ClockThứ Tư, 01/01/2014 17:19

Vị giáo già và bộ nhật ký… xuyên thế kỷ

TTH - Nhật ký thì có thể nhiều người viết, nhưng viết liên tục, viết hệ thống, và viết… xuyên thế kỷ như ông thì chắc là trên đời này hiếm có người thứ hai.

Ở Huế, rất nhiều người nghe danh và biết về nhà giáo ưu tú Thân Trọng Ninh. Không phải người ta biết ông bởi ông xuất thân từ một dòng họ thuộc hàng “danh gia vọng tộc” của đất kinh đô thuở trước - “Thân vô gia, Hà vô dân”, như người Huế đến tận bây giờ vẫn truyền khẩu. Người ta biết Thân Trọng Ninh bởi ông là một mẫu nhà giáo mực thước, suốt đời tận hiến cho giáo dục, cho khoa học. Người ta còn biết đến Thân Trọng Ninh bởi ông nổi tiếng cả nước do đã có công lớn trong việc phát hiện, bảo vệ và công bố về sự hiện diện của cây bao báp ở Huế...

Những cuốn nhật ký đã là một phần không thể thiếu trong đời sống của thầy giáo Thân Trọng Ninh

Năm 1982, tôi được nghe ông nói chuyện trong không gian hẹp của lớp 12Đ Quốc Học. Lúc đó ông là Hội trưởng Hội phụ huynh lớp tôi do có người cháu mà ông nhận nuôi dưỡng cũng đang là học sinh của lớp. Lâu quá, cũng không nhớ ông đã nói những gì. Chỉ nhớ rằng, được chứng kiến một nhà giáo tên tuổi, phong thái đĩnh đạc, trí thức, trong lớp đứa nào cũng nể phục. Người Hội trưởng phụ huynh của lớp dường như đã truyền lửa ước mơ cho không ít bạn bè tôi. Để bây giờ, nhiều bạn cũng trở thành nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ, nhà ngoại giao…

Trang nhật ký đầu tiên đề ngày 6/9/1945

Hơn ba mươi năm, bây giờ gặp lại, ông đã bước qua tuổi 90. Công việc làm báo đã tạo cơ hội cho tôi được trò chuyện với ông nhiều lần. Tuổi đã lớn, bước đi đã chậm, nhưng ông vẫn đang còn rất minh mẫn. Thỉnh thoảng, ông lại gửi cho chúng tôi một vài bài viết mới. Ông viết về những chuyện hiếm, chuyện “độc”, những câu chuyện gắn với lịch sử nước nhà mà ông là chứng nhân. Có những chuyện tận “đời nảo đời nào”, nhiều người không hiểu tại làm sao mà với cái tuổi ngoại cửu tuần mà ông vẫn nhớ rất cụ thể tháng ngày, tên đất, tên người mồn một cứ như mới xảy ra hôm qua vậy? Trong một lần trò chuyện, ông bật mí cho tôi biết là ông nhờ… nhật ký. Nhật ký thì có thể nhiều người viết, nhưng viết liên tục, viết hệ thống, và viết… xuyên thế kỷ như ông thì chắc là trên đời này hiếm có người thứ hai.

Một số trong rất nhiều cuốn nhật ký của thầy giáo Thân Trọng Ninh

Trong ngôi biệt thự số 12 Phan Văn Trường, ông dẫn tôi lên thư phòng và cho tôi xem cả… 1 thùng nhật ký. Trang đầu tiên đề ngày 6-9-1945, sau ngày Tổng khởi nghĩa, viết về việc ông gia nhập Vệ Quốc đoàn:

“Tháng 9. 6 – Thấy anh em nao nức ghi tên tòng quân, mình cũng đến nha Dân vệ để tình nguyện vào nhập ngũ. Độ này gia đình tản cư lên ở Nguyệt Biều - Khám sức khoẻ xong, lên nhà nói chuyện lại với Cậu Mạ.

7- Về lại Huế rất sớm, hồi 5g30. Vào trại đóng ở trường KĐ. Đi tập ngay ngày đầu ở miếu Văn Thánh…

8- Lệnh đi xa. Cậu Mạ về thăm. Lần đầu tiên cảm thấy quyến luyến với đời sống thư sinh, tự do. Về nhà mấy bận. Hinh cũng nhập ngũ mấy ngày hôm nay rồi. Tối nay cũng ra nhà thăm. Mặc bộ áo quần lính màu xanh lơ cho ra vẻ lính chút đỉnh.

9- Đi Nong. Cậu Mạ đi đưa tại trường KĐ. Lên ô tô từ giã Huế, trời mưa, xe dột, ướt cả. Đóng tại nhà ông Viên Cò… Bữa cơm ăn dưới ánh đuốc, ngon lành. Các chị nữ sinh coi việc thổi nấu. Gặp mộ Ký ở gần đó.

