ClockThứ Tư, 06/10/2010 18:33

Tủ sách vàng, tấc lòng vàng

TTH - Trong cái nắng nhạt của một sáng chớm đông, tiếp chúng tôi trong căn phòng ngập tràn sách và ánh sáng, ông Phan cười đôn hậu: “Sao mà người ta biết cũng tài, có lẽ qua người quen giới thiệu, và qua báo chí của quý anh nữa. Người đến xem chơi cũng có mà người đến để học tập, nghiên cứu cũng nhiều. Kể cả những người hết sức nổi tiếng như nhà sử học David Marr của Úc cũng đã tìm đến đây…”

 

Buổi sơ kiến khó quên

 Một ngày cuối đông năm 2005, nghe tin ông Nguyễn Hữu Châu Phan sắp cho khai trương thư phòng của gia đình để phục vụ miễn phí cho bất kỳ ai yêu sách, thích đọc sách, thích nghiên cứu… chúng tôi đã không thể kiên nhẫn ngôi chờ “đến giờ G” và… buộc phải “xăm mình” tìm đến gõ cửa ngôi biệt thự số 18 Nguyễn Huệ, dù rằng biết ông đang rất tất bật.
 
Ông Châu Phan khổ người cao lớn nhưng lịch lãm, hiền lành vui vẻ tiếp chúng tôi. Dẫn chúng tôi lang thang giữa những giá sách, ông nói như tâm sự: “Mong mở thư phòng và được nhiều người thích sách, yêu sách đến tìm đọc, nghiên cứu là ý nguyện hằng ấp ủ của cụ thân sinh tôi. Ý nguyện ấy cũng đã thấm, đã ăn vào tôi lâu lắm rồi…”.  Dừng lại bên một chiếc giá sách, ông với tay lấy một cuốn. Gáy đã sờn và giấy đã ngã màu vàng ố. Cuốn sách có tên Le Royaume D’Annam et les Annamites (Vương quốc và con người An Nam) xuất bản ở Paris năm 1879. Trong sách có cả những bản đồ về Huế rất đẹp, rất tỉ mỉ và không sai khác gì mấy so với những tấm bản đồ mà hiện chúng tôi vẫn thấy. “Tác giả lên tận đỉnh Bạch Mã, vẽ bản đồ bằng thủ công, bằng quan sát mắt thường mà có ghê không? Mà nên nhớ là sách xuất bản năm 1879 nhé. Sáu năm sau, 1885 quân Pháp mới đánh Huế. Liệu việc người Pháp nghiên cứu về đất nước và con người An Nam, về Huế có nhằm phục vụ gì cho ý đồ chiến tranh của họ không? Cho nên, riêng nghiên cứu những cuốn sách như thế này cũng là đề tài thú vị đấy chứ.”
 

Tác giả và NNC Nguyễn Hữu Châu Phan (trái) trong thư phòng gia đình Nguyễn Hữu.

Vừa nói, ông Châu Phan vừa với tay tiếp tục giới thiệu một vài cuốn khác. Đó là cuốn Từ điển Latin - Việt Nam xuất bản tận năm 1880; cuốn Từ điển về các loài cá Việt Nam xuất bản năm 1932; cuốn Nghệ thuật Trung Hoa xuất bản tại Thuỵ Sỹ năm 1964 mà giá bán không dưới 500 USD hồi ấy, rất lớn!… “Sách quý như thế này mà mình cứ giữ một mình trong tủ, thành sách “chết” thì… bất lịch sự quá”. Buổi tiếp xúc lần ấy với ông đã để lại ấn tượng thật khó quên trong chúng tôi. Thoắt cái mà đã 5 năm. Giờ gặp lại, mừng vì thấy ông có vẻ khỏe hơn, tươi tắn hơn. Hỏi thăm về thư phòng, ông hào hứng: “Vui lắm, không biết răng mà họ biết thiệt nhiều. Tây có, ta có, cứ tới lui hoài…”
 
Tủ sách quý với số đầu sách ngoài 1,1 vạn
 
Cụ Nguyễn Hữu Đính, thân sinh ông Nguyễn Hữu Châu Phan,  tốt nghiệp Trường cao đẳng Nông lâm súc Hà Nội vào những thập niên đầu thế kỷ 20 và trở thành một trong những kỹ sư Thuỷ lâm đầu tiên của Việt Nam. Trước 1975, cụ từng giữ những chức vụ quan trọng trong chế độ cũ: Tổng thanh tra Thuỷ lâm Việt Nam, Trưởng khu Lâm nghiệp IV… Nói tóm lại, trong mắt dân thường và lớp công chức lúc ấy cụ là quan, mà là quan to chứ không phải làng nhàng. Không ai có thể ngờ ông quan ấy vốn đã âm thầm hướng về cách mạng. Ông Châu Phan không nhớ chính xác cụ thân sinh của mình tham gia cách mạng từ bao giờ, nhưng quả quyết là từ ngay sau cách mạng tháng Tám. “Ông cụ tôi và một số bằng hữu hồi ấy được gọi chung là những người thuộc “chi bộ salon”. Có nghĩa là những người theo cộng sản nhưng là loại trí thức sang trọng cả. Nhà tôi hồi ấy sống gần bên là tư gia tỉnh trưởng, rồi điệp báo, bình định nông thôn... nói chung toàn là thứ dữ chung quanh. Nhưng, các anh có tưởng tượng được không, trong nhà lại có đến 2 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Một hầm cho cá nhân và một hầm có thể nuôi được cả tiểu đội...”
 

