ClockThứ Hai, 11/04/2022 05:56

Chợt - có lẽ phần nhiều là dịch chuyển

Có chi mô nờ

“Thẩm định cho mình tập “Chợt” này nhé!”.

Một ngày thu còn ngái. Nóng quá. Ông gửi cho tôi tập thơ trong email với câu nhắn thế. Để cho một nhà văn thẩm một tập thơ, mà thơ của tác giả lừng lững đã rồi, thì quả có điều gì đó bất thường. Rồi tôi cũng “Vâng anh”, rồi cũng cứ mở ra mà đọc. Đọc hào hứng giống như một độc giả yêu lắm, yêu từ hồi lâu ấy tiếng, thơ - Văn Công Hùng, vậy.

Bìa tập thơ “Chợt” của Văn Công Hùng

Thì ra thấy rồi, tìm được rồi, cái cớ ông mượn tôi đọc, lẽ chính là như khoe, ý tứ, là bởi trong tập có mấy bài của tôi trên blog, facebook… ông từng căn cớ để làm thơ đối lại. Thực ra là nối dài cảm xúc của một vài “nôm na tự sự chiêm mùa” của tôi - gọi là thơ, gọi là vần vèo, cũng được. Cũng bởi lẽ có thể ông thấy ý chưa căng, chưa tới, chưa hoàn chỉnh nên chạm nghề mà họa, mà nối thêm cho nó bớt vụng đi. Cho nó thăng hoa, cất cánh. Có nhẽ.

“Chợt”, đọc dễ chịu và ấn tượng. Ấn tượng ngay từ bài đầu (Tưởng - Cứ đi cứ đi tới đâu thì tới - Ngơ ngác Tây Nguyên) bởi không khí, tính chất dịch chuyển của “Chợt”, của thơ. Cái hàm lượng dịch chuyển hầu như là biên khán toàn bộ bề nổi và phần chìm trong bảy chuyên mục (hay là chuyên đề. Tôi mạo muội gọi là như thế) với 81 bài thơ. Tập thơ dày dặn. Cầm chắc tay, đáng đồng tiền bát gạo. Có lẽ là vốn liếng đến dăm năm đi, cảm, viết... của ông, vừa rồi. Chất dịch chuyển luôn được hiện diện trong từng bài thơ. Nó tựa như con người ông vậy. Những cuộc đi, đi viết, đi làm việc, đi chơi, đi đàn đúm để… ra chữ, ở ông. Cũng bởi ông đã từng đảm nhận nhiều chuyên mục đến mươi đầu báo Trung ương lẫn địa phương trong cả nước. Tính chất, con người ông là vậy. Cả lối nghĩ và cách đặt vấn đề cho những cảm xúc thơ trong ông, tôi cũng cảm thấy đầy miền xúc động nội hàm của xum xuê “dịch chuyển”.

Các chương mục, gồm: Tưởng, mùa, tình, sự, địa, thời, khắc. Nó như các mục dẫn đề của tập tiểu thuyết hay một trường ca dày dặn. Mỗi một chương mục, đều có một câu thơ ý giải gây hứng thú, dẫn dụ sự tò mò và khu biệt suy tưởng cảm xúc thơ, ý độc giả muốn đồng hành cùng tác giả.

Tôi đã có trong tay nhiều tập thơ của nhà thơ phố núi nổi tiếng Văn Công Hùng trước đó, nhưng có lẽ “Chợt” là tập thơ dày và công phu nhất. Nó tuyến tính một quãng thời gian không dài nhưng liên tục mấy năm ông xê dịch. Sự dịch chuyển viết, có tính đậm đặc nhất trong nhiều năm vừa rồi khi đánh dấu hậu những ngày tháng làm Tổng biên tập một tờ văn nghệ có tiếng của Tây Nguyên. Dịch chuyển, cái đoạn thời gian ông bắt đầu được nghỉ hưu, ở thời điểm vốn tư duy và tinh thần thèm bung phát nhất. Trì nén trong những năm cắm chốt ít được tung tẩy đâu đâu, cả tháng, trên các cung đường dặm dài khắp miền đất nước. Cái sự đi, bứt phát nó luôn bồi bổ gia tăng biên độ chữ nghĩa ở ông. Những bài thơ trong “Chợt” dường như phóng khoáng hơn, cởi mở, tầng sâu hơn, dầu có khi nó chỉ đề cập đến những chủ đề suy tưởng…

