... Hai mươi ba bài viết, tiểu luận đề cập đến nhiều nội dung và đối tượng. Với Dương Phước Thu, mọi xuất phát đều bắt nguồn từ văn bản, mà quan trọng hơn nữa là văn bản gốc. Anh có kinh nghiệm và thao tác truy tìm văn bản gốc để cho những nghiên cứu của mình đáng tin cậy về độ chính xác. Từ đó, giúp anh chiếm lĩnh vấn đề, quy nạp và diễn giải có cơ sở. Sau đó là mở ra những khám phá mới và đối thoại mới theo tinh thần đồng đại và lịch đại. Sau mỗi lần đọc, tính phát hiện và cập nhật thông tin mới mẻ hiện lên, giúp anh có cơ hội đào sâu thêm nhiều nội dung, nhiều quan hệ mới cho đối tượng.
Bìa sách “Mỗi lần đọc lại một lần mới” của Dương Phước Thu
Tiểu luận Trần Nhân Tông với cuộc đất Thuận Hóa đạt đến độ chân xác về sự phát hiện mới như thế. Những gì thuộc về sự thật và chân lý của minh quân, anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông đã được sử sách nói đến khá sáng rõ thì đến Dương Phước Thu, anh cũng phát hiện thêm những thông tin mới và kiến giải theo tầm đón đợi hiện đại. Dương Phước Thu kết luận: “Trong cuộc hoằng hóa về Nam của Điều Ngự, cây thiền trượng từ tay Trúc Lâm đã biến thành cây nêu Yên Tử cắm xuống mảnh đất Thuận Hóa, và chỉ vài trăm năm sau cội Bồ Đề đã nở hoa Ưu Bát, để rồi cuộc đất vốn là “Ô Châu ác địa” xưa kia, phát triển rực rỡ trở thành Kinh đô nhà nước quân chủ vừa là Kinh đô Phật giáo thứ hai sau Yên Tử ”.
Tiểu luận Huyền Trân công chúa - Gia thế, sự nghiệp và di sản cũng được bình luận với tinh thần truy tìm sự thật lịch sử chân xác như thế để chứng minh công chúa Huyền Trân là viên ngọc quý, phải từ giã non sông và người thân để về làm dâu Chiêm Thành. Nàng đã đưa về cho dân tộc Đại Việt hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm. Và cũng vì gia thế và sự nghiệp của mình, công chúa đã nhận lấy những bi thương, thăng trầm của phận số để cuối cùng Huyền Trân đã thành di sản tinh thần vô giá.
Tiểu luận về nữ sử Đạm Phương được tác giả thực hiện công phu. Tác giả nhận định: “Đạm Phương Nữ Sử là người trí thức Việt Nam tiêu biểu nửa đầu thế kỷ XX thông thạo nhiều ngoại ngữ; nữ tác giả đầu tiên có số lượng tác phẩm sáng tác, dịch thuật của nhiều thể loại xuất bản trước năm 1945; nhà văn nữ viết tiểu thuyết đầu tiên của nước ta; nữ trí thức Việt Nam đầu tiên có nhiều công trình dành sự quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục trẻ thơ từ khi lọt lòng mẹ đến tuổi cắp sách tới trường...”.
Nói theo lý thuyết của Mỹ học tiếp nhận, mỗi lần đọc là mỗi lần làm mới đối tượng. Dương Phước Thu đã ý thức điều này rất rõ nên có tiểu luận “Mỗi lần đọc lại một lần mới” (lấy làm tiêu đề cho tác phẩm) để bàn về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra đời cách nay hơn 50 năm. Tác giả chú ý nghĩ mới, nghĩ khác về hai chữ Đoàn kết, về Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh cùng những giá trị về lịch sử, chính trị, văn hóa và giá trị ngôn từ của văn kiện.
Cũng trên tinh thần truy tìm cái mới và khai thác thông tin, sự kiện bổ sung để mỗi lần nghiên cứu là thêm một lần mới, Dương Phước Thu có bài viết Từ Nguyễn Vịnh đến Nguyễn Chí Thanh. Lấy bối cảnh là làng Niêm Phò để triển khai, đồng hiện con người và sự kiện, cảnh vật; từ đó tác giả khắc họa hình ảnh Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) ngày càng cụ thể, sáng rõ trong nhiều mối quan hệ, về sau là các hoạt động yêu nước và cách mạng để cuối cùng Nguyễn Vịnh trở thành người lãnh đạo tài năng của đất nước, là Đại tướng lừng danh của Quân đội Nhân dân Việt Nam mang tên Nguyễn Chí Thanh - một cái tên mà Bác Hồ yêu quý đặt cho.
Ôn lại cuộc đời của nhà báo cách mạng xuất sắc Tôn Thất Dương Kỵ (1914 - 2014), Dương Phước Thu thâu tóm được bản chất và phẩm tính của vị GS khả kính này. Những phát hiện mới này đã góp phần đưa tên tuổi Tôn Thất Dương Kỵ ra giữa ánh sáng của sự thật nhiều vấn đề còn khuất tất.
Như vậy là với mục đích mỗi lần đọc là một lần thêm mới, Dương Phước Thu đã dày công tìm hiểu và cố gắng phát hiện những chi tiết mới, nội dung mới có liên quan đến từng cá nhân và sự kiện để bổ sung những khuyết, thiếu cho đối tượng thêm phong phú và chính xác.
Cũng với tinh thần “Mỗi lần đọc lại một lần mới”, Dương Phước Thu thực sự đem lại cái mới, cái khác và cái bổ sung cho từng vấn đề, từng đối tượng. Đó là những nội dung có liên quan đến hoạt động báo chí của Đảng bộ Thừa Thiên Huế, báo chí và truyền thông trong thời đại 4.0, có cả việc phản biện báo chí; kế đến là nội dung bảo tàng và câu chuyện hiện vật, nghĩ về bảo tồn văn hóa dân tộc... Vấn đề xử lý nguồn tin dưới nhãn quan văn hóa, tinh thần đoàn kết của đội ngũ trí thức, tôn giáo; rồi đến vấn để môi sinh Bạch Mã, vấn đề phố xá và cách đặt tên đường, vấn đề du lịch Huế và ẩm thực Huế cũng được đặt ra cấp thiết và có chủ điểm trong “Mỗi lần đọc lại một lần mới”.
* * *
Còn nhiều vấn đề, nội dung tâm đắc, đồng cảm và cần bàn luận với tác giả Dương Phước Thu qua công trình “Mỗi lần đọc lại một lần mới”, nhưng thiết nghĩ, mỗi bạn đọc sẽ tiếp xúc trực tiếp với từng bài viết và tự rút ra được những điều bổ ích, mới mẻ cho riêng mình.
Bài: HỒ THẾ HÀ - Ảnh: DPT