ClockChủ Nhật, 26/08/2018 12:37

Sẽ sưu tầm, số hóa tư liệu Hán - Nôm

TTH - Mới đây, trong buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thống nhất chủ trương lập đề án sưu tầm, bảo quản và phục hồi tư liệu Hán - Nôm, giai đoạn 2019 – 2024, để bảo tồn những tư liệu có giá trị văn hóa, lịch sử.

Triển lãm nhiều tài liệu Hán - Nôm quýBộ bản thảo tài liệu nghiên cứu về Hán Nôm chờ hỗ trợ xuất bảnHợp tác bảo tồn tư liệu Hán Nôm

Nhiều tư liệu hư hỏng nặng

Thừa Thiên Huế là nơi còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán - Nôm quý giá có từ thời Lê đến thời Nguyễn, đa phần được lưu giữ trong các làng, họ tộc, tư gia các gia đình hoàng tộc triều Nguyễn. Ngoài một số thất lạc, hư hỏng do chiến tranh, thiên tai, đã có không ít tài liệu Hán – Nôm quý bị mối mọt hủy hoại do không có điều kiện bảo quản.

Triển lãm các tư liệu Hán - Nôm được sưu tầm, số hóa trong thời gian qua

Nhiều năm làm công tác sưu tầm, số hóa tư liệu Hán – Nôm, ông Phạm Xuân Phượng, Thư ký Hội đồng khoa học Thư viện Tổng hợp tỉnh, chủ trì đề tài sưu tầm, số hóa di sản Hán - Nôm cho hay: “Trong số 200 ngàn trang tài liệu Hán – Nôm, với trên 10 ngàn sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, lệnh chỉ… được sưu tầm, số hóa, có đến 40% sắc phong, chiếu chỉ, lệnh chỉ ở các làng xã bị hư hỏng, như hòm bộ làng Dạ Lê Chánh (xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy) bị hư hỏng hoàn toàn”.

Theo ông Đỗ Hữu Hà, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh, nguyên nhân là do ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, thời tiết ẩm ướt. Phổ biến là do người dân đã cuộn, bọc kỹ các loại văn bản này trong túi nilon kín dẫn đến ẩm mốc, hoặc ép nhựa toàn bộ tư liệu. Phần lớn tư liệu bị hư hỏng rất nặng, mất rất nhiều công sức và thời gian để tu bổ, làm phẳng trước khi chụp hoặc bảo quản phục chế mang tính cấp thiết. Đáng quan tâm là, tình trạng thất lạc, mất cắp các loại gia phả, sắc phong, như gia phả nhà thờ họ Lê ở Phú Mộng, Kim Long; 10 sắc phong ở đình làng Lương Quán, phường Thủy Biều; một số văn bản Hán – Nôm quý ở đình làng Thanh Thủy Thượng, phường Thủy Dương…

10 năm qua (2009 – 2018), Thư viện Tổng hợp tỉnh và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh hợp tác, sưu tầm, số hóa tài liệu Hán – Nôm tại 14 phủ đệ, 100 làng, đền thờ và nhà vườn với 492 họ tộc. Tổng số tài liệu Hán - Nôm sưu tầm, số hóa là 229.202 ngàn trang; trong đó, đã số hóa nhiều tư liệu quý, như: trọn bộ luật thời Gia Long (Hoàng Việt Luật lệ), tài liệu chất liệu kim loại – sách đồng ở phủ Hàm Thuận Công, hòm bộ làng Phù Bài với nhiều tài liệu quý liên quan đến nghề luyện sắt, địa bạ thời Gia Long, các văn bản hành chính thời Lê, thời Quang Trung, thời Nguyễn…

Tiếp tục sưu tầm, số hóa

Ông Bùi Xuân Đức, Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, số lượng văn bản Hán - Nôm cổ lưu giữ trong Nhân dân còn nhiều; kế hoạch mỗi năm chỉ số hóa một tháng như hiện nay thì không kịp, nhiều tư liệu cổ, quý hiếm có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Một số tài liệu quá rách nát, biến dạng nên việc tu bổ phục chế lại rất công phu, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ số hóa. Việc sưu tầm, số hóa nguồn tư liệu quý này phải chạy đua với thời gian.

