ClockChủ Nhật, 24/05/2020 12:36

Họa sĩ già giữ “hồn” phố cổ Bao Vinh

TTH - Góc phố có đình làng, chùa chiền, nhà cửa với những mái ngói cổ kính rêu phong. Xa xa những người mẹ quê chuyện trò bên những mớ rau ở góc chợ sớm. Rồi sông Hương uốn lượn qua những cung đường làng thơ mộng, hay con đò ngang chở những mảnh đời mưu sinh ngược xuôi… Tất cả những khung cảnh ấy nên thơ một cách lạ kỳ.

Họa sĩ Trương Bé – họa sĩ bậc thầy trong hội họaNhư thấy mình trong “Cảm ơn Eva”“Cảm ơn Eva”Ký họa Cố đô Huế

Ở  tuổi 73, họa sĩ Trần Văn Mãng vẫn miệt mài niềm đam mê của mình

Và khung cảnh ấy trở nên độc đáo, lung linh, huyền ảo hơn qua góc nhìn và đôi bàn tay tài hoa của người họa sĩ sinh ra, lớn lên, gắn bó với đô thị cổ Bao Vinh đầy hoài niệm. Ông là họa sĩ Trần Văn Mãng. Ở cái tuổi 73 ông miệt mài vẽ và chỉ vẽ phố cổ Bao Vinh – góc đời nặng lòng, gắn liền với những kỷ niệm buồn vui cuộc đời ông.

Trong căn nhà với khoảng vườn đủ rộng nép mình ở hạ nguồn sông Hương, nằm cuối phố cổ Bao Vinh có một không gian để người họa sĩ già vui với cuộc chơi riêng của mình. “Mình vẽ vì đam mê. Vẽ trước hết để phục vụ cho mình, cho cuộc chơi mà mình đã chọn lựa từ thời trai trẻ cho đến bây giờ. Vui thôi.” – người họa sĩ già nói với chất giọng thật thà, khiêm tốn nhưng không kém phần vui nhộn.

Lần theo những bức tranh được ông họa sĩ chuyên vẽ về Bao Vinh từ hàng chục năm về trước, những góc phố, ngôi nhà cổ kính ẩn hiện, soi chiếu dưới dòng sông Hương khiến người ta hồi tưởng về một miền ký ức tưởng chừng chỉ có trong thi ca. Ở đó, đời sống và văn hóa cộng đồng của Bao Vinh dần được người họa sĩ mô tả một cách chân thật, mềm mại qua từng nét vẽ với khung cảnh lễ hội, chợ đò, làng nghề… như đưa người xem lạc vào một thế giới hoài niệm, đậm chất làng quê của Huế.

Lật giở từng tác phẩm được xếp kỹ càng trong một căn phòng, họa sĩ Mãng vừa đắm đuối, vừa trầm tư ngay trên nét vẽ như vấn vương cảm xúc khi màu còn chưa ráo. Ông thuộc từng ngõ ngách của Bao Vinh, vì thế hầu hết các bức tranh về đề tài phố nhuốm đậm từng chi tiết mà đến bây giờ, trải qua hàng chục năm khiến ai nhìn thấy đều cảm thấy xúc động. Bao Vinh từ ngày còn nguyên vẹn, rồi trải qua những cuộc “thay da, đổi thịt” với sự xuống cấp, hư hỏng, được làm mới với những khối bê tông… được ông Mãng vẽ lại một cách chân thật. Nhưng chung quy lại, người họa sĩ từng gắn bó cuộc đời mình ở Bao Vinh luôn thấy mình may mắn khi được sống, cưới vợ, sinh con và phiêu linh với cuộc chơi của chính mình ngay tại mảnh đất này.

“Với tôi Bao Vinh luôn đẹp. Vẻ đẹp của sự cổ kính, hoài niệm và tôi muốn vẽ những hình ảnh đó để lưu giữ lại cho con cháu mai sau. Tôi hy vọng, qua tranh của mình, mọi người sẽ hiểu hơn những giá trị văn hóa, kiến trúc mà cha ông đã để lại để cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy”, ông Mãng trải lòng và thật thà rằng “tôi sẽ vẽ cho đến hơi thở cuối cùng”.