Bìa 1 cuốn khóa luận tốt nghiệp cử nhân Lịch sử (Đại học Huế) được hoàn thành với một phần giúp đỡ của thư phòng.

Sau 1975, cụ Nguyễn Hữu Đính là Uỷ viên UBTƯMTTQVN, Chủ tịch UBMTTQVN Tp Huế, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Trị Thiên (cũ). Năm 1995, cụ qua đời, hưởng thọ 88 tuổi. Ghi nhận công lao, cụ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Độc Lập hạng III...
 
Theo hồi ức của ông Châu Phan, tuy là kỹ sư Thuỷ lâm, nhưng cụ Nguyễn Hữu Đính rất ham hoạt động xã hội, và đặc biệt là rất mê sách. Lương tiền bao nhiêu, cụ dồn cho việc sưu tầm sách. Bạn bè biết tính, có sách hay, sách quý lại dành tặng cụ. Cụ rất quý, rất trân trọng. Qua thời gian, cụ đã sở hữu một “gia tài” sách khá đồ sộ với nhiều loại sách “độc”. Tủ sách của cụ có thể phân thành 3 loại: Sách thuộc ngành thuỷ lâm học, sách mỹ thuật, sách văn sử địa.
 
Ông Châu Phan tiết lộ, riêng sách lâm học, hiện gia đình ông đang còn lưu giữ khoảng 2.500 cuốn. Trong đó, có nhiều cuốn rất quý, rất đắc mà bây giờ có thể tìm không có. Sách mỹ thuật có chừng 250 cuốn, nhiều cuốn rất hiếm mà ngay cả các thư viện chưa chắc đã có. Một số cuốn xuất bản từ thế kỷ 18, 19 vẫn đang hiện hữu trong tủ sách của gia đình ông…
 
Năm 1958, ông Châu Phan vào học ngành sử. Cần sách gì, cụ thân sinh lập tức đáp ứng. Kể cả những cuốn sách phải đặt mua tận Paris. Sau này đi làm có tiền, ông Phan cũng dành ưu tiên để mua sách. Tủ sách vì thế không ngừng được cập nhật, làm giàu thêm. Cho đến thời điểm khai trương thư phòng, ông Phan đã có trên 1,1 vạn bản!
 
Nguồn vui và những ý tưởng đáng trân trọng
 
Mong muốn tiếp nối nguyện ước của cụ thân sinh, nhưng vì nhiều lý do, lần lữa mãi, đến giữa năm 2006 ước nguyện mở thư phòng mới thực hiện được.
 
Để chuẩn bị cho công việc này, ông Châu Phan đã bỏ tiền túi mua gỗ, thuê thợ đóng kệ sách. Những ngày ấy, người ta thấy ông cho mở luôn một xưởng mộc mini trong nhà để cánh thợ mộc làm việc. Bạn bè ông, những người yêu sách, tâm huyết với Huế như Hồ Tấn Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Xuân Hoa, Hồ Vĩnh…hễ có thời gian là lại tới lui giúp ông phân loại, xếp đặt.
 

NNC Châu Phan (trái) giới thiệu với khách thăm về thư phòng của gia đình.

Thấm thoắt mà đã hơn 4 năm kể từ lúc thư phòng của gia đình Nguyễn Hữu mở cửa đón khách (Mà nói 4 năm cũng chỉ là cách nói tương đối, chứ thực ra từ trước đó, khi thư phòng chưa “cắt băng khánh thành” thì ông Châu Phan cũng đã hào phóng mở cửa để phục vụ những người có nhu cầu tra cứu, tham khảo rồi). Trong cái nắng nhạt của một sáng chớm đông, tiếp chúng tôi trong căn phòng ngập tràn sách và ánh sáng, ông Phan cười đôn hậu: “Sao mà người ta biết cũng tài, có lẽ qua người quen giới thiệu, và qua báo chí của quý anh nữa. Người đến xem chơi cũng có mà người đến để học tập, nghiên cứu cũng nhiều. Kể cả những người hết sức nổi tiếng như nhà sử học David Marr của Úc cũng đã tìm đến đây…”

Ông Châu Phan đưa mắt tìm và nhanh chóng lấy ra cho chúng tôi một cuốn luận án tiến sỹ viết về Bạch Mã của Lawrence Raymon Fife (Đại học New England). Luận án hoàn tất tháng 6/2009. Để viết cuốn luận án này, L.R. Fife đã tìm đến và được ông Phan giúp cho tham khảo bản chính luận án của cụ Nguyễn Hữu Đính, đồng thời giới thiệu cho một số tài liệu liên quan. Sau khi hoàn tất, Fife đã quay trở lại biếu ông Châu Phan một bản để kỷ niệm. Hay như cô Thanh Trà ở Đại học Ngoại ngữ Huế được ông Phan cho hay là người đã “đeo” thư phòng suốt cả năm trời nghiên cứu tài liệu để làm master với thầy Keithw Taylor (Hoa Kỳ). Rất nhiều sinh viên của Đại học Huế cũng tìm đến nhờ ông giúp đỡ, tiếp cận tài liệu để hoàn tất luận văn tốt nghiệp. Và sau khi ra trường, nhiều người trong số họ đã quay lại biếu thư phòng một bản copy, xem như đó là một cách thể hiện lòng tri ân...
 
