Họa sĩ Nguyễn Ánh Dương
Tự sự bên giá vẽ
Gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng từ bé, Nguyễn Ánh Dương (sinh năm 1980) may mắn được cha truyền tình yêu hội họa, bởi ông rất mê tranh. Năm lớp 6, Dương được cha cho đi học vẽ ở Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Bình. Hội họa gắn bó với Dương từ đó. Mới học lớp 10, Dương đã khăn gói từ Quảng Bình vào Huế học trung cấp hội họa ở Trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) để nuôi dưỡng đam mê. Sau khi tốt nghiệp đại học, Dương được giữ lại trường giảng dạy ở Khoa Sư phạm Mỹ thuật, Trường đại học Nghệ thuật.
Dương đi và vẽ liên tục. Đi để nuôi dưỡng cảm xúc, vẽ để thể hiện và trải nghiệm những ý tưởng, xúc cảm của bản thân anh. Những khi cạn đề tài, “bí” ý tưởng, Dương lại xách giá vẽ, hòa mình với thiên nhiên để tiếp thêm năng lượng, làm mới mình. Hầu như ngày nào Dương cũng vẽ, cứ vài hôm lại xong một bức. Căn nhà nhỏ của Dương như càng bé hơn khi đón thêm những tác phẩm mới của chủ nhân. Dương chia sẻ: “Thói quen từ hồi còn là sinh viên, tôi luôn đặt ra mục tiêu ngày nào cũng vẽ được một tấm dù chỉ là bức ký họa bằng màu nước. Sau một ngày bộn bề công việc, đêm về tôi lại được tự sự với chính mình bên giá vẽ”.
Tác phẩm "Sóng"
Hơn 20 năm học tập và sinh sống tại Huế, những trải nghiệm gắn bó với mảnh đất thi họa này đã tiếp thêm cho Nguyễn Ánh Dương nguồn cảm hứng sáng tạo. Với Dương, vẽ là công việc nghiêm túc chứ không chỉ là ngẫu hứng. Anh thường vẽ theo chủ đề, mỗi chủ đề được anh tập trung vẽ trong khoảng một năm, khai thác đến... cạn kiệt rồi mới sang vẽ chủ đề khác, có khi đến vài chục bức. Những gương mặt vô ưu trong Thiền, những bức tranh thủy mặc về Đà Lạt hay vẻ huyền ảo, đẹp thoát tục của seri tranh lụa về thiếu nữ và hoa quỳnh luôn được Dương thể hiện bằng nét cọ mượt mà và dứt khoát, hiện thực đấy mà như siêu thực.
Những ngày cuối đông, Dương vẽ nhiều bức về mùa đông xứ Huế với chủ đề “Màu thời gian”. Phong cảnh Huế mùa đông chìm trong rét mướt, những lăng tẩm, thành quách rêu phong như càng cổ kính hơn dưới nét vẽ tài hoa của họa sĩ. Vẻ hoài cổ qua hình ảnh lăng Minh Mạng, mưa Huế, bờ sông, áo dài... được Dương vẽ trông như thật, làm nao lòng tất cả những ai yêu Huế. Dương kể: “Huế như là quê hương thứ hai của tôi, 20 năm qua đã gắn bó từ trong tâm thức. Những cảnh vật, thiên nhiên hữu tình của Huế là nguồn cảm xúc bất tận với tôi. Tôi mới tìm được một số kỹ thuật mới với chất liệu sơn dầu tạo được hiệu ứng về sự biểu cảm chất liệu, có thể tạo ra sự thô ráp, sù sì của đá cổ, rêu phong...”.
Tác phẩm “Mưa xanh”
Chạm vào biển
Trong sự nghiệp sáng tạo của họa sĩ trẻ Nguyễn Ánh Dương, loạt tranh được anh vẽ nhiều nhất là về biển. Dương bảo, không biết biển đã ở trong anh tự bao giờ, có lẽ từ thuở sinh ra anh đã mang tên của biển và suốt thời thơ ấu lớn lên cùng tiếng sóng vỗ của biển Nhật Lệ quê anh. Theo thời gian, biển đã về, gắn bó với Dương qua từng nét cọ. Những ngày tháng học thạc sĩ tại Thái Lan, mỗi lúc nhớ nhà, anh lại vẽ về biển. Với Dương, biển luôn mang lại những điều tuyệt vời. Những khi nổi giận hay buồn rầu, biển trong tranh Nguyễn Ánh Dương vẫn thể hiện niềm hy vọng.
Bức “Quà của biển” là hình ảnh cục san hô trôi lơ lửng trong không gian xanh, là tấm lưới căng lấp lánh ánh bạc mang lại cho con người nhiều thứ từ tầng sâu của trầm tích. Bằng phong cách hơi trừu tượng, siêu thực, nét cọ mượt mà và dứt khoát, Dương muốn chạm sâu vào lòng biển để xác định mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Vẽ nhiều về biển, những bức tranh về chủ đề này mang đến cho Nguyễn Ánh Dương nhiều thành công. Bức “Quà của biển” đạt giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT năm 2014, hay bức “Sóng” đạt giải thưởng thường niên của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế năm 2016.
Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, Dương thử nghiệm với nhiều phong cách khác nhau nhưng anh tạo được ấn tượng với người xem bằng những bức tranh trừu tượng, siêu thực, chủ yếu bằng gam màu lạnh, trong đó xanh là chủ đạo. Với Dương, nghệ thuật làm vui cho mình và cho mọi người. Anh luôn tâm niệm đơn giản rằng, vẽ để thỏa đam mê và mang cái đẹp đến cho mọi người cùng thưởng lãm.
Bài, ảnh: TRANG HIỀN