Một góc phố cổ Bao Vinh qua góc nhìn của họa sĩ Trần Văn Mãng

Đúng như tính cách của ông: không ồn ào, không phô trương, không muốn tạo ra tiếng tăm và thậm chí không muốn lên báo, hay đơn giản là một cuộc triển lãm cá nhân. Người họa sĩ chỉ muốn tạo ra cuộc chơi riêng cho mình, và muốn lưu giữ lại những tác phẩm ấy cho những người thân thương, dù rằng bạn bè cùng trang lứa đã trở thành những tên tuổi của làng hội họa với những cuộc triển lãm, đấu giá nổi tiếng.

Nếu như nói đến họa sĩ Mãng mà không nhắc tác phẩm “vĩ đại” vẽ trên bao bố sẽ là một thiếu sót. Bức tranh ấy được khởi sự vào năm 2006, cái thời sống trong cảnh nghèo túng quá đỗi, phải mưu sinh bằng nhiều nghề từ đạp xích lô, làm bán tránh cho đến bán thuốc lá lẻ… để nuôi gia đình. “Hồi đó nghèo khó vậy, nhưng trong đầu tôi chưa bao giờ từ bỏ ý định vẽ. Tôi vẫn trích một số tiền ít ỏi mà mình kiếm được mua bố để vẽ. Có nhiều người biết đam mê ấy của tôi đã tặng tôi bố để duy trì đam mê”, ông Mãng nhớ lại và không quên ký ức, có những đoạn bố xin được bị rách đã được vợ ông may vá để nuôi dưỡng tình yêu hội họa cho chồng.

Đến thời điểm này, tác phẩm “vĩ đại” ấy đã dài đến hơn 220m. “Tôi vẫn sẽ tiếp tục vẽ - ông Mãng khẳng định - Vẽ những gì gắn liền với đời sống, với những gì mà mình thấy trong tiến trình gìn giữ và phát triển Bao Vinh. Tôi xem đó là tác phẩm để đời của mình, hy vọng một ngày không xa có cơ hội sẽ trưng bày đến người xem, đặc biệt với những ai yêu phố cổ Bao Vinh”.

Họa sĩ Trần Văn Mãng từng tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế trước năm 1975. Ông cùng lứa với họa sĩ Thân Văn Huy, Đặng Mậu Tựu… và là bạn với họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận. Sau khi ra trường, ông có một thời gian dạy học, trước khi mưu sinh bằng nhiều nghề và theo đuổi đam mê vẽ về đề tài phố cổ Bao Vinh. Ngoài ra, ông còn vẽ một vài đề tài khác gắn liền với đời sống, khung cảnh thiên nhiên bằng chất liệu sơn dầu, acrylic trên giấy, toan, bố…

Bài, ảnh: Phan Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nuôi dưỡng đam mê, cống hiến cho nghề

Lực lượng trẻ đóng vai trò quan trọng trong làm chủ kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Họ còn là đội ngũ kế cận trên hành trình xây dựng, phát triển đơn vị hướng tới ngang tầm khu vực, thế giới…

Nuôi dưỡng đam mê, cống hiến cho nghề
Cô học trò nhỏ đam mê robot

Trần Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Vĩnh Ninh cùng các đồng đội đã vượt qua các đối thủ khi tranh tài tại cuộc thi robot quốc tế - Global Robotics Games dành cho học sinh tiểu học tại Singapore.

Cô học trò nhỏ đam mê robot
Thỏa đam mê & phát triển toàn diện

Để tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh sau những giờ học tập căng thẳng, các trường học đã hình thành nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB), từ CLB học thuật đến sở thích. Không chỉ thỏa niềm đam mê, rèn luyện các kỹ năng cơ bản, các CLB còn giúp học sinh hình thành năng lực, phẩm chất từ sớm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thỏa đam mê  phát triển toàn diện
Tìm cách “hồi sinh” phố cổ Bao Vinh

Các khu phố cổ ở vùng đất Cố đô được xem là yếu tố quan trọng kết nối các giai đoạn hình thành đô thị Huế. Trải qua thời gian, những khu phố cổ ấy được các cơ quan chức năng, tổ chức trong và ngoài nước đưa ra nhiều giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, thế nhưng việc triển khai như thế nào vẫn là một bài toán khó.

Tìm cách “hồi sinh” phố cổ Bao Vinh

TIN MỚI

Return to top