ClockChủ Nhật, 25/12/2016 07:41

Hát ở phòng trà

TTH - Ca sĩ phòng trà Huế hiện nay đủ lứa tuổi, thành phần, trong đó có không ít trường hợp là sinh viên. Song, những ai đứng được trên sân khấu của phòng trà Huế hẳn nhiên là người hội đủ “lửa” nghề và khả năng ca hát.

Ca sĩ Hồng Vân phiêu với “Mưa trên phố Huế”

“Lửa” đam mê

Từng qua “sách vở” ở Học viện Âm nhạc Huế, Kim Tùng là đại diện cho phong cách chuẩn của ca sĩ phòng trà Huế. Mỗi lần lên sân khấu, chàng ca sĩ sinh năm 1991 chỉ “diện” quần jean và áo sơ mi đơn giản, nhưng không ai có thể rời mắt khỏi anh bởi giọng hát trầm ấm trời cho. Kim Tùng mê nhạc xưa từ nhỏ, mỗi khi đi hát, anh vừa thể hiện bằng lời Việt vừa chuyển những ca khúc đó sang lời Pháp. Lúc Kim Tùng hát, nhiều người nhắm mắt phiêu theo lời ca. Nhiều lần, chủ phòng trà Hoàn Kiếm - Phùng Thị Mỹ Hạnh thốt lên rằng: “Kim Tùng là giọng ca đặc biệt, cái buồn của bài hát qua giọng ca Kim Tùng càng trở nên ray rứt”. Kim Tùng lại không xem đi hát là cái nghề mà anh xem đó là nơi để thỏa mãn đam mê. Có lần, ốm suốt một tháng trời không thể đến sân khấu, anh bảo đó là những ngày tháng buồn nhất cuộc đời. Với anh, đi hát là đi chơi, không hát là người thiếu sức sống và anh đã thề với chính mình, sẽ chọn ca hát làm “bạn đời”.

Nếu phòng trà Huế chuộng nhạc xưa và Kim Tùng là hình mẫu của lớp ca sĩ trẻ, thì trải nghiệm cuộc đời giúp thế hệ trung niên Huế có nhiều giọng ca tài năng. Nữ ca sĩ Hồng Vân là một ví dụ. 52 tuổi, nhưng chất giọng nữ trung, đôi khi là nữ cao của chị vẫn đi vào lòng người như thứ ma lực quyến rũ khán thính giả. Đến với nghiệp cầm ca tại phòng trà Serenade từ năm 2003 và gắn bó với phòng trà Mục Đồng từ năm 2007 đến tận bây giờ. Mỗi lần biểu diễn, chị khoác lên mình tà áo dài truyền thống, không quan tâm nhiều đến phong cách biểu diễn mà tập trung thu hút người nghe bằng chất giọng, sự luyến láy, ngọt ngào trong từng bài hát, đôi khi lột tả được sự day dứt trong từng ca từ. Sự trải nghiệm cuộc sống làm cho những ca khúc tiền chiến, nhạc trữ tình của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Dương Thiệu Tước… trở nên đắm say hơn qua lời hát của chị. Có người nghĩ, chị được đào tạo chuẩn từ Học viện Âm nhạc nhưng thực tế, quá trình mở băng đĩa nghe ca sĩ thể hiện rồi tập hát theo đã tạo cho chị có cái chất giọng ấy; có khi một ngày chị dành đến mấy tiếng để tập hát. Nhờ thế mỗi lần thể hiện những ca khúc như “Gợi giấc mơ xưa” (Lê Hoàng Long), “Đưa em tìm động hoa vàng” (Phạm Duy), “Chiều mưa biên giới” (Nguyễn Văn Đông) hay những ca khúc trữ tình Huế, nhiều khán giả phải rưng rưng.

