ClockThứ Hai, 12/07/2010 09:38

Hoa ngày hạ

TTH - Khi những chú ve cùng hợp tấu, tạo nên bản giao hưởng gọi mùa hạ về. Cái âm hưởng vô thường rưng rức ấy đã gợi nên cảm giác chia ly trong tâm thức của lứa tuổi học trò.


Dịu dàng nắng - ảnh minh họa từ internet

Vào thời gian này, hầu như những hàng cây trên các nẻo đường xứ Huế đều nở hoa khoe hương; sắc tím huyền hoặc của hoa băng lăng gợi lên nỗi buồn trong câu chuyện tình bi thiết, màu tím mơ hồ phủ dọc con đường Lý Thường Kiệt, Trương Định… và đón nhận ánh nâu ngây dại nhìn từ góc phố mỗi khi chiều buông. Rồi những vòm hoa vàng rực rỡ trên hàng cây hoàng linh ở phố Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi… chợt rơi như những cánh bướm vàng trong ký ức mùa xưa đang nô đùa dưới màu nắng chiều và đậu nhẹ trên mặt đất tạo ra những mảng vàng sáng như ánh đạo. Những cành hoa sứ trắng toả hương dìu dịu trước Phú Văn Lâu và dọc theo công viên đường Trần Hưng Đạo. Rồi những hàng cây nhãn dọc trên con đường Đinh Tiên Hoàng nở rộ những chùm hoa trông như chuỗi ngọc cài trên dòng tóc những quý phi đang dạo phố.


Ảnh minh họa từ internet

Trong những miệt vườn quanh phố thị, nổi bật giữa màu xanh kỳ vọng của cây lá, là những điểm nhấn hanh vàng của bông bí, bông mướp và trên các ao hồ quanh nội thành những nụ sen hồng, sen trắng đầu mùa hé nở, gửi làn hương tinh khiết theo gió lan toả khắp phố thị. Xuôi về con đường nho nhỏ dẫn vào những ngôi nhà vườn, những xóm nhỏ trong những ngôi làng bất chợt tôi nhận ra màu vàng tinh khôi của những cây bông thọ, đây là loại hoa mà ôn mệ ngày xưa rất thích và thường hay dâng cúng trên trang thờ. Và còn một loài hoa rất gắn bó với đời sống tâm linh người dân xứ Huế ở làng Thanh Tiên đó là những cành hoa giấy với đủ các sắc màu.
 
Vào một chiều khi ánh nắng đã khuất sau rặng cây, bất chợt đất trời trở gió. Gió bạt ngàn cơ hồ như muốn cuốn đi tất cả những gì tồn tại trên cõi đời này. Bên dòng sông Hương, xa xa về phía bãi bồi là những ngọn lau trắng như màu tóc của mẹ hiền đang phất phơ giữa dòng đời.
 
Những ngày đầu hạ, dòng Hương thường lặng lẽ trôi như dáng điệu thục nữ, bỗng chiều nay Hương giang nổi sóng, từng con sóng bạc đầu luân phiên lội ngược dòng tìm về nguồn cội. Trong mắt tôi, những con sóng chợt hoá thành những đoá hoa của sông, những đoá hoa trắng buồn trong màu tang lễ. Màu hoa trắng đó làm tôi liên tưởng đến tình ca “Hạ Trắng” của Trịnh Công Sơn, phải chăng người nhạc sĩ tài hoa này đã viết ca khúc “Hạ Trắng” trong tâm trạng buồn đầu hạ: “Gọi nắng!/ Cho cơn mê chiều/ Nhiều hoa trắng bay/ Cho tay em dài/ Gầy thêm nắng mai/ Bước chân em về / Nào anh có hay / Gọi tên cho nắng / Chết trên sông dài” ?
 

Phượng tím - ảnh minh họa từ internet
 
Để cứu chuộc cho cảm giác cô quạnh của ngày mưa đầu hạ, như có một phép lạ, trên cành phượng già trơ trọi bên dòng sông Hương, chợt hiện lên một chùm hoa đỏ hiếm hoi. Một chùm phượng đỏ cô độc giữa những cây phượng cùng chủng loại quanh thị thành. Cánh hoa màu máu ấy vừa cứu rỗi tôi trong ngày mưa của tháng tư, và gợi lại trong tôi một cảm giác bàng hoàng, tê tái… Những hạt mưa trĩu nặng trên từng cánh hoa, rồi giọt vào sông từng hạt nước mang màu đỏ thẳm, khiến màu của sông từ dạo đó cũng pha sắc hồng. Cánh hoa phượng đầu hạ đượm buồn khiến tôi liên tưởng đến bài “Hoa ngày đông” của Nguyễn. Bất chợt lòng miên man mong đợi loài hoa Umdambara (Ưu - đàm) mà theo truyền thuyết khi hoa nở thì sẽ có thánh nhân ra đời.
 
Lang thang trên các nẻo đường, bất chợt dừng lại ngắm nhìn những xác hoa phủ nhẹ một lớp mong manh trên các vệ đường, tạo nên những sắc độ kỳ ảo, lạ mắt. Trên vệ đường trước trung tâm Festival số 11 Lê Lợi, vô vàn xác hoa li ti màu trắng điểm hồng trông thật lãng mạn, còn vỉa hè Trần Hưng Đạo trước Nhà văn hoá thành phố là một tấm thảm vàng điểm những nốt xanh rất ấn tượng,... và rất nhiều tấm thảm hoa với đủ các sắc màu đã trải trên các nẻo đường xứ Huế. Đời sống của hoa không chỉ ở trên cành, trong các bình gốm hay trong các cuộc lễ, tiệc,… mà khi hoa đã về với đất cũng góp phần tạo thêm một nét đẹp cho cuộc đời.          
 
 
Lê Huỳnh Lâm
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Cửu Đỉnh triều Nguyễn trở thành Di sản Ký ức thế giới

Từ ngày 6 - 10/5, tại Mông Cổ diễn ra Hội nghị toàn thể Ủy ban Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP 2024) của UNESCO. Đợt này, toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 20 hồ sơ đệ trình, Việt Nam có 1 hồ sơ là Cửu đỉnh của Huế đại diện của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Cửu Đỉnh triều Nguyễn trở thành Di sản Ký ức thế giới
Lãnh đạo tỉnh làm việc với đoàn làm phim “Hoàng hậu cuối cùng”

Chiều ngày 7/5, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Mar6 Studios liên quan đến dự án phim điện ảnh về hoàng hậu Nam Phương. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Lãnh đạo tỉnh làm việc với đoàn làm phim “Hoàng hậu cuối cùng”
Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản

Ngày 4/5, Trường Cao đẳng (CĐ) Huế tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị 42-CT/TU của Tỉnh ủy, thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản
Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Return to top