ClockChủ Nhật, 01/01/2023 06:15

Võ Chương - người con xứ Huế vinh dự được bảo vệ Bác Hồ

TTH - Ông Võ Chương sinh ra và lớn lên ở phường Trường An, thành phố Huế. Ông sinh năm 1919, là người con thứ 10 trong một gia đình danh gia vọng tộc có truyền thống yêu nước, cha của ông là Võ Trác - một võ quan dưới thời vua Khải Định và Bảo Đại, mẹ là Phạm Thị Thâm. Anh trai của ông là Võ Cầm có ba người con là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Vợ của ông Võ Cầm, bà Lê Thị Sang là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Đội Cận vệ. Ảnh: TL

Thuở nhỏ, ông ở với gia đình và học ở trường Quốc Học Huế. Sau những năm 1940, ông ra Nghệ An và Thanh Hóa dạy học. Trong thời gian dạy học ở đây, ông được gặp đồng chí Đặng Thái Mai, đồng chí Võ Nguyên Giáp và được hai đồng chí giác ngộ theo cách mạng. Sau đó, ông chuyển ra Hà Nội vừa dạy học vừa hoạt động cách mạng. Sau Cách mạng tháng Tám, ông trở thành chiến sĩ trong Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu. Do có kinh nghiệm trong hoạt động bí mật và có thành tích chiến đấu tốt nên tháng 10/1945, ông được Bí thư Thành ủy Hà Nội giới thiệu với đồng chí Nguyễn Lương Bằng để bổ sung vào Đội Cận vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuối tháng 12/1946, sau khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành… đã phải rời Hà Nội để lên Chiến khu Việt Bắc, xây dựng căn cứ địa cách mạng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Những ngày đầu kháng chiến, theo chỉ thị của Trung ương, Đội Cận vệ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh hành quân trở lại Chiến khu Việt Bắc. Đi với Bác là bộ phận gọn nhẹ, vừa làm cảnh vệ, công tác văn phòng, thư ký, liên lạc, vừa phục vụ hậu cần, gồm 8 đồng chí: Võ Chương, Vũ Long Chuẩn, Nguyễn Văn Lý, Hoàng Văn Phúc (Văn Lâm), Chu Phương Vương, (Ngọc Hà), Nguyễn Quang Chí, Trần Đình và Nguyễn Hữu Văn. Để đảm bảo bí mật Đội Cận vệ Bác được mang tên “Đội thanh niên tuyên truyền xung phong”.

Ngày 5/3/1947, cả Đội hành quân đến xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và tạm thời dừng chân tại đây. Bác ở và làm việc tại nhà ông Hoàng Văn Nguyên. Sáng sớm ngày 6/3/1947, Bác gọi cả đội lại để nghe phổ biến tình hình cuộc kháng chiến và nêu lập trường của ta là kiên trì kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng. Bác nhắc nhở cán bộ bảo vệ phải hiểu rõ điều này. Để tỏ lòng quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và cũng là để giữ bí mật, Bác đặt tên cho 8 người trong Đội Cận vệ của mình là Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi. Lúc đó Đội Cận vệ bảo vệ đang ngồi thành vòng tròn vây quanh Bác, theo chiều kim đồng hồ Bác đặt tên mới cho từng người. Đầu tiên Võ Chương được đổi thành Võ Trường, tiếp theo Vũ Long Chuẩn thành Vũ Kỳ, Nguyễn Văn Lý thành Hoàng Hữu Kháng, Nguyễn Hữu Văn thành Tạ Quang Chiến, Hoàng Văn Phúc thành Hồ Văn Nhất, Chu Phương Vương thành Võ Viết Định, Nguyễn Quang Chí thành Hoàng Việt Thắng và người cuối cùng Trần Đình được mang tên Trần Văn Lợi.

Sau khi lên tới Chiến khu Việt Bắc, năm 1948 ông Võ Trường được Bác giới thiệu vào làm việc ở Tỉnh ủy Thái Nguyên. Sau đó ông bị lâm bệnh nặng và mất ngày 22/5/1949 tại Khu 3, An Dưỡng Đường (Quảng Ninh). Sau khi được tin ông mất, đồng chí Lê Văn Lương khi đó là Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương, đã báo với Bác và anh em trong Đội Cận vệ. Bác và mọi người vô cùng thương tiếc một đồng chí hiền lành, ít nói, chịu khó, cầu tiến và tận tâm trong công việc.

Do trong hoàn cảnh chiến tranh, thông tin liên lạc khó khăn nên gia đình không biết ông đã mất. Năm 1969, ông Thân Trọng Định (cháu ruột, gọi ông Võ Chương bằng cậu), công tác tại Bộ tư lệnh B5T8, sau khi tham gia chiến dịch Khe Sanh được ra Hà Nội an dưỡng. Trong thời gian này ông đã tranh thủ tìm gặp đồng chí Vũ Kỳ là người trong Đội Cận vệ, lúc này là Thư ký của Bác mới được biết thông tin về người cậu ruột của mình và biết ông đã mất tại Khu 3, An Dưỡng Đường (Quảng Ninh). Nhưng do còn chiến tranh, bận công tác nên ông chưa có điều kiện đi tìm.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đồng chí Vũ Kỳ lúc này là Phó Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong chuyến công tác miền Nam đã ghé vào Huế để thăm và liên hệ với người nhà đồng đội cũ của mình, nhưng tiếc thay không gặp được ai. Từ đó đến nay, thông tin về người con ưu tú của xứ Huế vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ít người biết tới.

Thật tự hào cho quê hương Trường An nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung đã có một người con vinh dự được bảo vệ Bác Hồ trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng tiếc rằng do chiến tranh kéo dài, thời gian khá lâu, thông tin ít ỏi, các nhân chứng lại không còn, nên phần mộ của ông hiện nay gia đình vẫn chưa tìm được. Hy vọng được sự quan tâm của các cấp, ban, ngành của tỉnh và Trung ương để có chế độ đối với ông Võ Chương và gia đình.

Lê Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tu bổ, trồng cây xanh tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ ở Tiểu khu 67

Ngày 19/2, Ban Quản lý Rừng phòng hộ sông Bồ phối hợp với các ban ngành tổ chức trồng cây xanh, tu bổ cảnh quan khu vực Nhà tưởng niệm liệt sĩ ở Tiểu khu 67, xã Phong Xuân (Phong Điền). Đến dự có ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các ban, ngành liên quan.

Tu bổ, trồng cây xanh tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ ở Tiểu khu 67
Tìm nữ liệt sĩ trong ảnh

Cách đây khá lâu, trong một lần trò chuyện, anh Hồ Viết Lễ (nguyên Chủ tịch UBND Phú Vang) đã cho tôi xem bức ảnh chụp ở chiến khu cuối năm 1973. Khi tôi hỏi người con gái đứng bên cạnh ông Vũ Thắng (nguyên Bí thư Tỉnh ủy) là ai, anh Lễ cho biết: Đó là chị Lành, đại diện cho xã Phú Hồ tham dự Đại hội mừng công 18 năm thắng Mỹ của quân và dân Thừa Thiên Huế.

Tìm nữ liệt sĩ trong ảnh
Return to top