Việc dùng máy tính trước khi ngủ có thể khiến bạn mất ngủ. Ảnh: D. Trương
Thế nào là ngủ đủ giấc
Thời gian ngủ đủ với mỗi độ tuổi là khác nhau. Ví dụ như trẻ sơ sinh thường có thời gian ngủ dài từ 11-12 tiếng. Đối với người trưởng thành, chỉ nên dành từ 7-8 tiếng cho giấc ngủ là vừa đủ và tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, ngủ ngày quá nhiều cũng sẽ gây nên nhiều bệnh lý. Giấc ngủ trưa, bạn chỉ nên ngủ từ 20-30 phút là tốt nhất.Những triệu chứng dưới đây có thể chứng tỏ rằng bạn đang ngủ quá nhiều trong ngày:
- Cảm thấy mệt mỏi, khó chịu cả ngày
- Khó thức dậy vào mỗi buổi sáng
- Không tập trung khi làm việc
- Hay cảm thấy buồn ngủ.
Nguyên nhân ngủ nhiều
Ngủ nhiều do rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ là căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Nó cũng là nguyên nhân gây nên ngủ nhiều ở một số người.
Ngủ rũ
Ngủ rũ cũng là một dạng của rối loạn giấc ngủ. Khi mắc căn bệnh này, não bộ của bạn sẽ mất khả năng kiểm soát được thời gian thức - ngủ thông thường. Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày và cảm giác luôn buồn ngủ ở mọi thời điểm.
Hội chứng chân không nghỉ
Người mắc hội chứng chân không nghỉ thường hay bị mất ngủ và khó chịu vào ban đêm, giấc ngủ sẽ không được sâu. Và chính vì điều đó khiến họ buồn ngủ vào ban ngày, gây rối loạn giấc ngủ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Đây cũng là một dạng của rối loạn giấc ngủ. Khi ngủ, bạn sẽ cảm thấy khó khăn khi thở, đường thở của bạn có thể sẽ bị nghẽn một phần hoặc toàn bộ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, quá trình này sẽ lặp đi lặp lại suốt đêm, khiến bạn bị mất ngủ hoặc đã ngủ những vẫn không cảm thấy sảng khoái. Lâu ngày dẫn đến tình trạng cần ngủ bù, ngủ nhiều vào ban ngày...
Hậu quả của ngủ nhiều
Gây béo phì
Khi ngủ nhiều, thời gian vận động của bạn càng ít, lượng calo trong cơ thể sẽ không bị đốt cháy, dẫn đến tình trạng cân nặng sẽ tăng dần theo thời gian.
Bệnh đái tháo đường
Các nghiên cứu chỉ ra ngủ quá lâu hoặc không đủ mỗi đêm làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Suy giảm chức năng tim mạch
Trong quá trình ngủ, tim của bạn sẽ ở trạng thái cần được nghỉ ngơi và nhịp tim khi đó sẽ giảm. Do vậy, nếu ngủ quá nhiều thì tim sẽ dần quen với việc nhẹ nhàng, nên khi cơ thể làm việc thì tim sẽ rất dễ tăng nhịp nhanh.
Ảnh hưởng đến não
Ngủ quá nhiều trong một khoảng thời gian dài và liên tục dễ khiến cho bộ não bị lão hóa nhanh và thậm chí là già hơn 2 năm tuổi. Khi đó, não bộ sẽ không hoạt động nhanh nhạy, làm giảm trí nhớ, ảnh hưởng nhiều đến đời sống hàng ngày.
Nhức đầu
Các nhà nghiên cứu đánh giá điều này xảy ra do ảnh hưởng của việc ngủ nhiều đối với một số chất dẫn truyền thần kinh trong não, bao gồm serotonin. Những người ngủ quá nhiều vào ban ngày dẫn tới mất ngủ vào ban đêm hay thấy mình bị đau đầu vào buổi sáng.
Trầm cảm
Trầm cảm phần lớn thường liên quan đến chứng mất ngủ. Nhưng hiện nay có đến khoảng 15% những người bị trầm cảm là do ngủ quá nhiều. Nếu người bệnh ngủ quá nhiều trong thời gian dài sẽ khiến bệnh trầm cảm ngày càng nặng hơn và quá trình hồi phục sẽ khó khăn hơn.
Ngủ nhiều làm tăng nguy cơ đột quỵ
Theo một số nghiên cứu, những người ngủ quá 10 tiếng một ngày có tỷ lệ đột quỵ cao hơn đến 70% so với những người có giấc ngủ đủ từ 7-8 tiếng.
Hướng khắc phục
Cố gắng ngủ đủ giấc vào buổi tối. Ngủ đủ ở đây là giấc ngủ từ 7-8 tiếng. Hãy thiết lập giờ đi ngủ và giờ thức dậy cho bản thân và cố gắng thực hiện một thời gian dài để cơ thể quen dần lại với chế độ sinh hoạt khoa học này.
Tránh dùng các thiết bị điện tử trước khi ngủ. Việc dùng điện thoại, máy tính trước khi ngủ có thể khiến bạn mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ dẫn đến tình trạng ngủ quá nhiều vào ban ngày hôm sau.
Vận động nhẹ. Đi bộ 10-15 phút có thể giúp bạn hạn chế được cơn buồn ngủ một cách nhanh chóng.
Chế độ ăn uống khoa học. Việc ăn uống vào một khoảng thời gian cố định trong ngày, đặc biệt là bữa sáng sẽ giúp bạn có đủ năng lượng trong ngày. Vì thiếu hụt năng lượng là nguyên nhân khiến các cơn buồn ngủ tăng lên.
Ngủ trưa 20-30 phút. Giấc ngủ trưa ngắn đem lại tinh thần thoải mái đồng thời giúp bạn ngủ ít hơn vào buổi tối.
Không uống rượu bia trước khi ngủ. Rượu bia có thể giúp bạn dễ ngủ, nhưng thực tế nó khiến giấc ngủ của bạn không sâu, thậm chí bạn có thể thức dậy vào ban đêm và không đủ tỉnh táo cho ngày hôm sau.
TS. BS. Nguyễn Đức Hoàng