Bìa sách “Những trang sách thức tỉnh con người”. Ảnh: sachkhaiminh.com
Tôi và nhà văn Nguyễn Khắc Phê cùng quê hương Hà Tĩnh, anh bên dòng Ngàn Phố, tôi bên dòng Ngàn Sâu cùng hội tụ về dòng sông La nơi bến Tam Soa, trước khi hòa vào sông Lam đổ ra biển Cửa Hội. Nguyễn Khắc Phê là em trai bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, học giả nổi tiếng, con trai nho sĩ, nhân sĩ Nguyễn Khắc Niêm – thi đậu Hoàng giáp năm năm 1907, đại quan trong triều đình nhà Nguyễn. Do vậy, sau này Nguyễn Khắc Phê chọn thành phố Huế nơi ông cất tiếng khóc chào đời, nơi thân phụ có nhiều gắn bó làm nơi cư trú, lập nghiệp nửa cuối cuộc đời còn lại.
Nguyễn Khắc Phê sinh năm 1939, ngày 26 tháng Tư này tròn 83 tuổi. Biết ông đã lâu, tâm tình với ông đã nhiều, nhưng cho đến khi tôi đọc tự truyện của ông, mới đây nhất là tuyển “Những trang sách thức tỉnh con người” (NXB Tổng hợp TP. HCM, 2/2022) thì tôi mới vỡ ra nhiều chuyện về cuộc đời và sự nghiệp báo chí, văn chương của ông.
Nguyễn Khắc Phê, con nhà đại quan, sinh ra bên dòng sông Hương lớn lên bên dòng Ngàn Phố, vào lúc đất nước chiến tranh, ly tán nên không được học hành nhiều, bù lại ông có gene thông minh, khiếu văn chương từ bố, mẹ và ông bà ở một vùng đất địa linh nhân kiệt. Học hết cấp 2 (trung học cơ sở), Nguyễn Khắc Phê theo người anh ra Hà Nội kiếm sống, làm việc cho một tiệm ảnh bên hồ Hoàn Kiếm, đi bán sách dạo – bán sách và mê đọc sách đã thôi thúc sự lớn dần của mộng văn chương. Đăng ký vào học trường trung cấp giao thông - ngành cầu đường, Nguyễn Khắc Phê là “hạt giống” viết và thiết kế nội dung báo tường của lớp.
Cuối năm 1959, chàng trai Nguyễn Khắc Phê bắt đầu cuộc đời anh cán bộ trung cấp kỹ thuật ngành xây dựng cầu đường, biên chế vào Đội Cầu 2. Ngày đó, Nguyễn Khắc Phê đã mê viết, bắt đầu từ những trang nhật ký về cuộc sống và công việc mỗi ngày mà đến nay, hơn 60 năm trôi qua ông vẫn còn lưu giữ. Nguyễn Khắc Phê đã cùng đội cầu có mặt ở Pò Lội, nơi thi công những con đường cheo leo nơi rừng sâu núi hiểm, biên ải phía Bắc. Đội cầu chuyển về Hà Đông bên dòng sông Đáy, vào xứ Nghệ quê nhà, sau đó lại vào Quảng Bình mà ông gọi là “Nơi bắt đầu con đường mòn ấy” – đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đường 12A lên đèo Mụ Dạ, đúng thời điểm Mỹ bắt đầu mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, mỗi con đường – cái cầu là một trọng điểm bom đạn của không quân Mỹ.
Do nhiều duyên nợ, ngày 31/5/1974, Nguyễn Khắc Phê đã chia tay ngành giao thông về với mái ấm văn nghệ Quảng Bình theo lời mời nhiệt thành của nhà thơ Xuân Hoàng, nhà văn Trần Công Tấn… Trở thành “đời công chức văn nghệ”, thế cuộc đất nước biến chuyển lớn, chiến dịch Hồ Chí Minh mở đầu những trận đánh lớn. Tin vui bắt đầu từ chiến thắng Buôn Mê Thuột; Huế, Đà Nẵng, các đô thị lớn lần lượt được giải phóng.
