ClockChủ Nhật, 11/02/2018 07:43

B40 khai hỏa - tiếng pháo mừng xuân

TTH - Sau khi ăn Tết Ất Mão 1975 sớm, đơn vị Biệt động thành ở Cánh Bắc Huế chúng tôi khẩn trương chuẩn bị các phương án, nhất là bảo đảm tuyến hành lang từ chiến khu (đóng ở Hương Trà) về Huế. Chúng tôi chuẩn bị đến 3 tuyến: Tuyến 1 từ khe nước ra cồn Bàu Đưng về giữa An Lưu và Bồn Phổ về cửa Chánh Tây. Tuyến 2 từ đồi Xước Dũ xuống làng An Vân qua Rú Bắp về cửa An Hòa. Tuyến 3 từ Đồng Chầm về Hương Hồ, Thiên Mụ, Kim Long, Huế.

Ký ức không quênTrưng bày 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật về chiến dịch Xuân Mậu Thân ở Thành HuếĐóng góp của quân và dân Hương Trà trong chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968Khắp nơi kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968

Quân Giải phóng tiếp quản Thừa Thiên Huế ngày 26 tháng 3 năm 1975. Ảnh: TL

Tối mồng 5 Tết, đơn vị chuẩn bị phương án thông tuyến đánh vào phân chi khu Hương Sơ và đầu cầu An Hòa. Đội hình hành quân gồm tổ đi đầu trang bị 2 AK và 1 khẩu B40; tổ thứ 2 có 2 khẩu AK và 1 khẩu B41; tổ thứ 3 trang bị 2 AK và tôi mang khẩu M79 với 4 dây đạn 24 viên. Toàn bộ đội hình trú quân cả ngày ở dưới chân đồi Xước Dũ (Hương Hồ, Hương Trà), chập choạng tối men theo đồi Am Cây Sen băng qua con hói đoạn giữa thôn Bồn Phổ và thôn An Vân. Trong không khí căng thẳng, chúng tôi tiếp cận vào cơ sở ở thôn An Vân hỏi thăm tình hình. Cơ sở cho biết: “Mấy bữa nay có một đại đội lính dù thường hay phục kích. Chiều nay, cơ sở có đi nắm tình hình nhưng không thấy. Nói vậy chứ mấy chú đi đứng cẩn thận đó nghe”.

Nắm tình hình xong, Ban Chỉ huy chúng tôi hội ý, có đồng chí Hồ Xuân Sẹo, Bí thư Đảng ủy xã Hương Bình tham gia. Hội ý vạch đường đi xong, toàn bộ đơn vị đi theo đội hình phân công. Đồng chí Tập đi đầu tiên, đến cầu tre của con hói nhỏ ở chân đồi Rú Bắp thì rẽ trái nhằm hướng cây độc lập giữa đồng Trúc Lâm để làm chuẩn. Đồng chí thứ 2 là Tiểu đội trưởng Lê Văn Tỵ- lính đặc công rất giỏi võ thuật, người cao to. Đồng chí vừa bước qua cầu tiếp theo chân của đồng chí Tập thì có một vệt xanh lóe ra và một loạt AR15, đồng chí Tỵ trúng đạn rơi từ trên cầu xuống nước. Toàn bộ đội hình triển khai hàng ngang tập trung bắn vào các lùm cây bên cầu. Tôi - xạ thủ M79 cùng đồng đội bắn về hướng đó. Ngẩng đầu lên nhìn thấy lùm cây nào bên Rú Bắp là tôi nhắm vào đó bắn một phát M79, liên tục tôi bắn đến 8 phát. Sau loạt đạn đầu bắn phản kích, chúng tôi ai nấy đều tìm chỗ có bờ ruộng cao để tránh đạn địch. Nằm nghe ngóng không nghe tiếng súng của địch bắn, yên lặng từ 1 phút, 2 đến 5 phút, một hiện tượng lạ, tôi tự hỏi vì sao địch không bắn trả. Có lẽ ta đi không đúng hướng phục kích của địch cho nên chúng bất ngờ, hơn nữa lại có tiếng súng M79 (súng này của địch, ta tịch thu được dùng để đánh lại địch) khiến địch nằm im, tôi nghĩ vậy. Lúc đó có một bóng đen từ bờ hói bước đến, đó là đồng chí Tập và Tập bảo đồng chí Tỵ hy sinh ở Cầu Tre. Chúng tôi phân công 2 tổ đến chân cầu tìm liệt sĩ, sau một lúc mới tìm được vì đồng chí chìm dưới nước. Hai tổ đã thay nhau cõng liệt sĩ về tuyến sau.

