Bệnh nhân ổn định tư tưởng
Bệnh nhân L.V.K, quê Phú Lộc, đang điều trị bệnh đau dạ dày ở khoa Nội tiêu hóa, bình thản khi tôi hỏi chuyện tăng dịch vụ viện phí. Ông K nói: “Tăng viện phí có thêm kinh phí mua sắm thêm các trang thiết bị y tế, phương tiện để điều trị, phục vụ chăm sóc tốt sức khỏe cho bệnh nhân thì được xã hội ủng hộ. Trước đây phòng điều trị bệnh không có máy điều hòa, giờ trích từ kinh phí đó ra để lắp đặt máy điều hòa thì quá tốt, sắm thêm máy móc hiện đại hơn, kịp thời cứu sống bệnh nhân, rồi chi trả tiền lương cho bác sĩ, cán bộ bệnh viện, lúc đó quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ, điều dưỡng sẽ bình đẳng hơn thì tăng viện phí là điều nên làm”. Một số bệnh nhân và người nhà ở các khoa phòng khác đều tỏ ra am hiểu và ủng hộ việc TDVBHYT.
Tuy nhiên, bệnh nhân đang điều trị bệnh hiểm nghèo thì tỏ ra lo lắng. Bệnh nhân L.V. G. quê Tuyên Hóa, Quảng Bình điều trị ung thư đại tràng, nói: “Tôi mới điều trị được 10 ngày, nộp 15 triệu đồng rồi. Sáng nay, y tá bảo phải nộp tiếp 15 triệu đồng nữa, không biết gia đình tôi có xoay được không”? Tôi giải thích: cứ nộp tiền, sau đó ra viện, thừa bao nhiêu,bảo hiểm sẽ trả lại. “Nhưng nghe bảo tăng 30% thì bệnh nhân cũng phải chịu theo.Ví dụ trước đây mình phẫu thuật mất 10 triệu đồng, chỉ đóng vào 2 triệu đồng. Giờ tăng lên 13 triệu đồng, mình phải đóng vào 2 triệu sáu trăm nghìn đồng, thế cũng nhiều. Mà bệnh của tôi thì không biết mấy tiền cho đủ”, ông G băn khoăn.
Bà T.T.L., 65 tuổi, ở TP Đà Nẵng điều trị bệnh tim tại khoa Cấp cứu-can thiệp tim mạch cho biết, đã điều trị ở bệnh viện từ hai nam nay. Bệnh cứ đỡ rồi lại tái phát, hoàn cảnh khó khăn nên viện phí tăng thì rất khó cho việc điều trị bệnh”.
Khó khăn do chưa thống nhất ban hành danh mục chuẩn
Khi được hỏi khó khăn trong việc thực hiện quy định tăng giá viện phí, bà Châu Thị Hoa, Trưởng Điều dưỡng Trung tâm Ung bướu BVTW Huế cho biết: sự không thống nhất tên gọi trong danh mục kỹ thuật, thông tư này quy định có kỹ thuật này, còn thông tư kia lại không có khiến việc triển khai phần mềm của bệnh viện gặp khó khăn. Hiện cơ quan quản lý chưa thống nhất ban hành danh mục chuẩn thì hệ thống phần mềm của các BV chưa thể hoạt động hiệu quả được, do đó người chịu thiệt sẽ là bệnh nhân. Bà Hoa đưa cho tôi xem thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc do Bộ Y tế ban hành chẳng hạn: Làm mặt nạ điều trị ung thư vùng đầu, cổ được thanh toán bảo hiểm. Trong lúc cũng điều trị bệnh tương tự, làm mặt nạ cố định vùng ngực bụng không được thanh toán. Điều trị theo phương pháp bóc hạch lao vùng cổ được thanh toán, nhưng điều trị tương tự: bóc hạch vùng cổ, nách, bẹn thì không có trong danh mục thanh toán. Hoặc trước đây bệnh nhân bị ung thư dương vật, thực hiện phương pháp cắt cụt, vét hạch thì thanh toán. Bây giờ y học phát triển hiện đại và bệnh phát hiện sớm thì không phải cắt bỏ, chỉ thực hiện cắt khối u và vét hạch thì không được thanh toán. Hiện cơ quan quản lý chưa thống nhất ban hành danh mục chuẩn, do đó người chịu thiệt sẽ là người bệnh.
PGS TS, bác sĩ Phạm Như Hiệp, Phó Giám đốc BV TW Huế cho biết: Bệnh nhân yên tâm trước việc TDVBH YT là do ngoài các kỹ thuật cao, bệnh nhân không phải đóng góp thêm khoản mục nào như trước đây khi điều trị bệnh theo BHYT: Thực hiện tăng viện phí với danh mục quá lớn, giá mới nhiều, áp dụng cho bệnh nhân có BHYT. Người không có BHYT vẫn giữ giá cũ. Có nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện tăng viện phí, nhưng Bệnh viện luôn thực hiện tính đúng, tính đủ trong quá trình chi trả cho bệnh nhân. Tăng thêm nhân lực, điều chỉnh lại phần mềm để phục vụ bệnh nhân nhanh hơn, tốt hơn.
Đinh Hoàng Xuân Hồng