ClockThứ Năm, 17/09/2020 09:50

Áo dài nam nơi công sở - đừng vội bài bác

TTH.VN - “Mỗi lần cách tân áo dài nữ, người ta lại thấy được sức sống của nó. Nhưng với áo dài nam thì có một số phận vô cùng cay nghiệt”.

Một góc nhìn về trang phục áo dài namÁo dài nam công sở: Thể nghiệm cần được ủng hộTrộm nghĩ về chuyện nam mặc áo dàiSở Văn hóa và Thể thao mặc áo dài truyền thống chào cờ đầu tuần

Cán bộ, công chức của Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế xuất hiện với bộ áo dài truyền thống trong lễ chào cờ đầu tháng. Ảnh: FB Văn Thể Huế

Tại hội thảo “Huế - Kinh đô áo dài” diễn ra hai tháng trước (8/7), họa sĩ Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt - đã nhận định như thế khi anh nói về sự vắng bóng suốt một thời gian dài của chiếc áo dài nam, và sự biến tướng của nó trước những cách tân không đúng cách. Thật không ngờ, hai tháng sau, chiếc áo dài nam lại gặp phải một phản ứng cũng không kém phần cay nghiệt.   

Sáng 7/9, cán bộ, công chức của Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế vừa xuất hiện với bộ áo dài truyền thống trong lễ chào cờ đầu tháng, thì ngay lập tức hình ảnh đó được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội, với lời phản đối gay gắt, và chỉ phản đối với chiếc áo dài nam, trong khi bộ trang phục này áp dụng cho cả nam lẫn nữ. Có lẽ những người đưa ra sáng kiến này cũng như những nam thanh nữ tú trong chiếc áo dài duyên dáng đã rất bất ngờ với phản ứng của dư luận. Bất ngờ là bởi vì chiếc áo dài đâu có gì là mới lạ, và việc mặc áo dài nơi công sở thì nữ giới đã mặc từ lâu. Tại sao nữ giới mặc áo dài đến công sở làm việc suốt ngày, suốt tuần, thậm chí suốt cả năm (như ở các ngân hàng, sân bay...) thì lại được khen ngợi, mà nam giới mặc áo dài nơi công sở chỉ mới một ngày đã bị phản đối? Đó mới chính là câu hỏi cần đặt ra, cho cả người mặc áo dài lẫn người phản đối nó.

Phản đối là vì thấy nó không bình thường. Không bình thường là bởi lâu nay chỉ quen thấy anh nhân viên văn phòng với áo sơ-mi, quần tây, com-lê, cà vạt. Sáng nay, bỗng nhiên nhìn thấy anh ấy trong áo dài, khăn đóng. Nhưng có lẽ không ít người phản đối đã quên rằng, hình ảnh đó đã từng là bình thường trong suốt một thời gian dài vài trăm năm trước. Dưới thời Nguyễn, áo dài là trang phục nơi công đường của cả vua quan, từ triều đình đến làng xã. Cho đến đầu thế kỷ 20, các nhà ái quốc tân tiến đã khởi xướng phong trào Duy Tân nhằm canh tân đất nước. Áo dài nam đã được thay thế bằng bộ áo quần tây, com-lê, cà-vạt. Bộ Âu phục cũng như văn minh Tây phương thật sự là giá trị mới, cùng với nó là đầu óc tân tiến, tư duy mới mẻ, đã làm cho đất nước thoát khỏi lạc hậu, cổ hủ.

Chiếc áo dài nam không còn là trang phục công đường hay thường phục mỗi ngày nữa, mà lui về góc nhà, với người lớn tuổi, trong các lễ nghi, cúng tế. Áo dài nam vắng bóng dần, và có lúc gần như vắng hẳn. Nó là “đứt gãy” như nhận định của GS.TS. Thái Kim Lan, hay chỉ là sự thoái trào như một số ý kiến khác, đều cho thấy đó là lý do vì sao khi áo dài nam xuất hiện nơi công sở thì bị phản ứng như một “vật thể lạ”.

Bằng một cái nhìn xuyên suốt lịch sử, ta thấy áo dài và áo quần tây đều là trang phục mà người Việt sử dụng hằng ngày. Nhưng dù cho người Việt hôm nay hầu như mặc đồ tây suốt ngày suốt tháng, thì áo dài vẫn là Việt phục, của người Việt tạo ra.

Vì vậy, áo dài phải được tôn vinh và cần đưa vào trong đời sống mỗi ngày của người Việt hôm nay. Vấn đề là sự tôn vinh và tiếp nối đó phải trong một không gian, thời gian và công việc phù hợp. Ý kiến phản đối cho rằng, áo dài nam chỉ nên mặc trong những dịp lễ hội, cúng tế, hoặc tiếp khách quý, đón du khách và chỉ ở nơi phù hợp với những công việc đó mà thôi. Điều này không cần phải bàn thêm, vì lâu nay áo dài nam vẫn lặng lẽ thực thi những phận sự đó.

Vậy thì áo dài nam có thể mặc để làm việc nơi công sở như cha ông một thời hay không? Đừng vội trả lời câu hỏi đó với thái độ bài bác gay gắt, hay quyết liệt bảo vệ bằng tình yêu di sản dân tộc. Hãy để Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế thực nghiệm một thời gian, rồi sẽ có câu trả lời, cũng không muộn.

Minh Tự

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

TIN MỚI

Return to top