Chúng tôi đưa liệt sĩ để ở bờ hói cạnh mấy cây sào rớ của dân, rồi chặt cây làm đòn cáng, buộc võng, bưng đồng chí vào và cáng lên Khe Vàng sau đồi Xước Dũ. Về đến bãi đất hơi bằng, chúng tôi đào hố và mai táng đồng chí Tỵ bên bụi tre gần đường. Chúng tôi không đắp thành mộ mà trồng lên trên đó mấy bụi sim me, vì nếu địch biết được sẽ đào lên và phơi thây đồng chí mình. Rất may là gần ngày giải phóng, thi hài của đồng chí được đem về mai táng ở nghĩa trang Hương Hồ, ghi số mộ 34. Đến năm 1998, gia đình ở Nam Hà đã vào đưa đồng chí về quê nhà.

Sau Tết Ất Mão cũng là những ngày gần ngày kỷ niệm thành lập Đảng 3/2/1975. Mặc dù gặp tổn thất nhưng toàn đơn vị rất mạnh và đầy khí thế. Tuyến đường từ khu B dưới chân đồi 365 qua khu A ở chân đồi Dốc Dẻ, thám báo, biệt kích của ngụy tăng cường lùng sục; chúng cài mìn định hướng căng nổ, chùn nổ làm cho bộ đội giao liên qua lại tuyến đường này gặp tổn thất, có lần hy sinh đến 3 người, tình hình rất căng thẳng.

Chiều 3/2/1975, tổ trinh sát phát hiện có một tiểu đội thám báo đóng quân ở cách chỗ ta ở khoảng 100 mét. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là bảo đảm lực lượng để chuẩn bị các phương án cho chiến dịch lớn, nhưng địch đã đến gần, nếu không tiêu diệt thì khi chúng phát hiện sẽ đánh phá chỗ ta. Ban Chỉ huy hội ý và hạ quyết tâm tiêu diệt tiểu đội thám báo, lập thành tích chào mừng 45 năm ngày thành lập Đảng; đồng thời thống nhất phân công 2 tổ trang bị 2 khẩu B40, tiểu liên AK và thủ pháo thực hiện phương án đánh mật tập diệt địch thật gọn, tiếp cận vào buổi tối, nổ súng vào rạng sáng. Hai tổ lập tức xuất kích, đồng chí Nguyễn Quốc Phương, Đội phó chỉ huy trận đánh. Đêm hôm đó, tôi và đồng chí Nguyễn Chấp, Đội trưởng không ngủ mà theo dõi từng động tĩnh, càng gần sáng càng hồi hộp. Giờ phút chờ đợi của đơn vị đã đến, 5h30 phút - trời tờ mờ sáng, hai phát B40 khai hỏa, hàng loạt tiểu liên AK bắn liên tục, bộc phá nổ đùng đùng vang dội cả một góc rừng. Sau 3 phút bắn cấp tập, địch không trở tay kịp và bị tiêu diệt toàn bộ. Mười phút sau, 2 tổ đã về đến đơn vị đem theo chiến lợi phẩm gồm 1 bộ đàm PRC25, 1 súng M79 và nhiều khẩu AR15… Với chiến công đó, buổi chiều, chi bộ họp kết nạp đồng chí Phương vào Đảng.

Tết Ất Mão - Xuân 1975 đến với chúng tôi có những thắng lợi và tổn thất. Nhưng hơn tất cả là sự rạo rực, tinh thần phấn khởi, thi đua lập công mừng Đảng, mừng Xuân mà các mùa xuân trước đó không có được.

NGUYỄN HUY NGỌC

Nguyên Chính trị viên đơn vị Biệt động thành ở Cánh Bắc Huế, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thần công khai hỏa

Nhân sự kiện súng thần công khai hỏa ở Kỳ đài vừa qua và rồi đây mỗi tuần sẽ bắn 2 lần vào các tối thứ tư và thứ bảy, tôi lại nhớ đến cách nay 10 năm.

Thần công khai hỏa
Giữa xuân này nhớ xuân xưa...

Giữa không khí rộn ràng, nô nức du xuân, không gian trưng bày “Thành Huế - Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” tại Bảo tàng Văn hóa Huế trong những ngày tết là điểm đến làm lòng người lắng lại, cùng nhìn về quá khứ để thêm yêu quê hương, đất nước, trân trọng hơn cuộc sống hiện tại và nỗ lực hơn cho tương lai.

Giữa xuân này nhớ xuân xưa
Ký ức không quên

Trong căn nhà ấm cúng ở kiệt 131, đường Bà Triệu, phường Phú Hội, TP. Huế, bà Hoàng Thị Nở - một trong 5 “cô gái sông Hương” quên cả bệnh tật, tuổi già, hào hứng kể về những năm tháng không quên của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương anh hùng.

Ký ức không quên
Return to top