ClockChủ Nhật, 25/10/2015 15:59

Người vẽ Màu ký ức

TTH - Với Màu ký ức, tôi là độc giả muộn. Trước đó, nhiều người đã đọc và thể hiện tri âm qua những bài viết: Màu của những suy tư (Lê Mạnh Tuấn), Nỗi mong chờ lên xanh (Đặng Huy Giang), Thơ và dấu ấn cuộc đời (Nguyễn Thị Trường Giang), Nguyễn Hồng Vinh và diệp lục thời gian (Vi Thùy Linh), Một người đang lắng nghe giọng nói của mình (Nguyễn Quang Thiều)… Ám ảnh bởi nhan đề tập thơ, không ít người đã đi tìm và gọi tên màu của ký ức. Là màu xanh trong cắt nghĩa của Vi Thùy Linh. Còn Đặng Huy Giang, Lê Mạnh Tuấn không định vị một gam màu cụ thể, mà gọi đó là màu của cảm xúc, màu của tâm trạng, màu của đời sống. Và dù cho ký ức đó có sắc gì, thì người đọc cũng đã hồn nhiên yêu thương những vần thơ da diết nảy sinh từ cuộc sống “du mục” (từ của Nguyễn Quang Thiều) và ý thức gìn giữ những vẻ đẹp cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh.

Tác giả và tập thơ "Màu ký ức". Ảnh: Internet

 54 bài thơ trong Màu ký ức chủ yếu được viết trong hai năm lại đây (năm 2014, 2015). Ngạc nhiên vì sao con người ấy đã bước sang tuổi thất thập lại nhớ chi tiết, tường tận từng vệt, từng vệt ký ức của ngày xưa xa. Sức cảm của những câu thơ sau là nhờ trí nhớ không phụ một tấm lòng sâu nặng nghĩa tình với quá khứ tuy xót xa, nhưng mãi là động lực tinh thần của nhà thơ: Khuya khoắt còng lưng kéo nước/Gầu sòng nan vá chồng nhau/Nón lá, áo tơi, gió thốc/Cùi cũi mẹ cấy đêm thâu (Mẹ mãi còn đây). Mạch cảm xúc chân thành đã làm nên con người Nguyễn Hồng Vinh trong thơ. “Trai Cầu Vòi cho đáng nên trai”, tính đến thời điểm này, bằng cuộc đời thực của mình, tác giả đã thực hiện vẹn tròn lời người thân căn dặn. Điều đáng trọng là, không vì thế mà nhà thơ chối bỏ gốc gác, quá khứ nghèo khó của mình. Mỗi ngày sống hiện tại, tác giả vẫn đau đáu ngóng về: Anh khóc chào đời trước bình minh/Đêm bão giật, đồng chiêm trắng nước/Mẹ đói lả, húp nước rau muống luộc/Thuyền cha lách sóng chao nghiêng…(Trước bình minh).