Vào Đoàn VII có Doanh (Trần Ký), Ân (Đoàn), Dương (Nguyễn), Minh (Nguyễn Hữu) là những bạn học lớp toán vừa rồi. Cả đoàn phần đông là học sinh…

11 - Tin phái đoàn Đồng minh sắp qua Nong, cả đoàn ra đón chào ở đầu cầu. Treo khẩu hiệu mà anh em tự nghĩ ra… Có 4 chiếc ô tô chạy rất mau từ Touran ra, dường như không để ý đến Đoàn VII đang bồng súng chào ngay đầu cầu. Lạ nhỉ!

13- Đi tập ở La Hy, trên con đường số 14. Hát hò nên quên được mưa gió. Hôm nay tập dàn trận. Cảnh vùng này hoang vu, mênh mông đồi núi. Mùa sim, cây nào cũng đầy trái, làm anh em đôi lúc quên cả kỷ luật…”

Năm 1950, từ Nghệ An, ông nhận lệnh vào Thừa Thiên để tham gia giảng dạy tại Trường kháng chiến Nguyễn Chí Diểu (Phong Chương). Từ Nghệ An, ông và một người bạn tên Đắc chia tay bạn bè, đồng nghiệp để sang ga Hà Tĩnh, từ đó vừa đi xe goòng, vừa đi tàu lửa, mất 20 ngày mới đến được Phong Chương. Trong chuyến đi này, ông may một chiếc túi đặc biệt, bỏ cuốn nhật ký vào và đeo sát trước ngực như một bảo vật. Ông bảo, tư trang hành lý có thể mất hết, nhưng cuốn nhật ký thì không thể mất được. Nó vừa như người thân, như người bạn tri âm mà ông không thể rời xa trong những tháng năm dài theo kháng chiến.

Hỏi từ đâu mà ông nảy sinh ý tưởng viết nhật ký, ông cười hồn hậu: “Tôi được biết cụ cố của mình là ngài Thân Trọng Huề (Cơ mật viện Đại thần, Thượng thư lưỡng bộ: bộ Học và bộ Binh, kiêm Đô Ngự sử Viện Đô sát dưới triều Khải Định. Năm 1925, ông được gia phong hàm Thái tử Thiếu bảo - NV) trước đây cũng viết nhật ký, nên tôi bắt chước. Hơn nữa, tôi là nhà giáo. Ban ngày đi dạy, tối ngồi soạn bài. Người Huế xa nhà, không người thân bên cạnh nên sau mỗi tối soạn bài như thế tôi chỉ còn thú vui viết nhật ký. Nó làm tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, lại vừa giúp giải toả những stress mà mình va vấp hàng ngày…”.

Có những giai đoạn khó khăn, giấy bút là vật xa xỉ, ông phải tận dụng những cuốn lịch đủ kích cỡ để viết nhật ký. Thói quen viết nhật ký theo ông cho đến tận bây giờ.

- Nay thì lười rồi, chỉ gạch đầu dòng, viết vắn tắt thôi - ông lại cười - Còn như trước thì tuỳ cảm hứng. Có những đêm giao thừa, thời khắc thiêng liêng, lúc mà các gia đình đều quây quần đầm ấm, còn mình thì lại một thân một mình nơi đất khách, nhớ nhà da diết, cảm hứng trào dâng, vậy là viết, viết thật nhiều.

Cần mẫn viết như thế suốt gần 7 thập kỷ, bây giờ nhật ký của ông không tính được bằng quyển nữa mà phải tính bằng… thùng! Trong đó chuyển tải nhiều tâm sự, nhiều câu chuyện dài hơn cả đời người. Chuyện gia đình, chuyện tình duyên, chuyện bạn bè, thế sự, chuyện toàn quốc kháng chiến (1946); chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng Thủ đô (1954); chiến tranh phá hoại của Mỹ tại miền Bắc (1964 - 1968, 1972); Xuân Mậu Thân 1968; Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975)… tất cả đều được ông tỉ mẫn chép vào nhật ký. 

Những cuốn nhật ký giờ đây được ông nâng niu, cẩn thận xếp đặt theo từng năm. Và khi cần viết lách, đụng đến sự kiện gì là ông lại tìm nhật ký của năm ấy, tháng ấy mà tra cứu. Và trong hàng ngàn trang nhật ký ấy, nếu chọn lọc để in, không khéo đó sẽ là một cuốn sách được bạn đọc săn tìm. Tôi buột miệng và hình như cũng bắt gặp sự đồng cảm từ vị giáo già…

Bài và ảnh: Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top