những hồi ức của Người với vùng đất Thừa Thiên Huế còn có tình cảm đặc biệt của Nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Người gồm hàng ngàn trang tư liệu viết và những câu chuyện kể. Đó là lòng tôn kính, tình cảm của Nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động thờ cúng trong mỗi gia đình sau khi Người qua đời.

Trân quý những tư liệu, hiện vật tưởng niệm Bác Hồ
Khai hội Dương Nỗ - hành trình tháng 5

Làng Dương Nỗ là một địa danh không thể thiếu trong trong tiểu sử của người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất - Hồ Chí Minh.

Khai hội Dương Nỗ - hành trình tháng 5
Return to top