ClockThứ Sáu, 04/08/2017 10:02

Viết tiếp câu chuyện công nữ Ngọc Vạn: Hậu duệ còn ở Huế ?

TTH - LTS: Trong số báo Thừa Thiên Huế ngày 12/5/2017 đã đề cập đến những thông tin mới, khác lạ về công nữ Nguyễn Thị Ngọc Vạn, người được gọi là công chúa Huyền Trân thứ 2, con chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Trong bài viết này, chúng tôi xin thông tin thêm với những phát hiện mới khá lạ lùng.

Bí ẩn về một công nữ được mệnh danh Huyền Trân công chúa thứ 2

Cựu trưởng làng Dã Lê Thượng, cụ Nguyễn Viết Truyền, bên lăng mộ công nữ Ngọc Vạn

Trong quá trình tìm hiểu về hành trạng của công nữ Ngọc Vạn, chúng tôi đã tiếp xúc với các tộc trưởng của hai làng Dã Lê Chánh (xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy) và Dã Lê Thượng (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy). Các tộc trưởng của hai làng đều nói về một nhân vật có tên là “bà quận” và “quận Vàng”. Cụ Nguyễn Đắc Nghinh, cựu trưởng làng Dã Lê Chánh, gần 100 tuổi, cho biết: “Nghe các cụ xưa kể lại là bà quận có ơn với làng Dã Lê xưa nên làng thờ. Sau này, tách thành hai làng Chánh và Thượng thì bên lo mộ, bên lo miếu. Lâu năm quá rồi nên người Dã Lê Chánh không biết mộ bà ở mô”.

Chúng tôi được mời dự lễ tế bà quận (cách gọi tôn kính, kiêng húy) của người làng Dã Lê Chánh. Một lễ tế trang nghiêm, có đầy đủ tất cả các tộc trưởng, các cựu trưởng làng và người dân xóm miếu, nơi có miếu thờ công nữ Ngọc Vạn và các miếu thờ các vị khai cơ của làng. Bác Nguyễn Hữu Tường, trưởng làng Dã Lê Chánh, cho biết thêm: “Làng cứ tới ngày là làm lễ tế cho bà quận. Thời quân chủ, mỗi lần tới lễ tế bà quận, triều đình có cấp tiền mua heo, mua nếp. Sau này, làng tự lo lấy”.

Có cùng trách nhiệm, làng Dã Lê Thượng hàng trăm năm qua lo mộ phần của công nữ Ngọc Vạn. Cụ Nguyễn Duy Trợ, cựu hội đồng làng Dã Lê Thượng, cũng gần 100 tuổi, kể rằng: "Mộ bà quận xa (ở vùng núi Bằng Lãng, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy; cách làng Dã Lê Thượng chừng 7km về phía tây bắc), đi đường đồi núi nên khi có việc là các cụ hội đồng (thường cao tuổi) đi từ rất sớm. Người lo cúng trên mộ phải là lý trưởng hoặc trưởng làng, vài ba người đi theo mang vác lễ vật. Một lần đi cúng ở mộ bà thì phải có một đại diện của người họ Nguyễn Đình con cháu của bà".

Trao đổi thêm với cụ Nguyễn Viết Truyền, cựu trưởng làng Dã Lê Thượng, được biết họ Nguyễn Đình được cụ Nguyễn Duy Trợ nhắc đến hiện nay là 1 trong 5 họ Nguyễn Đình của làng Dã Lê Thượng, do ông Nguyễn Đình Tứ, hiện ở tại kiệt 7 đường Nguyễn Duy Cung, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, làm tộc trưởng. Họ Nguyễn Đình này có vai vế lớn trong làng và từ rất lâu rồi, con cháu họ này nhận mình là con cháu của “quận Vàng” (cách gọi kiêng húy về công nữ Ngọc Vạn). Con cháu họ này còn có cách gọi khác là “cô bà Vàng”.

Gặp ông Nguyễn Đình Tứ (tộc trưởng, đời 14) và được ông cho xem gia phả, bài vị để xem có manh mối gì liên quan công nữ Ngọc Vạn hay không. Tuyệt nhiên, chúng tôi không thấy bất cứ manh mối nào. Chỉ thấy trong gia phả có một người tên Nguyễn Thị Vàng, nhưng lại là con gái của họ và thuộc đời thứ 9. Khi được hỏi vì sao con cháu dòng họ này lại nhận là con cháu của “bà quận Vàng”, ông Nguyễn Đình Tứ cho biết: “Đời cha, đời ông truyền lại cho con cháu chúng tôi rằng mình là con cháu của bà thì mình làm sao quên được. Cả làng ai cũng biết”. Các tộc trưởng của làng Dã Lê Thượng cũng cho biết như thế, rằng đó là những người con cháu của “bà quận” và khi làng có việc, họ Nguyễn Đình dù chẳng làm việc gì cả nhưng luôn được tôn trọng.

