ClockThứ Tư, 11/03/2020 09:13

Việc cần làm và nên duy trì

TTH - Ma túy từ chỗ tép, gam,… nay thì tang số bị phát hiện, bắt giữ đã lên đến con số hàng tấn! Ma túy từ chỗ chỉ có “ngoài xã hội”, nay không chỉ ngấp nghé mà đã vào tận lớp học…

Bắt một học sinh bán ma túy cho con nghiệnĐừng để trẻ em nhờn luật quá sớm

Việc cần làm và nên duy trì - Lứa tuổi phổ thông thường rất "nhạy cảm" và gây lo lắng cho phụ huynh (ảnh minh họa)

Lứa tuổi từ cuối cấp trung học cơ sở đến các lớp phổ thông trung học thường là lứa tuổi rất nhạy cảm, lứa tuổi mang lại nhiều lo lắng, bất an đối với các bậc phụ huynh. Ở lứa tuổi này, các cháu trưởng thành thì chưa trưởng thành, mà trẻ con thì không còn là trẻ con nữa. Tâm sinh lý thay đổi, muốn thể hiện, muốn khám phá, muốn khẳng định mình, trong lúc bản thân các cháu lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, chưa đủ “nội lực” để tránh những cám dỗ, những cạm bẫy giăng mắc chực chờ từng ngày… Sơ sẩy một tí là hư hỏng, đã có không ít gia đình tan nát vì con hư mà hẳn ai cũng biết, cũng quen ít nhất là vài ba trường hợp phải chăng là tiếng chuông cảnh báo cho toàn xã hội?

Là một phụ huynh có con đang ở lứa tuổi này, thấy nhiều “tấm gương tày liếp” trước mắt nên tôi ngày nào cũng lo ngay ngáy, luôn để ý, quan sát nhất cử nhất động của con mình. Mê điện tử cũng đáng sợ, yêu đương cũng…ngao ngán, tỷ số, cá độ càng khiếp đảm, nhưng có lẽ kinh hoàng nhất là nghiện ngập, hút chích. Ma túy từ chỗ từng tép, từng gam, dần chuyển lên lạng, lên kg, nay thì tang số bị phát hiện, bắt giữ đã lên đến con số hàng tấn!!! Ma túy từ chỗ chỉ có “ngoài xã hội”, nay không chỉ ngấp nghé mà đã vào tận lớp học. Hỏi sao không lo lắng, không cảnh giác?!!

Một hôm, ngồi trò chuyện với con, nói xa, nói gần để cảnh báo cu cậu phải biết khôn ngoan, phải biết sợ mà chủ động tránh xa các chất ma túy. “Con phải coi chừng, ban đầu nó dụ dỗ cho bọn con hút cần sa, cỏ mỹ, dần dà “nâng đô”, sẽ qua chích, hít heoroin, lắc, ma túy đá, rồi tàn đời…”. Nghe tôi cảnh báo, cu cậu cự cãi: Cỏ, heroin, “đập đá” mới hại não, cần sa thì có chi mô mà lo, ba? Tôi sững người, toát cả mồ hôi. Vội mở mạng search, đây rồi, cả một lô bài viết. Chỉ cho cu cậu 1 bài để đọc, nội dung rất rõ ràng, có thể tóm lược thế này: Cần sa được Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa là một loại ma túy lấy từ cây dầu gai có tên là Cannabis Sativa. Chất hóa học có tác dụng mạnh trong cây cần sa được gọi là THC (Delta 9 tetrahydrocannobinol); tiếng lóng hiện nay gọi là “bồ đà”, “bu”, “cỏ”, “tài mà”, “pin”… Cần sa có tính gây nghiện rất cao, tính chất gây nghiện của cần sa cũng giống như heroin, người sử dụng càng ngày càng muốn tăng liều. Nó gây tác động lên hệ thần kinh trung ương gây ra ảo giác rất nguy hiểm, người sử dụng sẽ không làm chủ được hành vi, từ đó dẫn đến các hành vi như chém giết người khác, tự chém bản thân hoặc tự tử. Không chỉ khiến người dùng mất kiểm soát hành vi (do bị ảo giác sau khi dùng cần sa), hay rối loạn trí nhớ ngắn hạn, cần sa còn khiến người dùng suy giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp. Một vài nghiên cứu cho thấy trong cần sa có nhiều chất ung thư hơn thuốc lá tới 50-60%....

Đọc xong bài viết, thằng bé có vẻ ngỡ ngàng, và tôi nghĩ có lẽ bạn bè cháu cũng không ít đứa ngỡ ngàng như thế. Chợt thấy chông chênh và lo lắng vô cùng. Mọi sự vấp ngã đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết. Không hiểu biết, không ý thức được sự nguy hiểm của cần sa, ma túy… các cháu làm sao có thể có sự cảnh giác cần thiết để mà phòng tránh?!!

Vừa rồi, thấy ngành giáo dục có tổ chức cuộc thi viết về văn hóa đọc, về hiến kế cho địa phương giàu đẹp… Tất nhiên là cũng hay, cũng cần thiết, nhưng có lẽ sẽ hữu ích, cần thiết và thiết thực hơn nếu tổ chức cho các cháu tham gia cuộc thi viết tìm hiểu về ma túy: Những tên gọi, cách nhận diện, những tác hại… Cuộc thi này bắt buộc phải có, và phải viết tay. Như thế càng tốt, dù muốn dù không, khi viết các cháu sẽ ít nhiều ngấm và hiểu. Rất có ích. Cuộc thi này cũng nên có trao thưởng trang trọng để khích lệ, có tính điểm thi đua để giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự lớp “hò hét” đốc thúc, và nên duy trì thường xuyên hàng năm, hoặc hàng học kỳ để bất kỳ em học sinh nào, thế hệ học sinh nào cũng buộc/được tham gia. Nếu đủ điều kiện, có thể tiến đến mở rộng thêm hình thức thi sân khấu hóa để tăng tính hấp dẫn, hào hứng, dễ tiếp thu cho các bạn trẻ.

Không biết có chủ quan không, nhưng tôi nghĩ, các bậc phụ huynh chắc hẳn sẽ rất ủng hộ điều này. Vì sao, vì giáo dục để học sinh nói riêng, thế hệ trẻ nói chung được trang bị những kiến thức về ma túy mà biết sợ, biết phòng tránh, đó là việc làm hết sức thiết thực cho chính hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự lành mạnh, phồn vinh của toàn xã hội. Vậy, hà cớ gì mà không ủng hộ?

Bài, ảnh: Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học

Qua gần 1 năm học triển khai đại trà ở cấp tiểu học, giáo dục STEM lôi cuốn sự hứng thú và kích thích sự sáng tạo của học sinh. Điều này được khẳng định qua các sản phẩm trưng bày tại ngày hội STEM cấp tiểu học lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào cuối tháng Tư.

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học
“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh

Ngày 4/5, Đồn Biên phòng Vinh Hiền phối hợp với Trường tiểu học Vinh Hiền (Phú Lộc) tổ chức tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh. Dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn hàng hải khu vực 2, tặng 50 áo phao cho nhà trường.

Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh
Return to top