ClockThứ Bảy, 11/08/2018 12:11

"Sắc thu"

TTH - Tiếp nối dòng chảy của mỹ thuật Huế, các họa sĩ vừa ra mắt công chúng những sáng tác mới, đẹp và lạ từ nội dung đến kỹ thuật, chất liệu, chạm đến những rung cảm thẩm mỹ của người xem.

Tìm địa điểm thành lập bảo tàng mỹ thuật Huế34 tác phẩm tham gia triển lãm “Sắc thu”Phẫu thuật thẩm mỹ: Nhu cầu và thực tế

Mới đây, 25 họa sĩ Huế là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam đã công bố 34 tác phẩm mới trong triển lãm “Sắc thu” (diễn ra từ ngày 31/7 đến 5/8 tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng). Nhiều tác phẩm trong số ấy sẽ tham gia triển lãm mỹ thuật Bắc miền Trung lần thứ 23 vào 14/8 tại Hà Tĩnh.

Tác phẩm “Bản Sonate mùa hạ” - Nguyễn Thiện Đức

Với sự góp mặt của những tên tuổi đã tạo được dấu ấn, như: Nguyễn Thiện Đức, Đặng Mậu Tựu, Đặng Mậu Triết, Phan Hải Bằng, Nguyễn Thị Hải Hòa, Tô Trần Bích Thúy..., triển lãm mang đến cho người xem một không gian thưởng lãm nghệ thuật đa sắc màu. Bằng nhiều chất liệu phong phú, như: sơn dầu, acrylic, sơn mài, đồ họa, trúc chỉ, lụa, tổng hợp..., các tác phẩm được chắt lọc từ những rung cảm của người nghệ sĩ, thể hiện bút pháp vững vàng, kỹ thuật điêu luyện và sức bền sáng tạo.

PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, cho hay: “Với 34 tác phẩm mới này, có những bất ngờ dành cho công chúng. Những người lâu nay không làm sơn mài thì bây giờ sáng tác tranh sơn mài rất thành công. Một số bức tranh trừu tượng cũng nghiêng về trừu tượng có gợi hình hơn là trừu tượng thuần túy. Tác phẩm “Bản Sonate mùa hạ” của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức là một điển hình. Tác giả được đánh giá cao bởi kỹ năng, tư duy về hình, độ nhuyễn của màu thể hiện được chiều sâu của tác phẩm, truyền đạt đến người xem cảm xúc về cuộc sống”.

Tác phẩm “Những chuyến xe thần kỳ” - Hoàng Thanh Phong

Nhiều tác phẩm thực sự mang lại những rung cảm nghệ thuật, lôi cuốn, dẫn dắt cảm xúc người xem từ những thông điệp nghệ thuật ẩn dụ, biểu hiện đằng sau mỗi tác phẩm. Các tác phẩm “Con đường di sản” của họa sĩ Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, “Bóng dáng vương triều” của họa sĩ Đặng Mậu Triết, “Bóng tiền nhân” của họa sĩ Phạm Trinh gửi đến người xem thông điệp về việc bảo tồn, gìn giữ những di sản của cha ông. Họa sĩ Nguyễn Hùng lấy motip trong tranh dân gian làng Sình để làm sống lại những sinh hoạt đời thường trong tác phẩm “Trò” và “Múa”.

Một số tác giả gợi tả mùa thu với nhiều sắc độ. Hai tác phẩm “Hoa nắng” của Đặng Thu An là hình ảnh những bông hoa rực rỡ sắc vàng. “Hương sen” của Ngô Tâm dung dị, thuần khiết mà thanh cao trong sắc màu trầm ấm. “Thiếu nữ Huế” của Phạm Hoàng Anh lại miêu tả vẻ mộc mạc, dễ thương của hai thiếu nữ Huế trong tà áo dài đặc trưng.

Tác phẩm “Niệm khúc biên cương” - Đặng Mậu Tựu

Tháng tám cũng gợi nhắc về sự kiện lịch sử Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Điều đó lý giải vì sao triển lãm “Sắc thu” có sự góp mặt của nhiều tác phẩm vẽ về đề tài chiến tranh, phản ánh tinh thần chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, như: “Chuyến xe thần kỳ” của Hoàng Thanh Phong, “Dưới chân thành cổ” của Lê Bá Cang, “Niệm khúc biên cương” của Đặng Mậu Tựu…

Chạm tới đề tài chiến tranh cách mạng, họa sĩ Hoàng Thanh Phong thành công khi tác phẩm “Những chuyến xe thần kỳ” của anh gợi bao cảm xúc cho người xem. Hình ảnh chiếc xe vượt bom đạn nhắc nhở về một thời gian khổ, ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ. Đường địch đã phá, ta phải xả xì lốp cho xe chạy trên dây thép, thông tuyến để đưa hàng ra chiến trường là góc nhìn vừa phản ánh hiện thực chiến tranh vừa nói được bao điều. Bóng dáng và hành động vượt đường của xe là quyết tâm, khát khao chiến thắng của cả dân tộc. “Khi nghệ sĩ trẻ, những người chưa từng trải qua và tưởng như không quan tâm đến đề tài chiến tranh cách mạng nhưng thẩm thấu về những mất mát của chiến tranh và hy sinh của dân tộc, họ nhìn về chiến tranh bằng góc nhìn riêng, chuyển tải thông điệp, cảm xúc khá độc đáo”, PGS. TS. Phan Thanh Bình nhận xét.

Tác phẩm "Thiếu nữ Huế" - Phạm Hoàng Anh

Với sự tham gia của những gương mặt tiêu biểu, các tác phẩm tham dự triển lãm Bắc miền Trung lần này hội đủ sắc thái đặc trưng của mỹ thuật Huế. Tác phẩm đẹp từ hình thức, nội dung đến chất liệu, được diễn tả bằng những tay cọ có nghề sẽ mang lại những rung cảm thẩm mỹ trong cảm xúc người xem. Ở đó, cái đẹp và cái sâu lắng của thế giới nội tâm được ẩn dụ, khắc tả qua cấu tứ của ngôn ngữ tạo hình và kỹ thuật chất liệu.

Bài, ảnh: NGUYỆT TÚ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Return to top