Kim Tùng làm “con ma hát” ở phòng trà Mục Đồng

“Con ma” hát

Ngược dòng quá khứ, người yêu âm nhạc ở Huế cũng sớm được thưởng thức những món ăn tinh thần từ giai đoạn trước kháng chiến chống Pháp, tiêu biểu như ca sĩ Ngọc Cẩm ở phòng trà Tam Tinh. Nữ ca sĩ người Phú Vang này từng làm say lòng khán giả trong buổi đầu hình thành các phòng trà ở Huế. Sau đó, bà cùng chồng (ca sĩ Nguyễn Hữu Thiết) tạo ra sự bùng nổ trên sân khấu Sài Gòn đầu thập niên 1950 – giai đoạn mà các rạp chiếu bóng ở Sài Gòn còn thịnh hành kiểu hát phụ diễn (hát trước giờ chiếu phim).

Trải qua năm tháng, những giọng ca như Thanh Thúy, Hà Thanh, Quang Linh, Vân Khánh... đã để lại trong lòng người yêu âm nhạc bằng cái chất thực sự. Điển hình như danh ca Hà Thanh, nghiệp ca hát của cố nữ ca sĩ đã lùi sâu vào quá khứ nhưng trong lòng những người yêu âm nhạc Huế, tiếng hát ấy mãi bất tử.

Xưa cũng như nay, những ca sĩ đứng trên sân khấu phòng trà Huế ngoài cái duyên sân khấu đều có chất giọng tuyệt vời. Cũng bởi “thượng đế” của những phòng trà Huế là khán giả khó tính, đòi hỏi chất lượng âm nhạc cao, do vậy người cầm ca đều nỗ lực tập luyện và hơn cả là bền bỉ với niềm đam mê. Thông tin hát hai bài 100.000 đồng/đêm/ca sĩ khiến nhiều người giật mình nhưng đó là sự thật, thậm chí nhiều phòng trà phân công “lịch làm việc” cho họ chỉ 3 buổi/tuần. Đây là minh chứng rõ ràng cho lời “thú tội” của các ca sĩ theo đuổi nghiệp cầm ca vì mình là “con ma” hát. Hầu như ca sĩ nào khi được hỏi cũng trả lời đã từng hát không nhận cát-sê và hạnh phúc vì điều đó. Với họ, được đứng trên sân khấu hát là hạnh phúc, cẩu thả trong lời ca là làm tổn thương người hâm mộ và sẽ hát đến lúc nào không còn sức nữa thì thôi.

Bài, ảnh: MINH TÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Festival Huế - Thương hiệu, đẳng cấp, hấp dẫn

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã trở thành một sự kiện được chú ý trong hệ thống các Festival trên thế giới.

Festival Huế - Thương hiệu, đẳng cấp, hấp dẫn
Cơ hội quảng bá ẩm thực Huế

Là điểm nhấn ý nghĩa thu hút du khách và người dân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, không gian trải nghiệm ẩm thực, thơ, áo dài trong khuôn khổ Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 tại Công viên Thương Bạc diễn ra từ ngày 27/4- 1/5 đã mang đến một địa điểm vui chơi, trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực các vùng miền trong cả nước, tạo nên không khí sôi động, nhộn nhịp cho kỳ nghỉ lễ dài.

Cơ hội quảng bá ẩm thực Huế
Huế tạo bức tranh lớn về du lịch

Tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách quốc tế cũng như sự ghi nhận của báo chí và những tổ chức du lịch uy tín hàng đầu thế giới, mở ra cơ hội để Huế tạo được một bức tranh lớn về du lịch. Du lịch Huế 2024 và những năm tiếp theo sẽ là những gam màu sáng.

Huế tạo bức tranh lớn về du lịch
Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử

Ngoài hệ thống di sản Huế, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến tham quan, dâng hương tưởng niệm các điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn tỉnh, đông nhất tập trung ở Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây) và Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu (phường Trường An, TP. Huế).

Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử
Những ẩn hiện và thông điệp đời sống được đưa lên tranh

Sau thời gian trưng bày ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, những tác phẩm thắng giải cuộc thi UOB Painting of the year 2023 đã được ban tổ chức đưa đến Huế để công chúng thưởng lãm. Ở đó những tác phẩm như đưa người xem lạc lối những khoảnh khắc dịu dàng đan xen giữa những rối ren, mệt mỏi của đời sống hiện đại.

Những ẩn hiện và thông điệp đời sống được đưa lên tranh
Return to top