ClockThứ Tư, 01/08/2018 14:30

ADB phê duyệt 40,5 triệu USD hỗ trợ nông nghiệp Lào

TTH.VN - Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa phê duyệt một khoản trợ cấp trị giá 40,5 triệu USD để hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững và thông minh với khí hậu ở Lào.

Lào: Du lịch góp phần đẩy mạnh tăng trưởngADB, Lào ký thỏa thuận hỗ trợ cải cách ngành y tếADB lo ngại hệ quả của công nghệ mới đối với việc làm tại Lào

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Twitter

"Nông nghiệp là một phần quan trọng của nền kinh tế Lào, tuy nhiên tính dễ bị tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu của ngành này khiến triển vọng phát triển và an ninh lương thực của đất nước đối mặt với nguy cơ", tờ Devdiscourse ngày 1/8 dẫn lời ông Srinivasan Ancha, chuyên gia về biến đổi khí hậu của ADB khu vực Đông Nam Á cho biết.

Theo ông Srinivasan, sự hỗ trợ của ADB sẽ giúp lĩnh vực nông nghiệp của Lào được tăng cường thương mại hóa, tính bền vững và có khả năng chống chịu trước khí hậu, qua đó cải thiện triển vọng tăng trưởng của đất nước.

Nền kinh tế Lào chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, sử dụng khoảng 65% lực lượng lao động của quốc gia này. Tuy nhiên, đóng góp của nông nghiệp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Lào sụt giảm từ mức 32,7% trong năm 2010 xuống còn 19,8% vào năm 2016.

Ngành nông nghiệp đang bị đe dọa bởi lũ lụt và hạn hán gia tăng do biến đổi khí hậu, trong bối cảnh nhiệt độ ở Lào được dự kiến ​​sẽ tăng từ 2-3 độ C và lượng mưa có khả năng tăng 10-30% đến năm 2050.

Ngoài ra, dự án sẽ giúp cải thiện khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu của cơ sở hạ tầng cho các chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp. Sự hỗ trợ của ADB đến từ Quỹ Phát triển châu Á (ADF) sẽ giúp tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nông nghiệp thân thiện với khí hậu, nhằm thúc đẩy tính bền vững theo các chuỗi giá trị của ngành.

Đáng chú ý, dự án được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho ít nhất 100.000 người từ 20.000 hộ gia đình ở Lào, tăng thu nhập của những người này lên ít nhất 30%, đồng thời thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng thông qua việc hài hòa các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Devdiscourse)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top