ClockThứ Tư, 01/04/2015 05:55

Nhớ anh, nhớ Huyền thoại Mẹ

TTH - Bài hát “Huyền thoại Mẹ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trong những bài hát hay nhất về người mẹ của nền âm nhạc Việt Nam. Mỗi lần nghe bài hát này, tôi lại dâng trào cảm xúc, hàm ơn biết bao những người mẹ đã sinh ra, nuôi nấng khôn lớn những người con ưu tú của mỗi gia đình, của toàn dân tộc.
Theo nhạc sĩ Dân Huyền, Trịnh Công Sơn sáng tác bài hát này xuất phát từ hình tượng Mẹ Suốt anh hùng ở xã Bảo Ninh - Đồng Hới, Quảng Bình. Từ hình tượng bà mẹ anh hùng ấy, người nhạc sĩ tài hoa xây dựng nên một huyền thoại Mẹ mang tính biểu tượng khái quát cao cả và sâu sắc, đầy xúc động về Người Mẹ, Tình Mẹ nói chung, cũng là một trong những bài hát ca ngợi và ghi tạc công ơn, nghĩa tình, lòng yêu nước nồng nàn cháy bỏng và khí phách anh hùng, bất khuất của Những người mẹ anh hùng nuôi nấng, che chở cho những đứa con là cán bộ, chiến sĩ biệt động hoạt động nằm vùng và những đội quân cách mạng khác. Một ca khúc trữ tình chứa đựng cả hai nguồn cảm hứng cao đẹp, đạt đến đỉnh cao mỹ cảm.

Tượng đài Mẹ Suốt. Ảnh: Internet

 
Với Trịnh Công Sơn, hình ảnh “Mẹ về đứng dưới mưa, che đàn con nằm ngủ” không chỉ là hình tượng Mẹ Suốt anh hùng mà trước hết là hình ảnh tiêu biểu của những người mẹ trên thế gian này luôn hy sinh, yêu thương đùm bọc, chở che cho các con của mình, cũng như hình ảnh “Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn” trong ca dao Việt Nam. Nhưng khi nghe lời ca đầy đủ tiếp theo về mẹ “Mẹ về đứng dưới mưa, che đàn con nằm ngủ, canh từng bước quân thù”, rồi “che từng căn hầm nhỏ, xóa sạch vết con về” và “lội qua con suối, dưới mưa bom không ngại” thì biểu tượng tuyệt vời cao đẹp của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhất là những bà mẹ yêu nước ở vùng địch tạm chiếm trong cả hai cuộc kháng chiến vừa qua đã hiện lên rất rõ. Nó khiến ta nhớ lại bài thơ của Dương Hương Ly được phổ nhạc: “Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh. Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc. Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác. Bao năm rồi tiếng cuốc vọng năm canh. Đất nước ta mênh mông. Quân thù không xăm hết được. Lòng mẹ rộng vô cùng, che chở những bước chân con bước. Nơi hầm tối là nơi sáng nhất. Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam”, để rồi từ nguồn sức mạnh yêu nước đặc thù Việt Nam ấy, “Có những đoàn quân từ trong lòng đất xông lên bạt vía quân thù. Xung quanh chúng đều là trận địa”. Đó chính là trận địa của lòng dân yêu nước, của những Mẹ Việt Nam Anh hùng đã khiến quân thù khiếp đảm vì bị vây hãm khắp nơi, không còn lối thoát.
Hy vọng sắp tới sẽ được nghe bài Huyền thoại Mẹ trên VTV Huế hoặc Đài TRT nhân kỷ niệm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hơn nữa, tôi và nhiều người yêu âm nhạc khác còn hy vọng được nghe những bài ca về Mẹ và Mẹ Việt Nam anh hùng trong suốt tháng 4 sắp tới qua sóng truyền hình trên cả nước.
Phạm Xuân Phụng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
Return to top