Mặc dù một số chất làm ngọt có chứa calo, nhưng lượng cần thiết để làm ngọt sản phẩm rất nhỏ nên bạn sẽ hầu như không tiêu thụ calo.
Chất làm ngọt nhân tạo hoạt động như thế nào?
Bề mặt lưỡi của bạn được bao phủ bởi nhiều nụ vị giác (taste buds), mỗi nụ chứa một số thụ thể vị giác giúp phát hiện các mùi vị khác nhau. Mỗi người trung bình có 10.000 nụ nếm rải rác ở đầu lưỡi, hai bên cạnh và phía sau lưỡi, số lượng này giảm ở những người cao tuổi. Nụ nếm chất ngọt nằm ở đầu lưỡi.
Các phân tử ngọt nhân tạo đủ giống đường để khớp với các thụ thể ngọt trên bề mặt lưỡi nhưng lại quá khác so với đường để cơ thể có thể ly giải tạo năng lượng. Đây là cách mà nó tạo ra vị ngọt mà không đưa thêm calo vào cơ thể.
Chất làm ngọt nhân tạo rất phổ biến. Nhiều loại chất làm ngọt nhân tạo tồn tại, nhưng không phải tất cả đều được phép sử dụng ở mọi quốc gia. Những chất phổ biến nhất bao gồm aspartame, sucralose, saccharin, neotame và acesulfame potassium.
Ảnh hưởng của chất tạo ngọt
Một số người tin rằng chất làm ngọt nhân tạo có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và thúc đẩy tăng cân. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc thay thế thức ăn hoặc đồ uống với chất tạo ngọt tổng hợp có thể làm giảm cảm giác đói và lượng calo nạp vào cơ thể.
Đồ uống có đường nhân tạo có thể là một giải pháp thay thế dễ dàng cho những người thường xuyên uống nước ngọt và muốn giảm lượng đường tiêu thụ, từ đó làm giảm tổng lượng calo nạp vào trong ngày. Do vậy nó có ý nghĩa trong việc ảnh hưởng đến cân nặng.
Đối với bệnh tiểu đường, chất làm ngọt nhân tạo có thể giúp những người mắc bệnh tiểu đường giảm lượng đường nạp vào, từ đó làm giảm lượng đường huyết. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn về ảnh hưởng của chất làm ngọt nhân tạo trong mỗi người khác nhau vì hầu hết các kết quả không thống nhất.
Đối với sức khỏe đường ruột, chất làm ngọt nhân tạo có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột ở một số người, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận.
Đối với ung thư, dựa trên các bằng chứng hiện tại, chất tạo ngọt nhân tạo không có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư ở con người.
Nhìn chung việc sử dụng chất tạo ngọt có ít rủi ro dài hạn (tác dụng lâu dài chưa được biết rõ) và có lợi ngắn hạn trong việc giảm cân, kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt có lợi nếu sử dụng để giảm lượng đường bổ sung trong chế độ ăn uống nếu sử dụng với lượng tiêu thụ được chấp nhận do FDA công bố.
Bảo Nguyễn