ClockThứ Tư, 29/08/2012 14:41

Vang danh Lễ Trai Đặng Văn Hòa

TTH - Đặng Văn Hòa, hiệu là Lễ Trai, Đặng Văn Hòa là "nguyên lão tứ triều" làm quan từ thời Gia Long đến thời Tự Đức. Đại Nam thực lục tập 16 đã ghi lại lời khen tặng của vua Minh Mạng: "Đặng Văn Hòa tài cao đức trọng, giỏi chính sự, biết khuyến khích, hướng dẫn dân, khiến nhân dân yên vui làm ăn".

Người dân Thừa Thiên xưa có câu truyền tụng: “Nhất Thân, nhì Đặng, tam Hà” để chỉ về những dòng họ có nhiều người học hành đỗ đạt làm quan to. Họ Đặng, ngoài Đặng Văn Hoà còn có Đặng Huy Tá, Đặng Huy Trứ, Đặng Huy Cát, Đặng Hữu Phổ...

Tấm bia đá cổ mang dấu tích của Lễ Trai Đặng Văn Hòa tại nhà thờĐặng Huy Trứ

Tiếng thơm lưu truyền

Đặng Văn Hòa sinh trưởng ở làng Thanh Lương, huyện Hương Trà. Sau khi con trai Đặng Huy Cát lấy Thái trưởng công chúa Tĩnh Hoà, (con gái thứ 34 của vua Minh Mạng), ông dâng sớ xin đổi tên là Đặng Văn Thiêm. Đặng Văn Hòa là người đỗ hương cống trong kỳ thi Hương đầu tiên dưới thời Gia Long; lần lượt làm quan ở nhiều tỉnh, thành: Thanh Hóa, Hà Nội - Ninh Bình, Nam Định - Hưng Yên, Bình Định - Phú Yên, Gia Định - Biên Hoà… 17 năm gắn bó với miền Bắc, Đặng Văn Hòa khiến sĩ phu Bắc Hà kính phục bởi nhiều việc làm nổi tiếng như: trùng tu chùa Một Cột, lập miếu thờ Hỏa thần, tu sửa Khuê Văn Các, lập nghĩa trang và đàn cúng “Nghĩa trủng lệ đàn” ở khu vực chùa Đồng Quang, vẽ bản đồ Hà Nội… Đặc biệt, ông là người quan tâm, chăm lo đến việc khoa cử, coi trọng năng lực thực chất của sĩ tử. Dân chúng Hà thành đương thời lưu truyền bài vè ngưởng mộ ông: “So công đức ai bằng quan họ Đặng/ Nhà nam bắc gặp hội thanh bình/ Vâng ơn trên ra tỉnh Hà thành/ Ngôi đại hiến mọi bề then khoá/ Từng năm thứ thanh cần tấc dạ/ Mười hai năm lịch duyệt đã nhiều lần”...
 
Đặng Văn Hòa nổi tiếng là người thanh liêm, cương trực, yêu nước, ứng xử rất thông minh trong lĩnh vực ngoại giao. Năm 1831, sau khi cầm quân đánh tan quân Thanh xâm chiếm Phong Thổ (thuộc địa bàn huyện Lai Châu bấy giờ) thu hồi lại đất đai, ông trả khí giới và tù binh cho nhà Thanh, giữ quan hệ giao hảo ở vùng đất biên giới này. Trong tác phẩm Nhĩ hoàng di ái lục của Đặng Huy Trứ (là cháu gọi Đặng Văn Hòa bằng bác ruột) kể lại, thì Ngô Đại Hoà, một thuyền buôn nhà Thanh bị cướp trên biển, thuyền ghé vào cửa biển ở Nam Định. Có người biết chuyện tâu trình về Hà Nội xin Đặng Văn Hòa cứu giúp. Các quan Bố chính, Án sát lo ngại lệnh cấm xuất khẩu gạo nên đợi xin ý chỉ triều đình. Tuy nhiên, Đặng Văn Hòa cho rằng: “Lệnh cấm của triều đình là để ngăn chặn bọn gian thương. Làm quan phải quyền biến để cứu giúp người bị nạn. Người ta bảy ngày không được ăn thì có thể chết. Nếu đợi xin chỉ dụ của triều đình thì làm sao tỏ được lòng tốt với người phương xa đến”. Rồi lập tức cho vận chuyển gạo đến cứu giúp. Cho phép họ được tuỳ nghi trao đổi hàng hóa lấy gạo, miễn thuế cảng, tạo điều kiện cho họ về quê. Những việc làm này khiến người dân khắp nơi kính phục tấm lòng nhân nghĩa của vị quan người Thừa Thiên.
 

