ClockThứ Sáu, 16/08/2019 06:00

Tránh để di tích Huế “rớt hạng” vì bảo tồn, trùng tu - Bài 3: Vì sự phát triển bền vững

TTH - Trùng tu, bảo tồn và tôn tạo di sản là một công việc khó, cần một cách làm khoa học. Hơn thế, rất cần một tấm lòng biết nâng niu và quý trọng những giá trị văn hóa mà tiền nhân để lại.

Tránh để di tích Huế “rớt hạng” vì bảo tồn, trùng tu – bài 2: Nguồn lực thiếu về mọi mặtTránh để di tích Huế “rớt hạng” vì bảo tồn, trùng tu - Bài 1: “Vết sẹo” Hộ thành hào

Tường Hoàng thành bị xô lệch theo thời gian

Sai và sửa sai

Trở lại công trình bờ kè Hộ Thành hào. Ngay sau khi có ý kiến về thi công có nguy cơ làm mất yếu tố nguyên gốc của di tích và việc thi công ứng xử thiếu tôn trọng với lịch sử khi sử dụng máy móc để tháo dỡ thô bạo, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tạm ngưng thi công, kiểm tra, rà soát lại hồ sơ.

Với trách nhiệm của đơn vị chủ đầu tư, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng kế hoạch khắc phục và xử lý những sai phạm liên quan. Trong đó, kiến nghị xác định trách nhiệm, kiểm điểm bốn tập thể liên quan, gồm: đơn vị thi công, tư vấn thiết kế là Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung; đơn vị tư vấn giám sát công trình thuộc Ban Tư vấn Bảo tồn di tích Huế; đơn vị quản lý dự án thuộc Ban Quản lý dự án di tích Cố đô Huế và bản thân chủ đầu tư. Đề nghị người chủ trì thiết kế công trình không được tham gia chủ trì thiết kế các công trình tương tự trong thời gian 3 năm. Đề nghị xử lý trách nhiệm của Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung, do thiếu sâu sát trong quản lý thi công. Với trách nhiệm của đơn vị chủ đầu tư, Ban Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và những thành viên cụ thể liên quan đến việc điều hành dự án cũng phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo quy định. Hạng mục tu bổ, tôn tạo kè Hộ thành hào “ghi dấu” lần đầu tiên sai phạm trong việc bảo tồn, trùng tu ở Quần thể di tích Cố đô Huế phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm đến từng cá nhân, tập thể cụ thể.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng có ý kiến yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo cụ thể các đơn vị liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá lại chất lượng tình trạng kỹ thuật toàn tuyến, tham vấn các nhà khoa học và chuyên gia. Từ đó, đề xuất điều chỉnh biện pháp thi công (nếu cần thiết), có phương án tái sử dụng vật liệu gốc hợp lý, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Với trách nhiệm của chủ đầu tư, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã kiến nghị đơn vị thi công khắc phục bằng cách nạo vét lòng hào kết hợp tìm kiếm, thu hồi các viên đá cũ còn sót lại để tái sử dụng. Đồng thời, sử dụng tối đa đá cũ để thay thế phần mặt ngoài thi công bằng đá granit ở những vị trí chưa đúng với hồ sơ được duyệt. Thế nhưng, trở lại sau hơn 3 tháng kể từ ngày bị tạm dừng thi công, chúng tôi nhận thấy đoạn kè Hộ thành hào vẫn là công trường dở dang với lưới che, bờ kè cũ mới chưa hoàn thiện.

Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án di tích Cố đô Huế cho biết, chủ đầu tư và đơn vị thi công đang phối hợp tìm vớt lại những vật liệu đá cũ còn rơi rớt ở hiện trường và dưới lòng hào để kiểm đếm và phân loại chất lượng để có thể tái sử dụng cho phần mặt ngoài của bờ kè đã xây bằng đá granit mới. “Đối với đoạn kè chưa thi công, chắc chắn tiếp tục triển khai nhưng chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc đợt trước. Trước khi thi công sẽ tiến hành khảo sát lại, nghiên cứu kỹ về công nghệ truyền thống, đánh giá lại hiện trạng và đưa ra giải pháp đoạn nào cần giữ, đoạn nào nên hạ giải và đoạn nào được phép đưa vật liệu mới thay thế”, ông Sơn nói.