Hơn một năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 11/6/1976, ngày cuối cùng anh chị em văn nghệ Quảng Bình trú tại thôn Phú Vĩnh, xóm nhỏ ven đồi để vào Huế với gia đình văn nghệ Bình Trị Thiên, khi Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên sáp nhập thành Bình Trị Thiên. Nguyễn Khắc Phê trở thành công dân Cố đô, cán bộ Hội Văn nghệ tỉnh Bình Trị Thiên. Cho đến một ngày 3 tỉnh lại chia tách, hội văn nghệ chia ba: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Nguyễn Khắc Phê trụ lại với Huế yêu thương.
Nguyễn Khắc Phê tâm niệm: “Đời văn, đời báo của ông là số phận không định trước”. Cuộc đời của ông tự học là chính, học bạn, học đồng nghiệp, đắm trong vốn sống cuộc đời. Sông Hương, sông Ngàn Phố và mẹ là dòng nước ngọt nuôi dưỡng tâm hồn ông. 15 năm lăn lộn trên các cung đường – cây cầu tuyến lửa, đặc biệt là thời kỳ ở miền tây Quảng Bình, nơi tuyến đầu đường Trường Sơn là tài sản, vốn sống lấp lánh trên các trang viết của Nguyễn Khắc Phê. Bảy tập ký sự, bút ký, chủ yếu về xây cầu, làm đường, trong đó có ký sự “Vì sự sống con đường” (1968, tái bản 2011); “Những người mở đường ngày ấy” (2016)… đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Các tập tiểu thuyết “Đường qua làng Hạ” (1976); “Đường giáp mặt trận” (1976, tái bản 1985, 2011); “Chỗ đứng người kỹ sư (1980, tái bản 2011); “Miền xa kêu gọi” (1985); “Những cánh cửa đã mở” (1986, tái bản 2006, 2014); “Nếu được chết thay em” (1989); “Mười ngày và cả mười năm (1997, tái bản 2008); “Thập giá giữa rừng sâu” (2003); “Biết đâu địa ngục thiên đường” (2010, tái bản 2011). Những tác phẩm nóng hổi hơi thở cuộc sống để đời, có cuốn tái bản 3 lần đã dệt nên một gia tài lớn của Nguyễn Khắc Phê. Ông được Chủ tịch nước trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật dành cho 2 tác phẩm xuất sắc: “Đường giáp mặt trận”, “Những Cánh cửa đã mở”.
Tại Hội văn nghệ Bình Trị Thiên, Nguyễn Khắc Phê gắn bó với Tạp chí Sông Hương - xuất bản từ năm 1983 - tờ tạp chí của giới văn nghệ - tập trung những nhà văn, nhà thơ, nhà báo tên tuổi vang bóng một thời. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Sông Hương – Nguyễn Khắc Phê làm Phó Tổng biên tập. Tổng Biên tập kế tiếp (từ số 19) là nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê vẫn làm phó.
Nguyễn Khắc Phê là biên tập viên, có lúc đóng vai trợ lý Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập nhiều năm và từ đầu năm 1991 là Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương.
Năm 1955, Nguyễn Khắc Phê viết truyện ngắn đầu tiên; năm 1959 ông có bài ký đầu tiên đăng trên báo Văn Học; cuốn sách đầu tiên được xuất bản năm 1968; 9 lần Nguyễn Khắc Phê suýt chết vì bom đạn, đổ xe, chìm đò. Và đến nay, 25 cuốn sách được xuất bản, 1.000 bài báo được in trên các báo, giành nhiều giải thưởng báo chí, văn học. Mới đây nhất là tuyển “Những trang sách thức tỉnh con người”(NXB Tổng hợp TP. HCM, 2022), tập hợp 48 bài của Nguyễn Khắc Phê mà ông gọi là “Tập phê bình ngoại hạng”. Đọc và cảm nhận nghĩa tình từ tác phẩm về tình đồng nghiệp đong đầy, càng thấy sức đọc, sức viết, tài hoa và sự uyên thâm của ông.
Quả là một Nguyễn Khắc Phê tài hoa, nghị lực và ý chí phi thường, một gương sáng tự học, say nghề, đức tận tụy, hy sinh, dám nói sự thật của người con xứ Nghệ gắn bó với Huế yêu thương.
PHẠM QUỐC TOÀN