Ngự bút của vua Tự Đức ghi lại cảm xúc nhân đại lễ tế Nam Giao đã hoàn thành sưu tầm, số hóa

Quá trình sưu tầm, số hóa tư liệu Hán – Nôm cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Xuân Phượng chia sẻ: “Một số nhà nghiên cứu, sưu tập, cơ quan nghiên cứu triển khai các đề tài, chương trình nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hán – Nôm trước đây chưa thực hiện tốt cam kết với các chủ sở hữu tài liệu ở các làng, dòng họ, làm mất lòng tin trong dân. Khi chúng tôi triển khai kế hoạch, phải mất khá nhiều thời gian giải thích, chứng minh cách làm và thỏa thuận bằng văn bản đáp ứng nguyện vọng, đề xuất của các làng, dòng họ”.

Hạn chế về ngôn ngữ Hán - Nôm cũng ảnh hưởng đến quá trình xác định thứ tự ưu tiên số hóa vốn tư liệu có giá trị so với các tư liệu khác. Hiện nay, số người có khả năng đọc được các tư liệu Hán - Nôm không nhiều, ít người trẻ quan tâm tới việc nghiên cứu nguồn tư liệu này nên việc bảo tồn, phát huy di sản Hán - Nôm sẽ ngày một khó khăn hơn. Điều đó đòi hỏi phải dành nguồn ngân sách đào tạo nhân lực chuyên ngành Hán – Nôm, kinh phí cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật… Việc số hóa tư liệu Hán - Nôm chưa có nhiều giải pháp mới, đột phá để đẩy nhanh tốc độ. Kinh phí hạn hẹp nên không thể đáp ứng được nhu cầu, đề nghị của các làng, dòng họ như số hóa hết những tài liệu – chủ yếu là gia phả, tuyển dịch sắc phong, một số gia phả và văn bản quý.

Mới đây, trong buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp thiết phải tiếp tục sưu tầm, số hóa tư liệu Hán – Nôm. Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất chủ trương lập đề án sưu tầm, bảo quản và phục hồi tư liệu Hán - Nôm giai đoạn 2019 – 2024 để bảo tồn những tư liệu có giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Thư viện Tổng hợp tỉnh cũng đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao hỗ trợ về tài chính, phương tiện, thiết bị kỹ thuật để Thư viện Tổng hợp tỉnh phối hợp với Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh xây dựng dự án bảo quản tài liệu Hán – Nôm làng xã và tư gia ngay tại địa điểm lưu trữ tài liệu; hướng dẫn phương pháp bảo quản tài liệu định kỳ hàng năm nhằm tăng tuổi thọ của các loại tài liệu Hán – Nôm và triển khai đăng ký các nguồn tài liệu Hán – Nôm ở các làng, dòng họ, lập kế hoạch kiểm tra định kỳ. Trước mắt, tập trung vào một số làng có nhiều tài liệu Hán – Nôm quý hiếm.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sưu tầm tư liệu di sản Huế từ Pháp

Trân quý những tấm lòng hướng về di sản văn hóa Huế, Báo Thừa Thiên Huế kỳ này trân trọng giới thiệu những hình ảnh của tác giả Nguyễn Phúc Bảo Minh

Sưu tầm tư liệu di sản Huế từ Pháp
Số hóa dữ liệu Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền

Trong tháng 7 - tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, Chi đoàn Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh - HueCIT đã thực hiện hoạt động ý nghĩa: Phối hợp, triển khai xây dựng Phần mềm Quản lý nghĩa trang liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) Hương Điền, huyện Phong Điền.

Số hóa dữ liệu Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền
Về làng xã số hóa tư liệu Hán Nôm

Hàng trăm ngàn trang tư liệu Hán Nôm nằm rải rác ở nhiều làng quê, họ tộc trên toàn tỉnh đã được xử lý, số hóa một cách khoa học, bài bản. Ít ai biết rằng, công việc ấy được một nhóm các cán bộ, chuyên gia của Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đảm nhận một cách lặng thầm. Nhiều tư liệu Hán Nôm sau khi được số hóa cũng đã được công bố trước sự ngỡ ngàng của không riêng gì công chúng, mà còn với cả giới chuyên gia.

Về làng xã số hóa tư liệu Hán Nôm
Nghiên cứu, sưu tầm các loại hình di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 5/7, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả đề tài KH&CN cấp tỉnh "Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế" do Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế chủ trì thực hiện.

Nghiên cứu, sưu tầm các loại hình di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Return to top