Đến lăng công nữ Ngọc Vạn dâng hương và tìm hiểu người dân quanh đó. Được biết, trước năm 1945, có người họ Trần ở làng Kim Ngọc (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) nhiều đời làm lính coi lăng và được canh tác ở khu đất gần đó. Người cuối cùng làm lính hộ lăng chỉ có con gái nên hiện nay cháu ngoại của người lính đó vẫn còn ở phía sau lăng công nữ Ngọc Vạn. Việc cúng tế và chăm sóc mộ phần của công nữ Ngọc Vạn sau năm 1945 vẫn được người làng Dã Lê Thượng duy trì cho đến nay. Sau năm 1975, có những lúc khó khăn, tuy nhiên, đại diện họ Nguyễn Đình vẫn tiếp tục duy trì.

Đáng chú ý là, trong câu chuyện được nhắc về công nữ Ngọc Vạn của cả hai làng Dã Lê Chánh và Dã Lê Thượng, công nữ hiện thân như người có công với làng (khi đó chưa chia thành hai) khi nhờ công nữ mà người Dã Lê khỏi phải sưu dịch trong thời gian dài theo chính sách của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Có lẽ, với vai trò khá lớn (hiện nay thiếu tài liệu để hiểu rõ hơn) của công nữ Ngọc Vạn thì bà mới có thể tác động đến chính sách sưu dịch đó của chính quyền chúa Nguyễn.

Cũng nhờ công nữ Ngọc Vạn, thời ấy, làng Dã Lê trở nên có vai vế hơn khi được trực tiếp phủ chúa quản lý. Mục lục (một loại bảng kê công việc) của làng Dã Lê Thượng được sao lại vào năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) cũng cho biết thêm về vị trí của làng so với các làng khác: “Năm Đinh Tỵ (1677), bổn thôn có công, Quốc cô bà quận Vạn đã trình (tờ) thân với Đức Triết vương (tức chúa Nguyễn Phúc Tần) cho xã thôn được lệ thuộc vào Nội phủ”. “Lệ thuộc vào Nội phủ” có nghĩa là Dã Lê được phủ chúa quản lý trực tiếp giống như một đơn vị hành chính trực thuộc vậy. Câu hỏi đặt ra là: tại sao một làng vào thời chúa Nguyễn lại có sự ưu ái đó?

Theo chúng tôi, công nữ Ngọc Vạn, người đang được mệnh danh là công chúa Huyền Trân thứ 2 khi nhiều người cho rằng bà có công mở mang vùng đất Đông Nam bộ trong quá trình Nam tiến của người Việt, phải là người có vai trò lớn với phủ chúa Nguyễn giai đoạn giữa thế kỷ 17 và người làng Dã Lê phải có quan hệ cực kỳ mật thiết với công nữ để công nữ giúp đỡ đến như vậy. Hơn nữa, với những chi tiết riêng thuộc về quan hệ dòng tộc của dòng họ Nguyễn Đình (hiện ông Nguyễn Đình Tứ làm tộc trưởng), phải chăng hậu duệ công nữ Ngọc Vạn vẫn còn và ở Huế ? Và, nếu công nữ Ngọc Vạn là hoàng hậu nước Chân Lạp thì tại sao ở Huế lại có những điều lạ lùng đó? Những câu hỏi đó vẫn đang chờ lời giải.

Đình Đính

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lãnh đạo tỉnh làm việc với đoàn làm phim “Hoàng hậu cuối cùng”

Chiều ngày 7/5, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Mar6 Studios liên quan đến dự án phim điện ảnh về hoàng hậu Nam Phương. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Lãnh đạo tỉnh làm việc với đoàn làm phim “Hoàng hậu cuối cùng”
Festival Huế - Thương hiệu, đẳng cấp, hấp dẫn

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã trở thành một sự kiện được chú ý trong hệ thống các Festival trên thế giới.

Festival Huế - Thương hiệu, đẳng cấp, hấp dẫn
Cơ hội quảng bá ẩm thực Huế

Là điểm nhấn ý nghĩa thu hút du khách và người dân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, không gian trải nghiệm ẩm thực, thơ, áo dài trong khuôn khổ Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 tại Công viên Thương Bạc diễn ra từ ngày 27/4- 1/5 đã mang đến một địa điểm vui chơi, trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực các vùng miền trong cả nước, tạo nên không khí sôi động, nhộn nhịp cho kỳ nghỉ lễ dài.

Cơ hội quảng bá ẩm thực Huế
Huế tạo bức tranh lớn về du lịch

Tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách quốc tế cũng như sự ghi nhận của báo chí và những tổ chức du lịch uy tín hàng đầu thế giới, mở ra cơ hội để Huế tạo được một bức tranh lớn về du lịch. Du lịch Huế 2024 và những năm tiếp theo sẽ là những gam màu sáng.

Huế tạo bức tranh lớn về du lịch
Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử

Ngoài hệ thống di sản Huế, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến tham quan, dâng hương tưởng niệm các điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn tỉnh, đông nhất tập trung ở Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây) và Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu (phường Trường An, TP. Huế).

Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử
Return to top