Cán bộ Bảo tàng Lịch sử tỉnh (phải) thu thập thông tin về miếu Bà Giàng
Miếu Bà Giàng ở làng Lương Văn (nay là tổ dân phố 2 – P. Thủy Lương) là một trong những di tích mang đậm dấu ấn kiến trúc Champa, có giá trị tiêu biểu độc đáo về mặt văn hóa nghệ thuật.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu Bảo tàng lịch sử tỉnh, đây là dấu tích của một công trình kiến trúc đền tháp người Champa, thờ mẹ xứ sở Poh Yang Inư Nagar (Poh Nagar) tức Thánh mẫu Thiên Y A Na. Qua khảo sát, quanh khu vực miếu Bà Giàng còn nhiều dấu tích Champa như phù điêu thần Shiva bằng đá sa thạch, gạch, ngói... cùng 1 giếng đá cổ cách đó chừng 1km.
Mẫu Thiên Y A Na là Mẫu của gốc Champa, vì vậy, để trở thành Mẫu của người Việt, tên gọi này lại tiếp tục được Việt hóa một lần nữa thành “Bà Giàng”. Giàng được phiên âm từ “Yang” trong tên gọi Poh Yang Inư Nagar có nghĩa là bà trời, như truyền thuyết về Bà chúa Ngọc, Bà Đá, Thiên Mụ... Điều này cũng để giải thích, miếu thờ mà dân làng Lương Văn quen gọi là miếu Bà Giàng chính là miếu thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na.
Không chỉ mang biểu tượng người mẹ được Việt hóa qua tên gọi, “Bà Giàng” còn Việt hóa qua hình tượng khi bức tượng bằng đá sa thạch cũng được người Việt cho đắp bên ngoài lớp xi măng, vôi vữa có gương mặt thanh tú, mang dáng vóc một phụ nữ ngồi trên ngai sơn son thếp vàng, mặc áo đỏ kim sa, đầu đội mũ chóp, chân mang hài... Và qua nghiên cứu, đối chiếu, bức tượng Bà Giàng ở Lương Văn có những nét tương đồng với bức tượng thánh mẫu Thiên Y A Na ở điện Hòn Chén (Hương Thọ - Hương Trà).
Các bậc cao niên làng Lương Văn cho biết, tương truyền Thai Dương phu nhân (còn được gọi là Kỳ thạch phu nhân, Bà Giàng) ở làng Thai Dương (Thuận An – Phú Vang) chính là con gái của Bà Giàng ở miếu Lương Văn. Vì vậy, hằng năm vào dịp tế lễ ở miếu Bà Giàng, làng Lương Văn đều có mo cơm bên trong có cơm, cá, thịt, rau… gửi về cúng Thai Dương phu nhân, gọi là “cơm của mẹ”.
Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin TX. Hương Thủy, trước đây, miếu Bà Giàng từng được sắc phong nhưng vào năm 1947, do nghi ngờ là nơi hoạt động của các chiến sĩ cách mạng, thực dân Pháp đã phá hủy miếu Bà Giàng và đốt toàn bộ sắc phong lưu giữ trong miếu. Đến kháng chiến chống Mỹ, nhờ những lùm cây um tùm bao quanh, người dân địa phương đã làm hầm bí mật cách miếu Bà Giàng chừng 30m để làm nơi nuôi giấu bộ đội. “Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, bên cạnh đã phục dựng hầm bí mật, hiện, TX. Hương Thủy đang lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh đối với địa điểm miếu Bà Giàng”, ông Toàn thông tin.
Ngoài miếu Bà Giàng, tại Lương Văn còn có miếu thờ Bà Chuẩn Đề. “Trong quá trình dọn dẹp, người dân phát hiện bức phù điêu có chạm khắc hình người nhiều tay giống Chuẩn Đề Bồ Tát nên cho xây miếu thờ bức phù điêu, gọi là miếu Bà Chuẩn Đề. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, thực chất đây là bức phù điêu thần Shiva đang múa”, ông Trần Quang Vệ, cán bộ văn hóa phường Thủy Lương thông tin.
Qua so sánh với một số phù điêu của người Chăm trên địa bàn tỉnh, phù điêu thần Shiva ở miếu Bà Chuẩn Đề có đường nét điêu khắc mềm mại, uyển chuyển, tương đồng với bức phù điêu quỷ vương Ravanda ở Thanh Phước (Hương Phong - Hương Trà) đã được các vua triều Nguyễn ban sắc phong là “Kỳ thạch phu nhân”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Kiên, chuyên viên Phòng Bảo tồn di tích – Bảo tàng Lịch sử tỉnh, căn cứ vào các họa tiết trang trí, phù điêu ở miếu Bà Chuẩn Đề có niên đại vào khoảng thế kỷ IX – X, thuộc phong cách Đồng Dương. Đây là một cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, góp phần quan trọng cho công tác nghiên cứu văn hóa Champa. Ngoài ra, từ các vết tích xây dựng ở Lương Văn, có thể khẳng định, trước đây, ở vị trí này đã có một công trình đền tháp Champa”.
Bài, ảnh: Hàn Đăng