“Có một số tài liệu đôi khi tìm đến mướt mồ hôi mới ra, rồi còn phải đích thân mang đi đi photocopy và biếu miễn phí cho người ta. Vậy mà thấy vui, mới lạ…Đôi khi tôi tự hỏi, có phải vì như vậy mà mình sống thêm được vài năm chăng?”-Ông Phan cười sảng khoái. Với ông, việc thư phòng có người tìm đến để đọc, để nghiên cứu,  sao chép tài liệu…đó là một thành công! Và việc được phục vụ bạn đọc, được chia sẻ tri thức với họ, đó là nguồn vui sống. Cho nên, ông không hề cảm thấy mệt mỏi, không hề cảm thấy bị mất thời gian …
 

Một số trang trong luận án tiến sĩ về đề tài Bạch Mã của L.R.Fife (ĐH New England).

 
Hơn 11 ngàn bản sách vào lúc khai trương hình như vẫn chưa làm ông Phan cảm thấy thỏa mãn. Bởi vậy mà từ đó đến nay, ông không ngừng bổ sung, cập nhật cho thư phòng của mình thêm nhiều bộ sách mới; một phần là do bạn bè gửi biếu, một phần lớn nữa là do ông tự trích lương hưu để mua. Tính ra, trong khoản thời gian 4 năm vừa rồi, ông Phan đã bổ sung thêm cho thư phòng của mình chừng 1.500 đầu sách nữa. Có những bộ sách như Technique du peuple Annamite của Henri Oger, 3 cuốn, có giá đến 600 ngàn đồng, một tỷ lệ kha khá so với lương hưu của bản thân, ông Châu Phan vẫn hào phóng mua về. Yêu sách và tiếp nối 2 thế hệ không ngừng bồi đắp như thế, thảo nào năm 2008, tủ sách của gia đình Nguyễn Hữu đã chẳng giật giải “quán quân”  tại cuộc thi Tủ sách gia đình lần thứ 2 do NXB Văn nghệ tổ chức.
 
Trung tâm Nghiên cứu Huế được thành lập năm 1995 và Tập san Nghiên cứu Huế do ông Châu Phan chịu trách nhiệm xuất bản-một tập san được giới trí thức và các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao-đã ra mắt đến số thứ 7 (tháng 7/2010); thư phòng cũng đã thu được những thành công nhất định bước đầu. Tất cả làm cho ông Châu Phan thấy vui và phấn chấn. Tuy nhiên, với ông, đó mới chỉ là hai trong bốn việc lớn mà bình sinh ý định của cụ thân sinh ông hằng ấp ủ. Hai việc còn lại, một là làm sao quy tụ các nhà nghiên cứu để họ cùng hợp lực nghiên cứu một cách rốt ráo, tận gốc mọi vấn đề về Huế; từ đó thấy được Huế có cái gì hay, cái gì mạnh mà tồn giữ, phát huy, cái gì yếu, cái gì dở để loại trừ, điều tiết…. Và việc nữa là làm thế nào để xuất bản cho được một bộ toàn thư về Huế . “Việc chưa làm chưa vội nói, vì nó quá lớn, quá to tát - ông Phan giọng chân thành - Nhưng tôi tự bảo, nếu còn sống ngày nào tôi sẽ cố hết sức để thực hiện …” 
 
Có thể đó chỉ là ý tưởng và sẽ chưa thể thực hiện trong một sớm một chiều. Nhưng chỉ vậy thôi cũng đủ để cho chúng ta phải nghiêng mình trân trọng.
 
Mong cho ông “chân cứng đá mềm”, và mong sẽ có thêm nhiều hơn những người đồng cảm, đồng lòng để cùng ông sẻ chia, cùng ông chung tay đưa những ý tưởng kia sớm thành hiện thực…
 
Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập Câu lạc bộ thơ ca Đất Việt xứ Huế

Sáng 30/4 đã diễn ra lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Thơ ca Đất Việt xứ Huế, trở thành thành viên thứ 14 của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy thơ ca Đất Việt thuộc Viện Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc.

Thành lập Câu lạc bộ thơ ca Đất Việt xứ Huế
Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi “Miền ký ức”.

Kể chuyện lịch sử bằng ký họa
Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử

Ngoài hệ thống di sản Huế, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến tham quan, dâng hương tưởng niệm các điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn tỉnh, đông nhất tập trung ở Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây) và Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu (phường Trường An, TP. Huế).

Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top