Đứa con út trong gia đình thuần nông đông con cùng tháng cùng năm mà lớn, mà khôn với một tâm hồn nhạy cảm, nhanh rung động, dễ yêu thương. Những chuyến đi qua nhiều vùng miền, gặp gỡ nhiều con người, dệt cảm xúc lắng đọng thành thơ. Tuy nhiên, những gì mà tác giả nâng niu nhất và luôn dọn lòng cho nó trú ngụ, lại là những điều rất đỗi bình dị, đáng yêu. Thơ Nguyễn Hồng Vinh hay có sự đồng hiện về không gian và thời gian để người đọc nhận chân sự lựa chọn của con tim nhà thơ. Hương tóc là một ví dụ: Hà Nội đầu thu/Nắng vàng như mật/Bất thần sầm sập mưa/Trời muốn em gội đầu lần nữa/Mặc hương bồ kết theo mưa/Bên này trời Âu/Thu vàng rộm cánh rừng/Mây thẳm xanh vời vợi/Mỏi mong hương tóc tới đây… Nhiều lần, tác giả để câu thơ mình vướng vít, để tiếng lòng mình khắc khoải vị hương bồ kết. Màu ký ức lúc ấy, lại là mùi ký ức đậm chất “hương đồng cỏ nội”, dù rằng nhà thơ đã từ giã vùng đồng quê chiêm trũng Nam Định lên với Hà thành từ lâu...
Trong sự sắp xếp không theo một lô gic nào của tập thơ, tôi nhận ra một sự thật: trái tim của Nguyễn Hồng Vinh nhà thơ không hề già. Con người ấy mang hồn điệu của chàng thanh niên trẻ tuổi rạo rực, đắm say đi qua nhiều không gian: Mai vội về xuôi em hỡi/Mang theo Phong Thổ trời mây/Có một Vàng Pheo thương nhớ/Thổi hồn nâng cánh thơ bay! (Nhớ mãi Vàng Pheo). Những bài thơ hay nhất của tập thơ theo tôi là thơ tình, tiếng lòng của một trái tim không thể già, không chịu già nên “nhịp vẫn rộn một thời trai trẻ”. Con người ấy đã “trốn tìm thời gian” thành công và duy dưỡng tuổi thanh xuân bằng trái tim đa cảm. Màu ký ức tươi tắn lên là nhờ điều ấy. Sự trẻ lòng mang đến một quy luật riêng của thơ Nguyễn Hồng Vinh. Trong dòng hồi ức của nhà thơ, không chỉ là vùng quê tuổi thơ, là mối quan hệ con người trong dòng đợi thuận nghịch, mà còn gói gắm nghĩ suy về chiến tranh và Tổ quốc. Chuyện đời, chuyện tình dẫu có những mảng sáng, nhưng không giấu được ngậm ngùi đã cất lên, gợi người đọc nhớ về những bài thơ hay, nhưng lận đận một thời (Màu tím hoa sim – Hữu Loan, Núi Đôi – Vũ Cao). Và bởi nhận ra sự dồn thúc của nhịp ngày nên dẫu không có ý đề cập sâu những gian lao, mất mát trong chiến tranh, song có những câu thơ cũng không thể giấu nỗi buồn với gánh nặng xúc cảm riêng tư: Giáp Ngọ xuân này/ 30 tết vắng Cha/ 20 năm vắng Mẹ/ Còn mộ Anh vẫn thăm thẳm Trường Sơn/ Xin được khói nhang ấm chỗ Anh nằm/ Vong linh Mẹ, Cha thanh thoát! (Nén nhang xuân). Hẳn nhiên, nhiều người sẽ bắt gặp tiếng lòng mình trong những vần thơ như thế của Hồng Vinh.
Đọc thơ Nguyễn Hồng Vinh nhận thấy sự trải nghiệm của cuộc đời mang nhiều ý nghĩa cho thơ anh. Vị trí thực của người làm thơ, những chuyến đi gần, xa may mắn có, đã cho thơ Nguyễn Hồng Vinh chiều sâu tư tưởng. Không gian riêng tư của thơ ca không che khuất hoàn toàn bóng dáng của người làm báo, làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Nhiều bài thơ chứng tỏ tố chất nhanh nhạy, bản lĩnh của một nhà báo trước những vấn đề “nóng” của lịch sử. Hồng Vinh chia lửa, chia tình cho Trường Sa, Hoàng Sa bằng con đường riêng của thơ: Hoàng Sa, Trường Sa/ Qua giọng em/ Lúc ạt ào con sóng/ Khi sâu lắng lòng người/ Đất liền gần lại/ Dáng cột mốc chủ quyền/ Sừng sững trong tâm/ Những con dân đất Việt (Hòa tình ca lính đảo). Trong bài viết về thơ Nguyễn Hồng Vinh, cây bút trẻ Vi Thùy Linh nhận xét: “Đây không phải là nội tâm giản đơn, mà là bản lĩnh của một nhà báo tâm huyết, luôn duy dưỡng một niềm tin vào Đảng, vào Dân và tiền đồ tươi sáng của Tổ quốc”.

 

THANH TÂM
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

TIN MỚI

Return to top