Giám đốc bệnh viện thành "con nợ"
Làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, bác sĩ Trương Như Sơn, Giám đốc Bệnh viện huyện Phú Vang, than phiền: “Ngày nào tôi cũng bị áp lực đòi nợ của các hãng dược, các đơn vị cung ứng vật tư y tế”. Để minh chứng cho điều mình nói, bác sĩ Sơn đưa ngay một tin nhắn mới của một đơn vị cung ứng vật tư y tế gửi đến đòi nợ, nếu không trả nợ thì họ sẽ ngưng cung cấp dịch vụ.
Bác sĩ Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Bệnh viện Phong Điền, cho hay: “Bảo hiểm xã hội (BHXH) còn nợ đơn vị chúng tôi 8,5 tỷ đồng tiền KCB, trong khi đơn vị chúng tôi phải trả tiền lương, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên y tế và vật tư y tế cho các đơn vị cung ứng. Là người đứng đầu đơn vị, tôi phải chịu trách nhiệm trong việc trả tiền lương đúng hạn cho anh em cũng như phải trả nợ cho các đơn vị cung cấp thuốc men, vật tư y tế, nhưng bây giờ bị nợ như thế thì lấy đâu ra tiền mà trả. Bỗng nhiên mình trở thành "con nợ" bất đắc dĩ”.
Không riêng gì các Bệnh viện Phú Vang, Phong Điền mà hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đang gặp khó trong vấn đề này như Bệnh viện TP. Huế bị nợ tiền KCB BHYT hơn 10 tỷ đồng, Bệnh viện Phú Lộc 10 tỷ đồng…
Ngành BHXH cần giải quyết sớm
Vấn đề nợ KCB BHYT đang trở thành vấn đề chung của đất nước không riêng gì với Thừa Thiên Huế. Sáu tháng đầu năm 2017, cả nước có 56 tỉnh, thành phố chi vượt quỹ KCB BHYT với số tiền lên đến 8.400 tỷ đồng (nguồn BHXH Việt Nam).
Tuy là vấn đề nợ chung, song ngay từ cuối tháng 6/2017, BHXH Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 2542/CT-BHXH ngày 20/6/2017 về việc chấn chỉnh công tác tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT; trong đó, có nội dung yêu cầu giám đốc BHXH các tỉnh, thành tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định về tạm ứng kinh phí và thanh quyết toán chi KCB BHYT với các cơ sở KCB tại Điều 32 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và điều 15 Quyết định số 1399/QĐ-BHXH, cụ thể: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở KCB, cơ quan BHXH tạm ứng kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB một lần bằng 80% chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở KCB…
Mới đây nhất, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 2/10/2017 về việc tuyên truyền, mở rộng độ bao phủ BHYT và công tác quản lý quỹ KCB BHYT. Trong đó, đáng chú ý có vấn đề UBND tỉnh yêu cầu BHXH phối hợp với Sở Y tế trong thực hiện chính sách BHYT, bàn bạc thống nhất giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện KCB BHYT, giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT…
Chỉ thị của BHXH Việt Nam cũng như UBND tỉnh cũng đã nêu rõ vấn đề kịp thời giải quyết khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc nợ tiền KCB BHYT. Sở Y tế và BHXH tỉnh nhất thiết sớm gặp nhau để tìm giải pháp tháo gỡ, giúp giải quyết khó khăn cho các đơn vị y tế trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có hệ thống bệnh viện tuyến huyện.
Hiện, các bệnh viện tuyến huyện đang rất khó khăn về kinh phí, song vẫn cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong công tác KCB BHYT cho nhân dân trên địa bàn. Trong khi đó, ngành BHXH đang loay hoay tìm giải pháp để tháo gỡ cho vấn đề bội chi quỹ KCB. Nhưng dù thế nào thì vấn đề giải quyết tiền KCB BHYT cho cơ sở KCB là vấn đề cấp bách, bởi nếu không thực hiện kịp thời, nguy cơ đóng cửa bệnh viện tuyến huyện không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra. Mà điều này chắc hẳn không ai mong muốn…
Hoàng Trọng Bửu