Mới đây, cùng với 9 tỉnh và thành phố ở Việt Nam, Huế được vinh danh là thành phố thân thiện nhất trong giải thưởng thường niên mang tên Traveller Review Awards 2023. Có nhiều tiêu chí về một điểm đến thân thiện được chọn như an toàn, cảnh quan cổ kính hay nhiều cây xanh… nhưng tôi lại đặc biệt ấn tượng về yếu tố được nhắc đến là con người mến khách và đã nghĩ đến chủ nhân của xích lô Huế.
Từ xích lô được người Việt gọi từ tên tiếng Pháp Cyclo, do một người Pháp có tên là Coupeaud phát minh ra vào năm 1939. Còn nghề xích lô ở Việt Nam vốn xuất phát từ Sài Gòn. Theo tài liệu có được, để quảng cáo cho phương tiện vận chuyển mới này, Coupeaud đã tổ chức một cuộc hành trình với chiếc xích lô chạy từ Phnompenh tới Sài Gòn do hai người thay phiên nhau đạp đoạn đường khoảng 200km. Những năm đầu thế kỷ 20 đó, chỉ tầng lớp quý tộc, giàu sang mới đủ điều kiện sử dụng xích lô. Cùng với Sài Gòn và Hà Nội, xích lô trở thành biểu tượng của thành phố bên bờ sông Hương.
Một thời, xích lô là nghề kiếm sống và là phương tiện đi lại của người bình dân ở Huế. Đáng nói là khi bị cạnh tranh gay gắt và bị “chê”, xích lô Huế không cam chịu mà đã hóa thân trở thành “xích lô du lịch”. Xe xích lô được tân trang để trở nên đẹp và sang trọng hơn. Người chạy xe được vô nghiệp đoàn, được mặc đồng phục, được trang bị những kỹ năng nghề nghiệp và cả ngoại ngữ nữa, để phục vụ khách du lịch đến Huế. Xích lô màu tím Huế trở thành một sản phẩm du lịch trên đất Cố đô.
Lonely Planet là chuyên trang về du lịch nổi tiếng đã gợi ý cho khách du lịch nên một lần ngồi xích lô khi đến Huế. Theo trang này, các bác tài xích lô có thể giao tiếp tiếng Anh, chỉ đường, trò chuyện và tính tiền. Tôi cũng được biết, nhiều du khách muốn đến Huế chỉ để được trải nghiệm cảm giác thú vị ngồi lắc lư trên xích lô, để bác tài xế xích lô đạp chầm chậm trên đường phố ngắm cảnh xung quanh, vừa hít thở không khí bên ngoài thoáng mát, vừa có thể dễ dàng dừng lại bất cứ đâu nếu muốn và chụp ảnh để lại những ấn tượng thú vị trong lòng du khách nước ngoài.
Chuyện về xích lô Huế gần đây gợi nhớ đến một người là ông Phan Ngọc Thọ, nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh và nay Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Ông Thọ đã có nhiều cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với những người làm nghề đạp xích lô Huế. Điều mà ông Thọ mong muốn là những người đạp xích lô du lịch cần có trang phục riêng biệt, giá cả được niêm yết rõ ràng và một mẫu xe thống nhất, mang một “phong cách” Huế. Họ cũng phải thay đổi cách ứng xử để trở thành “hướng dẫn viên cho văn hóa Huế”.
Nhà văn Nguyễn Tuân là người có thói quen xê dịch. Sau ngày giải phóng, cụ vào Huế, vào Sài Gòn và đã chọn ngay xích lô để đi lại. So với Hà Nội, cụ “chê” xích lô trong này có chỗ đặt mông quá hẹp. Đôi nam nữ đi xích lô thì nàng phải ngồi trên lòng chàng (hay ngược lại). Tôi nhớ tới lời “chê” của cụ Nguyễn Tuân khi buổi chiều bắt gặp cảnh tượng cả một đoàn xích lô Huế chở khách du lịch dạo chơi trên phố. Mỗi xe một khách, lái xe cùng khách trò chuyện cứ như người thân quen. Tôi cũng đã bắt gặp đôi chiếc chở cặp, nàng ngồi trên chân chàng tình tứ. Nghĩ lại, có thể cụ Tuân “nói vậy mà không phải thế”.
Đình Nam