Cách làm khoa học & tấm lòng thành

Con số khoảng 170 công trình di tích lớn nhỏ ở Thừa Thiên Huế được trùng tu, bảo tồn trong thời gian qua khiến nhiều người phải kinh ngạc. Nó cũng cho thấy, trước mắt và lâu dài, vẫn còn nhiều “tiếng kêu” truyền đi từ những di tích đòi hỏi nhanh chóng được “cứu chữa” với cả “núi” công việc đang chờ phía trước.

PGS.TS. Đặng Văn Bài đánh giá cao mô hình hoạt động của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện nay. Theo ông, đây là mô hình điển hình của cả khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Điểm mạnh nằm ở chỗ, họ có đủ khả năng để thực hiện việc giám sát thi công các dự án bảo tồn, tôn tạo mà không phải thuê từ bên ngoài. Họ cũng đã phối hợp tốt với các cơ quan liên quan để xây dựng được một kế hoạch quản lý di tích dài hơi. Dù vậy, để thực hiện tốt việc quản lý Nhà nước trong việc xây dựng và thực thi các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, ông Bài đề nghị trước hết Thừa Thiên Huế phải có được một tổ chức có đủ năng lực quản lý dự án. Con người phải được đào tạo chuyên sâu, có khả năng hoạt động độc lập và chuyên nghiệp.

“Tôi đã nhiều lần bày tỏ sự chưa hài lòng với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và đề nghị họ nên đầu tư nhiều hơn nữa cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Làm sao để mô hình này có thể trở thành một trung tâm đào tạo tại chỗ về bảo tồn, tu bổ di tích, nhất là về kiến trúc gỗ, cho khu vực Đông Nam Á, hoặc châu Á - Thái Bình Dương. Nếu được đầu tư xứng đáng tôi tin chắc, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hoàn toàn có thể làm được điều đó”. Ông Bài chia sẻ. 

Câu chuyện về trùng tu di tích Huế khiến chúng tôi nhớ đến chuyện tháp nghiêng Pisa nổi tiếng ở Italia. Tháp Pisa được xây dựng từ năm 1173. Ngay trong khi đang xây, tòa tháp đã bắt đầu nghiêng và để chống nghiêng, một số biện pháp địa kỹ thuật được áp dụng. Tháng 1/1990, tháp Pisa buộc phải đóng cửa với khách tham quan và sau hơn 1 thập kỷ tiến hành xử lý đầy tốn kém, đã trở lại với công chúng vẫn với tư thế của 1 tháp nghiêng nhưng độ an toàn được dự tính đảm bảo đến 300 năm. Tháp Pisa vẫn giữ nguyên những giá trị kiến trúc ban đầu càng trở nên hấp dẫn với dáng vẻ nghiêng nghiêng của nó.

Cho dù vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược nhau nhưng rõ ràng qua câu chuyện tháp Pisa cho thấy, trong trùng tu, tôn tạo di tích, mục tiêu hàng đầu cần hướng đến là giữ lại những giá trị cũ, vốn có mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Đáng tiếc, vì nhiều lý do ở rất nhiều di tích ở Huế nói riêng, cả nước nói chung, điều đó chưa được quan tâm đúng mức. Không ít di tích lịch sử sau khi tôn tạo đã biến đổi đến mức không thể nhận ra. Vẫn còn may mắn khi những sai sót ở dự án Hộ thành hào được kịp thời phát hiện và bị yêu cầu điều chỉnh. Thế nhưng, còn đó nỗi lo khi cách nghĩ, sự tiếp cận và cách tu sửa di tích vẫn là “lối cũ ta làm”. Vậy nên, lời cảnh báo không giờ muộn, đó là đừng để di tích Huế “rớt hạng” vì bảo tồn, trùng tu.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học

Ngày 9/11, Hạt Kiểm lâm TX. Hương Thủy phối hợp với Trường TH&THCS Dương Hòa (TX. Hương Thủy) tổ chức chương trình truyền thông với chủ đề Hội thi tìm hiểu kiến thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho học sinh nhà trường năm 2024.

Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học
Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích tại Hương Trà

Về tổng thể, các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TX. Hương Trà đã được tu bổ, tôn tạo dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa. TX. Hương Trà cũng đang đối mặt với một số vướng mắc liên quan đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản này.

Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích tại Hương Trà
Return to top