ClockThứ Bảy, 11/03/2017 05:56
GẮN KẾT LỄ HỘI VÀ DU LỊCH:

Vẫn thiếu sự phối hợp

TTH - Gắn kết lễ hội với du lịch hay phát triển các lễ hội để tạo thành sản phẩm du lịch, kịch bản cũ luôn lặp lại: lễ hội hấp dẫn, thể hiện được tính nhân văn, tổ chức an toàn và nghiêm túc nhưng vẫn chưa thành “món ngon” mời chào du khách.

Vật Làng Sình hấp dẫn nhưng chủ yếu thu hút khách địa phương

Kịch bản lặp lại

Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ công lao của tổ tiên, giáo dục thế hệ trẻ thì hiện nay, lễ hội còn phải "gánh" thêm nhiệm vụ thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế. Sau khi bế mạc lễ hội Đền Huyền Trân năm 2017, Ban tổ chức thông báo có khoảng 4.000 lượt khách tham dự trong cả hai ngày diễn ra. Với con số ấy, đơn vị tổ chức khẳng định đã lớn hơn rất nhiều so với mọi năm, nhưng còn quá ít so với một lễ hội có quy mô. Điều cần nhìn nhận nữa, trong tổng số khách đến, chủ yếu là khách địa phương.

Một số lễ hội truyền thống được tổ chức đầu năm có thể kể đến vật làng Thủ Lễ, vật làng Sình, lễ hội Cầu ngư,  đua thuyền... ở các địa phương. Nếu ai có dịp về với các lễ hội này sẽ không ngớt trầm trồ vì người xem và cổ vũ rất đông. Có nhiều người đi từ lúc tờ mờ sáng mới có được một chỗ ngồi. Phòng Văn hóa Thông tin các huyện Quảng Điền và Phú Vang cho hay, khách đến xem hầu hết người địa phương, một số người ở TP. Huế và các huyện lận cận có đến, còn khách du lịch hầu như không. Riêng ở vật làng Sình, thỉnh thoảng có vài khách nước ngoài đến, nhưng đó là do tình cờ.

Trong chiến lược phát du lịch của tỉnh nhà và gần đây hơn trong cuộc họp bàn các kế hoạch phát triển du lịch năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khẳng định: “Phát triển du lịch Huế phải dựa trên nền tảng văn hóa”. Trên thực tế, trong quá trình phát triển du lịch Huế nhiều năm qua, văn hóa luôn là phần “cốt”; trong đó, các lễ hội truyền thống, lễ hội hiện đại được xác định là những sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Vì sao, các lễ hội ở Huế vẫn còn kén khách?

Hỏi qua một số doanh nghiệp đang kinh doanh lĩnh vực lữ hành đều nhận cái lắc đầu là chưa xây dựng được tour tuyến. Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho biết, hiện nay các lễ hội khó xây dựng được tour vì không có tính liên tục, đa số các lễ hội tổ chức đầu năm, không giống như một làng nghề có nghệ nhân trình diễn thường xuyên.

Ngay cả Sở Du lịch cũng đồng tình với các doanh nghiệp, khó khăn là đơn vị tổ chức thường công bố chậm lịch các lễ hội tổ chức trong năm. Ngay cả chương trình Festival Huế, khi đã công bố chương trình vẫn là dự kiến thì các lữ hành rất khó để tổ chức tour. Lỡ xây dựng rồi, chương trình không diễn ra nữa sẽ làm mất uy tín, nên chỉ khi khách yêu cầu mới tiến hành xây dựng.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đánh giá, du khách đến với các lễ hội chưa đông vì nhiều nguyên nhân: du khách đến Huế thường chú trọng tìm hiểu, tham quan các loại hình di tích lịch sử, đây là sản phẩm du lịch chủ lực; khác với các địa phương miền Bắc, lễ hội thường tập trung vào dịp Tết, kéo dài nhiều tháng, ở miền Trung người dân đi du lịch lễ hội, du xuân không nhiều, thường kết hợp đúng dịp thì tham dự; một số Lễ hội Cầu ngư, Sóng nước Tam Giang, Lăng Cô vịnh đẹp... do các địa phương tổ chức khá hấp dẫn nhưng do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, tính thường xuyên, chu kỳ tổ chức chưa được ổn định và công bố rộng rãi.

“Món ngon” khi nào mới dọn

Thừa Thiên Huế từ lâu được xem là vùng đất của lễ hội, có nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc và những nét đặc sắc riêng của văn hóa Huế. Để các hoạt động lễ hội trở thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ du khách, cần nghiên cứu để bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống, loại bỏ dần các yếu tố lạc hậu; khôi phục, giữ lại nét riêng của mỗi lễ hội, gắn với truyền thống để quảng bá và phát triển du lịch ở địa phương; tiến hành phân loại lễ hội, tăng cường công tác quản lý để việc tổ chức lễ hội ngày càng khoa học, có ý nghĩa; phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố hiện đại. Xây dựng và công bố sớm kế hoạch tổ chức các hoạt động lễ hội để cho người dân và du khách hiểu và tham gia; đồng thời tạo điều kiện để các công ty lữ hành chủ động trong việc xây dựng tour tuyến phục vụ khách du lịch.

Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển du lịch- Sở Du lịch cho biết, các lễ hội phần lớn do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức, trong khi đó để thu hút khách thì cần có sự quảng bá, giới thiệu, kết nối lữ hành để xây dựng tour thì lại thuộc Sở Du lịch. Trước đây, khi chưa tách sở, việc thu hút khách đã khó, giờ tách sở rồi, sự phối hợp sẽ còn khó hơn.

“Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp để có kế hoạch quảng bá các giá trị văn hóa của lễ hội, thu hút du khách và tổ chức tốt cho khách tham gia. ác hoạt động du lịch đều phát xuất từ các sản phẩm văn hóa, do đó việc tham gia của mỗi đơn vị sẽ góp phần làm nên thành công chung cho địa phương”, ông Phan Tiến Dũng khẳng định.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 500 lễ hội được tổ chức theo định kỳ. Trong đó có 65 lễ hội tiêu biểu được đưa vào danh mục kiểm kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 25 lễ hội được đưa vào danh mục xúc tiến quảng bá du lịch bao gồm các lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội tôn giáo, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội mới.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều
Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp

Mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cấp tỉnh ra đời mới đây được kỳ vọng là “lời giải” cho bài toán tuyển sinh - tuyển dụng, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động (LĐ).

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Return to top