ClockThứ Sáu, 01/04/2022 14:02

Vận dụng sáng tạo xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

TTH - Xây dựng nhà văn hóa (NVH), nhà sinh hoạt cộng đồng (SHCĐ) luôn là sự quan tâm của thị xã Hương Trà. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí, mặt bằng vẫn là “bài toán khó” chưa có lời giải.

Nhiều thiết chế văn hóa chờ được đầu tưXây dựng TP. Huế đổi mới, năng động, sáng tạoĐầu tư cho văn hóa di sảnCàng về gần với làng, càng phát huy hiệu quảTránh hình thức, lãng phí trong xây dựng nhà văn hóa

Hương Trà thiếu khu liên hợp thể thao để tổ chức các hoạt động thể dục thể thao địa phương

Thiếu từ xã đến thị xã

Sau hơn một thập kỷ lên thị xã, Hương Trà vẫn “canh cánh” việc chưa xây dựng được một trung tâm văn hóa thể thao cấp thị xã do thiếu nguồn lực. 4/9 xã, phường “trắng” NVH; 9/72 thôn, tổ dân phố (TDP) chưa có nhà SHCĐ (trong đó, 36/63 nhà sinh hoạt hiện có đã xuống cấp, hư hỏng). 5 xã, phường có NVH thì chỉ có 3/5 NVH đạt chuẩn (gồm Hương Văn, Bình Tiến, Hương Bình) do được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và nguồn ngân sách địa phương.

Tại Hương Vân, niềm mong mỏi của người dân về một NVH “ra tấm, ra món” nhiều năm chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí. Phó Chủ tịch UBND phường Hương Vân, ông Hồ Xuân Phương bày tỏ, nhu cầu xây dựng NVH trung tâm phường khá cấp thiết, để người dân có nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao và cũng là “bộ mặt” của phường. Đến nay, Hương Vân đã quy hoạch quỹ đất xây dựng NVH phường trên diện tích 1ha, với tổng kinh phí đầu tư 3,9 tỷ đồng. Thị xã đồng ý hỗ trợ 1 tỷ đồng, địa phương lo việc giải phóng mặt bằng và đối ứng số còn lại.

“Trước mắt, với số kinh phí 2,9 tỷ đồng này phường có được chờ thu từ đấu đất để xây dựng. Riêng quỹ đất (với gần 80% diện tích thuộc đất sản xuất của 13 hộ dân), địa phương đang tính phương án đổi đất của phường hiện có cho bà con...” - Phó Chủ tịch UBND phường Hương Vân thông tin.

Riêng nhà SHCĐ, hiện 3/7 TDP đã có NVH do dự án tài trợ. “Chúng tôi đang liên hệ xin hỗ trợ kinh phí xây dựng các NVH còn thiếu từ các dự án cũng như vận động Nhân dân đóng góp. Nhưng nói thực, việc xã hội hóa rất khó”, ông Phương nói.

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Hương Trà Nguyễn Văn Duật, đến nay, các thiết chế văn hóa cấp xã cơ bản đã phát huy được công năng sử dụng. Ngoài Tứ Hạ, Hương Vân thì 2 phường Hương Chữ và Hương Xuân vẫn thiếu NVH. 4/9 xã, phường chưa có sân bóng đá; các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em còn nhiều hạn chế. Ở cấp thị xã, Hương Trà hiện có 1 sân bóng đá ngoài trời, 1 nhà thi đấu cầu lông, 1 sân quần vợt, riêng thư viện được bố trí tạm tại tầng 2 hội trường thị xã… Các dụng cụ thể thao cộng đồng được đặt tại các công viên và dọc đường Thống Nhất. “Lâu nay, kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, trang, thiết bị chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp hàng năm và một phần từ nguồn xã hội hóa”, ông Duật cho hay.

Tiếp tục đầu tư và hoàn thiện

Trưởng ban Pháp chế HĐND thị xã Hương Trà - Nguyễn Thị Thanh Toàn cho biết: Mặc dù được quan tâm đầu tư xây dựng, hiện thị xã vẫn còn 9 thôn, TDP chưa có nhà SHCĐ để tổ chức các hoạt động do thiếu kinh phí, không huy động được nguồn xã hội hóa hoặc không có quỹ đất; trên 50% nhà SHCĐ xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn quy định do xây dựng đã lâu hoặc được cải tạo từ các nhà mẫu giáo, nhà kho HTX cũ; một số nơi đang mượn đình làng để sinh hoạt…

UBND thị xã đã chỉ đạo rà soát, cập nhật các vị trí thiết chế văn hóa, thể thao vào Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030; bố trí quỹ đất và dự kiến xây dựng NVH trung tâm, quảng trường, khu liên hợp thể thao (sân bóng, bể bơi, nhà thi đấu) trung tâm thị xã trong năm 2022 với kinh phí trên 40 tỷ đồng từ ngân sách địa phương (từ thu đấu giá sử dụng đất năm 2021). “Đến nay, 8/9 xã, phường đã có quy hoạch đất dành cho các thiết chế văn hóa thể thao. Riêng Tứ Hạ, khi hoàn thành xây dựng quảng trường trung tâm, Hương Trà dự kiến giao Hội trường thị xã cho Tứ Hạ làm NVH phường”, ông Duật cho biết.

Về công tác vận động xã hội hóa, UBND thị xã đã yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, huy động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn, con em trong và ngoài địa phương tự nguyện đóng góp kinh phí, tham gia quản lý, xây dựng và khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trên cơ sở phát huy vai trò tự quản, tự chịu trách nhiệm của cộng đồng dân cư và các đoàn thể ở thôn, tổ dân phố.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

TIN MỚI

Return to top