Nghĩ là, dịch chuyển nhưng thực ra cái gốc, điểm phát xuất, cái chốt để neo vào vẫn là mảnh đất Tây Nguyên gắn bó buồn thương của ông suốt mấy chục năm lập thân và lập hiệu - Cái tên “Hùng Tây Nguyên” cũng có từ đây. Cái tên gắn với nhiều sáng tác, bài viết chữ nghĩa và cả nghĩa tình. Lên Pleiku mà chưa gặp, chưa nhậu và sau là chưa ngồi bên ông với con xe i10 do ông lái, dạo, đi chơi thăm thú thì anh em bạn bè chưa gọi là đã đến Tây Nguyên. Nghe không có lý lắm, nhưng là cảm giác thật của tất tật từ trẻ đến người lớn tuổi hay tên tuổi lớn như Nguyên Ngọc, cố nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, cố nhà văn Nguyễn Chí Trung, cố nhạc sĩ Trần Hoàn… đến nhiều, nhiều lắm các chú, các em, các chị, các bạn… ở xa xôi dù chỉ gắn bó, biết với nhau qua facebook cũng đều đèo bòng, phải lòng ông. Cái dáng người bậm bạp, đi nhanh, nói nhiều, hát và đọc trường ca liên tục trong các cuộc tứ hải giai huynh đệ nhiều như nhau, ồn ã và mặn như nhau và rồi dù một lần gặp, một lần nghe ông diễn thơ thì sẽ là chừng ấy nhớ mãi, khó quên lắm. Nhớ ông đồng thời gắn với nhớ Tây Nguyên hùng vĩ, Tây Nguyên bao la. “Chợt” cũng mang tinh thần đó theo ông dù lúc nằm khan trên căn hộ treo lơ lửng tầng trời ở quận 2, TP. Hồ Chí Minh hay những bước lẻ rong ruổi dặm dài xứ Sing, Ấn, Đài, Thái... Hoặc trong những cuộc say mèm thông ngày sang đêm bên các đồng niên học cấp 2 miền quê Thanh Hóa, nơi ông ra đời, học phổ thông. Rồi lớn lên tiếp, học đại học ở xứ Huế quê hương và rồi lập nghiệp thành tên thành tuổi trên mảnh đất Tây Nguyên. Ông đã chắt chiu đến đồng tiền ky cóp cuối cùng cả đời để xây căn nhà nhỏ xinh xẻo.

ơ này gió

bờ đê con chuồn chuồn kim

bông cỏ may dấm dứt

mây sền sệt

nước cuộn ngầu sông mắt người mang mang

(Nhớ rét)

Và:

nhặt được một buổi chiều

rơi bên ngoài cửa sổ

nơi con chim sẻ

tha một cọng rơm

buổi chiều thơm

sè sẹ

(Không đề mùa cúc)

Ngoài dịch chuyển, “Chợt” bao biện đầy đủ một sự tham lam trong ông. Tham lam yêu cây cỏ, mùa màng - Yêu thiên nhiên và hiện tượng thiên nhiên mỗi khi thấy đẹp đến nao lòng ở ông với các miền quê ông đã đi qua. Ghi, rồi neo những lúc dừng chân.

Để giới thiệu về một tập thơ dày thế, đầy thế, hay thế thì tôi không dám. Mà chỉ muốn cởi lòng ở vài cảm xúc về tác giả, về thi pháp của “Chợt”. Tôi tin “Chợt” chắc chắn sẽ được nhiều bạn đọc xa gần thân thuộc... sẽ yêu quý, nâng niu nó.

Bài, ảnh: PHAN ĐÌNH MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập Câu lạc bộ thơ ca Đất Việt xứ Huế

Sáng 30/4 đã diễn ra lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Thơ ca Đất Việt xứ Huế, trở thành thành viên thứ 14 của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy thơ ca Đất Việt thuộc Viện Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc.

Thành lập Câu lạc bộ thơ ca Đất Việt xứ Huế
Giới thiệu tập thơ “Khơi nguồn 3” của CLB thơ Haiku xứ Huế

Chiều 30/5, tại Lan Viên Cố Tích – Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, CLB thơ Haiku xứ Huế thuộc Hội thơ Hương Giang tổ chức giới thiệu thi phẩm “Khơi nguồn 3”. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 5 năm Haiku xứ Huế góp mặt vào dòng thơ Haiku Việt.

Giới thiệu tập thơ “Khơi nguồn 3” của CLB thơ Haiku xứ Huế
Chưa phải ai cũng biết!

Lâu nay, người ta đều gọi ông Nguyễn Đắc Xuân là “Nhà Huế học”, bởi anh có số lượng sách nghiên cứu về Huế nhiều đến mức một bìa sách không thể ghi hết, trong đó có những bộ sách dày hàng ngàn trang… Nhưng có lẽ, nhiều người chưa biết Nguyễn Đắc Xuân còn là một nhà thơ, từng có thơ in từ hơn 60 năm trước.

Chưa phải ai cũng biết

TIN MỚI

Return to top