Chiếc cầu Ơn Ông hiện nằm cạnh trạm bơm làng Thanh Lương

 
Dấu tích còn lại
 
Đặng Văn Hòa từng giữ chức Thượng thư 5 bộ: Binh, Hình, Lễ, Công, Hộ; 3 lần tham gia Viện Cơ mật dưới 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, 2 lần được cử làm giám khảo kỳ thi Hội năm 1851 và 1856, chủ khảo trường thi Hương Nghệ An, được sung chức Tổng vựng cùng làm bộ Đại Nam sự lệ hội điển. Ông là một trong những vị đại thần từng xướng họa văn thơ với vua Minh Mạng, Thiệu Trị… Sách Đại Nam thực lục trong 24 tập từ tập IV cho đến tập XXVIII trên 309 trang đã ghi chép hành trạng của ông (từ khi ông mới ra làm quan năm 1822 đến khi ông mất năm 1856) về các mặt thủy lợi, đê điều, nông nghiệp, kinh tế, văn hóa, nhân chính... Khi mất, bài vị ông được biệt thờ vào đền Hiền Lương (nơi thờ các vị công thần của triều đình).
Bậc cao niên làng Thanh Lương đều tường tỏ giai thoại kể về thời niên thiếu của Lễ Trai Đặng Văn Hòa. Tên tuổi, con người vị quan yêu nước, thương dân luôn được lưu truyền. Ông Đặng Hưng Thước, người điều hành trang thông tin họ Đặng ở Thừa Thiên Huế cho biết: “Tại Thừa Thiên Huế, Đặng Văn Hòa cúng 6 quả chuông và 2 bia đá vào đình, chùa Hiền Sỹ (Phong Điền), làng Bác Vọng (Quảng Điền)… Tại chùa Thanh Lương, xã Hương Xuân, Hương Trà ông đã cung tiến chuông, tượng Phật Di Lặc, tượng hộ pháp, bộ ngũ sự gỗ thếp vàng, đối liễn… Qua chiến tranh, loạn lạc, đến nay, chùa Thanh Lương chỉ còn một quả chuông và tấm bia đá lưu lại bút tích của Lễ Trai Đặng Văn Hòa (khi ông làm Thượng thư bộ binh). Người làng Thanh Lương khi nhắc đến ông đều gọi một cách kính cẩn là Ngài Văn (Văn Minh Điện Đại học sĩ). Đặc biệt, chùa còn có pho tượng thờ được các nhà nghiên cứu cho rằng, người dân đã tạc tượng thờ để nhớ ơn Lễ Trai Đặng Văn Hòa như một vị bồ tát có công với dân làng.
 
Năm thứ 6 dưới triều Tự Đức (1853), Lễ Trai Đặng Văn Hòa xuất 115 quan tiền, giao cho viên chức giáp Nhì mua sắm gỗ làm chiếc cầu cho dân chúng đi lại thuận tiện. Người dân gọi đó là cầu Ông Ân (hay Ơn Ông) và ngày nay, cầu được bê tông hóa theo chương trình kiên cố hóa nông thôn.
 
Tại nhà thờ Đặng Huy Trứ (họ Đặng) còn lưu giữ bức kim khánh với 4 chữ “Cựu Đức Thuần Thành” (Đức xưa thành thực luyện đạt), do vua Minh Mạng ban tặng. Ngoài ra còn có 3 tấm bia đá cổ mang bút tích của Lễ Trai Đặng Văn Hòa nhưng dấu tích thời gian đã làm mòn mặt chữ, có tấm đã bị nứt gãy...
 
Theo Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh, đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ trình xin công nhận lăng mộ Đặng Văn Hòa (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) là di tích lịch sử cấp tỉnh. Với những đóng góp có ý nghĩa quan trọng trên nhiều lĩnh vực, hy vọng, tên ông sẽ được đặt cho một con đường ở thị xã Hương Trà như sự tưởng nhớ công lao của một danh nhân đối với mảnh đất này.

L.Tuệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top