ClockThứ Năm, 14/07/2011 14:11

Vẽ để giữ gìn bản sắc văn hóa Việt

TTH - Sáng tạo, chịu khó tìm tòi khám phá, nắm vững kỹ thuật và lặng lẽ làm việc là những gì tôi hình dung về họa sĩ Nguyễn Đình Dàng qua lời giới thiệu của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Ấn tượng về người họa sĩ trẻ có đóng góp kha khá trong giới mỹ thuật nhưng không thích phô trương, tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Quang Bích. Trong đầu phác thảo nhiều câu hỏi trong tình huống Nguyễn Đình Dàng không chịu chia sẻ như cảnh báo của họa sĩ Đặng Mậu Tựu. May thay, anh không đến nỗi kiệm lời.

Họa sĩ Nguyễn Đình Dàng sinh năm 1978 tại huyện Quảng Điền. Từ nhỏ, Dàng đã có năng khiếu và đam mê hội họa. Anh vẽ khá nhiều tranh thiếu nhi. Lớp 9, Dàng đã tập tành với điêu khắc. Tốt nghiệp phổ thông, anh thi vào Trường đại học Nghệ thuật Huế. Tốt nghiệp thủ khoa Khoa Hội họa năm 2003, anh tiếp tục “bôn ba” ở Hà Nội 2 năm nữa để nghiên cứu thêm về sơn mài. Sau khi thấy “đủ lực”, Nguyễn Đình Dàng trở về Huế mở xưởng vẽ. Anh tâm sự: “Sơn mài là nghệ thuật vẽ truyền thống mang đậm tính dân tộc và khá nổi tiếng trên thế giới của Việt Nam. Từ nhỏ tôi đã mê sơn mài và bị nó lôi cuốn. Sức hấp dẫn của kỹ thuật sơn mài phải kể đến màu nước, cách tạo màu và đặc biệt là phương pháp sử dụng những nguyên liệu tự nhiên”.

 

Bắt đầu nghiệp vẽ với những bức tranh khổ nhỏ rồi lớn hơn. Khi đã đủ độ chín, Nguyễn Đình Dàng tham dự các cuộc triển lãm trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Tranh của anh từng tham dự triển lãm ở Thái Lan. Anh không nhớ nổi mình đã vẽ bao nhiêu tác phẩm. Bây giờ, dù “gia tài” đã kha khá, Nguyễn Đình Dàng vẫn cẩn trọng chờ ngày đủ “chín” mới tổ chức triển lãm riêng. Anh luôn ấp ủ dự định mang tranh đến triển lãm ở những vùng đất anh từng đến và gắn bó.
 

Tác phẩm “Âm hưởng”

 
Các tác phẩm của Nguyễn Đình Dàng không chỉ gây ấn tượng với người thưởng lãm bởi màu sắc tinh tế, bố cục hài hòa mà còn thấm đẫm “chất đời” và cái hồn của văn hóa, con người Việt Nam. Không rắc rối, cầu kỳ, tranh anh là những nét vẽ rõ ràng, thu hút trong không gian sống động. Anh vẽ theo cảm xúc, dùng nét vẽ ghi lại những gì mình bắt gặp qua những chuyến đi, qua hoài niệm và ký ức. Anh không sử dụng các chất liệu công nghiệp, sợ phá vỡ sự lung linh, huyền ảo của tranh sơn mài truyền thống mà lặn lội lên tận Phú Thọ để tìm mua chất liệu tự nhiên.
 
Từng vẽ nhiều tác phẩm về sen, thiếu nữ nhưng anh định hình phong cách của mình với chủ đề dân tộc và bản sắc văn hóa. Nguyễn Đình Dàng chia sẻ: “Vẻ đẹp văn hóa của các vùng miền luôn làm tôi say mê và muốn lưu giữ trong từng bức tranh. Đó là cách tôi bảo vệ bản sắc văn hóa Việt”. Trong tranh Nguyễn Đình Dàng, dễ bắt gặp những cảnh vật, con người mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa Việt. Những tác phẩm vẽ về văn hóa truyền thống như: Bảo tàng, Hóa thạch, Âm hưởng,Thiêng... đưa người xem vào miền ký ức với vẻ đẹp của văn hóa Chăm, kinh đô xưa hay cội nguồn của người Việt... Dường như trong ấy, anh bộc lộ niềm yêu thương, nhớ nhung và day dứt. Tranh của anh thường sử dụng những gam màu nóng: trắng, đen, đỏ - vốn là màu chủ đạo của nghệ thuật sơn mài đem lại cho người xem cảm xúc mạnh mẽ và ấm áp. Như trong tác phẩm Tiếng đàn đá, anh sử dụng màu đỏ của bazan để lưu lại âm sắc Tây Nguyên. Không chỉ vậy, tranh của Nguyễn Đình Dàng vẫn gây ấn tượng mạnh với người xem khi sử dụng gam màu lạnh. Những gam màu lạnh trong các tác phẩm Cô lập, Nguyện cầu vẽ về trận lụt lịch sử ở Quảng Bình gợi cho người xem cảm giác mất mát, tang thương...
 

Tác phẩm “Cô lập”

 

 Tác phẩm “Nguyện cầu”

 
Vẽ là lẽ sống, anh miệt mài lao động một cách lặng lẽ để định hình phong cách. Để tìm cảm hứng sáng tác, anh đi khắp mọi miền đất nước. Không đến những thành phố lớn, chốn phồn hoa đô hội, anh tìm về những vùng đất văn hóa, những con người bình dị, nhất là những vùng đất đông người dân tộc thiểu số sinh sống, từ Nam Đông, A Lưới đến các tỉnh Tây Nguyên... Nguyễn Đình Dàng bộc bạch: “Là họa sĩ, hãy cứ miệt mài đi và vẽ điều mình cảm nhận được. Phải đi, phải cảm để nét vẽ không khô cứng và có cảm xúc. Từ đó thể hiện cái tôi cá tính riêng của mình”.
 
Trang Hiền

Họa sĩ Nguyễn Đình Dàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

TIN MỚI

Return to top