ClockThứ Sáu, 23/07/2021 15:43

“Ba tại chỗ” và “mang chợ ra phố”

Đó là hai trong nhiều giải pháp đang được các địa phương áp dụng để ứng phó trước diễn biến nhanh, phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay, danh sách các địa phương có ca nhiễm dài thêm và số ca nhiễm nhiều ngày duy trì ở 5 con số, có ngày vượt mốc 5.000 người. Theo công bố của Bộ Y tế sáng 22/7, số ca mắc mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ ngày 27/4 đến nay là 67.473 ca. Hiện nay, 19 tỉnh, thành phía nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh - đô thị đông dân nhất và cũng là đầu tàu kinh tế của cả nước đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Với việc áp dụng Chỉ thị 16 - giãn cách xã hội mức độ cao nhất, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, nhất là việc duy trì, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa không chỉ ở các địa phương này mà còn tác động đến sự phát triển chung của cả nước. Bên cạnh đó, việc cung ứng hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống cho các thành phố, khu tập trung dân cư gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, các địa phương có nhiều giải pháp để vừa thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất, ổn định đời sống người dân. “Ba tại chỗ” (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ, làm việc tại chỗ) được các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang áp dụng khi đợt dịch lần thứ 4 mới bùng phát, nay được các doanh nghiệp, khu công nghiệp ở các tỉnh phía nam nhân rộng.

Với Thừa Thiên Huế, tỉnh đã đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn, kèm hướng dẫn bộ tiêu chí thực hiện tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Bộ tiêu chí quy định rõ trách nhiệm của người lao động, người quản lý, người sử dụng lao động, khách đến thăm làm việc. Chỉ khi đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh, các nhà máy mới được hoạt động, nếu không sẽ phải đóng cửa khắc phục.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, cùng với thực hiện 5K và các biện pháp đảm bảo an toàn trong các nhà máy, xí nghiệp thì việc chủ động chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng áp dụng “ba tại chỗ” trong trường hợp phát hiện các F trong nhà máy. Với việc áp dụng mô hình “ba tại chỗ”, chắc chắn chi phí của doanh nghiệp sẽ tốn kém hơn, nhưng cái được sẽ lớn hơn không chỉ là duy trì được sản xuất, đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, mà còn ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đây là mục tiêu cả Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động đều hướng đến.

Ở góc độ phân phối lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, nhất là nông sản, thực phẩm tươi sống cho người dân ở các vùng thực hiện giãn cách là một vấn đề đáng quan tâm. Dù nguồn cung dồi dào, nhưng do các chợ đầu mối, chợ dân sinh truyền thống phải tạm ngừng hoạt động, đã xuất hiện tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm cục bộ ở một số thời điểm, một số khu vực dân cư, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Mô hình “mang chợ ra phố” được thí điểm ở Cần Thơ là điều đáng học hỏi. Ở đó các không gian công cộng được bố trí 5-10 gian hàng bán các hàng thiết yếu như gạo, rau củ quả, cá thịt… Hàng hóa được đóng gói sẵn, niêm yết giá công khai để thuận tiện cho người mua, giảm tiếp xúc. Mô hình này vừa giúp người dân tiếp cận được các nguồn hàng hóa thiết yếu, vừa giúp tiểu thương ổn định việc làm, nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Thực tế, hiện nay các chợ đầu mối, chợ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng trong phân phối, cung ứng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, các địa phương cũng cần nghiên cứu địa điểm, chuẩn bị sẵn sàng phương án để có thể áp dụng ngay khi cần thiết, góp phần phòng, chống dịch bệnh hiệu quả và đảm bảo an sinh xã hội.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

VPI dự báo giá xăng tăng trên 2% trong kỳ điều hành ngày 21/3

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 21/3, giá bán lẻ xăng dầu dự báo sẽ tăng từ 0,7 - 3,8% và Liên bộ Tài chính - Công Thương có thể sẽ tiếp tục trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut.

VPI dự báo giá xăng tăng trên 2 trong kỳ điều hành ngày 21 3
Dịch COVID-19 gia tăng ở Đông Nam Á:
Chuyên gia nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân

Những ngày vừa qua, chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng nhanh chóng đã khiến các nhà chức trách ở Đông Nam Á tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, như lắp đặt máy quét thân nhiệt tại các điểm nhập cảnh quốc tế và kêu gọi công chúng đeo khẩu trang.

Chuyên gia nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân
Lúc khó có cộng đồng

Trước những tác động phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu (BĐKH), ngoài yếu tố phát huy năng lực chỉ huy, tính cộng đồng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Lúc khó có cộng đồng
Giám sát tình trạng nhập tôm hùm giống trên địa bàn

TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định, đến thời điểm này (23/9), chưa phát hiện tình trạng nhập tôm hùm giống trái phép vào địa bàn tỉnh. Các lực lượng tiếp tục theo dõi, giám sát và nắm thông tin liên quan nhằm có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng nhập tôm hùm giống trái phép.

Giám sát tình trạng nhập tôm hùm giống trên địa bàn
Return to top