Học lái nghiêm túc là giải pháp căn cơ đảm bảo ATGT
Đi làm, đánh xe từ đường Thanh Hải ra, đến chỗ giao nhau với đường Điện Biên Phủ (ĐBP) bao giờ tôi cũng cho xe đi thật chậm hoặc dừng hẳn lại, quan sát 2 phía xem có an toàn không rồi mới đi tiếp. Nếu vội vàng bất chấp, đi xe máy thì mình chết trước; đánh ô tô con mà gặp phải ô tô… cha thì mình cũng chết trước; còn như mình cưỡi ô tô mà vì vội vàng bất cẩn, cán người đi xe máy, xe đạp hoặc bộ hành thì mình cũng đến khốn nạn cái thân. “Nhanh một phút, chậm cả đời”, câu khẩu hiệu ấy nhắc nhở tôi nằm lòng.
Sáng hôm kia cũng vậy, đến ngã ba giao nhau với ĐBP, tôi dừng xe lại, phải chờ dòng ô tô đủ loại, chiếc này nối đuôi chiếc kia từ phía bắc lên. Có lẽ, dòng xe đã phải dừng chờ tàu ở gác chắn ĐBP hơi lâu, nên mới kéo dài như thế. Đang chờ thì bỗng nhiên từ phía sau, một chiếc 4 chỗ chạy vượt lên định chen ra trước nhưng nào có được. “Gã” khựng lại, toàn xe trộn bê tông, xe ben, xe tải, lại đang đường ưu tiên chạy ào ào như thế, 4 chỗ lò ra có mà vỡ trán à. Nhưng khi khựng lại thì “gã” cũng đã đứng song song ngang xe tôi. Đường Thanh Hải thì nhỏ, 2 chiếc ô tô sóng đôi dàn hàng ngang choán hết lối cho xe máy, xe đạp thoát ra. Bà con phàn nàn khiến tôi phát ngượng, cho dù nguyên do là bởi “gã” kia cố chen lấn.
Lạ quá, không hiểu vội gì mà vội lắm? Hay là bất chấp luật lệ, hoặc tệ hơn nữa là không nắm luật. Mà tôi cực kỳ nghi là “gã” không nắm luật quá, bởi nắm thì làm sao có chuyện đến giao lộ, lại từ đường nhỏ ra mà dám cả gan tăng tốc để vượt bất cần quan sát, đến nỗi gây nên phiền toái bực dọc cho bà con. Đó là còn may, chứ xui xẻo nữa gây tai nạn thì mới tai họa.
Cú tăng tốc để vượt bất thành của “gã” nọ làm tôi nhớ về rất nhiều tình huống khác của người điều khiển ô tô rất dễ gây… điên. Như đôi lần tôi đã phải khiếp đảm khi đối mặt hoặc trực tiếp chứng kiến mấy bác tài xe tải nhỏ, xe taxi vào cua cái ào, ga không giảm, phanh không nhắp, cứ như nghiễm nhiên cho rằng người/xe khác phải tránh ta là nhiệm vụ mặc định. Hay nhiều trường hợp khởi động bắt đầu cho xe chạy nhưng chẳng còi, chẳng xi nhan, đột ngột lò ra nhập làn, xe khác chạy đến, nếu lơ đễnh một tí là xem như sứt đầu mẻ trán với nhau. Còn như vào đường cấm, lấn làn, đậu đỗ sai quy định… thì là chuyện cơm bữa.
Đi ô tô, hễ phạm lỗi là mất tiền triệu, nhưng sao nhiều người có vẻ như vẫn cứ “không thấy sợ” là gì? Đôi lúc ngẫm cũng lạ, thử “vứt” ra giữa bàn cà phê bàn luận cho vui. Tranh luận, mổ xẻ một hồi, kết quả bao giờ cũng chỉ rơi vào 2 đáp án. Một là mấy tay nắm vô lăng vô cảm hoặc có dùng chất kích thích nên mới coi tai nạn chỉ là “chuyện thường”, tính mạng của người khác chỉ là “chuyện nhỏ”. Hai là, tài xế học hành chập cheng, chỉ tập sao cho xe di chuyển, chạy tới, chạy lui, quẹo trái, quẹo phải là được, chứ không quan tâm học luật vì đã gửi gắm hoặc đã “thế này thế nọ” sao đó. Và những trường hợp như vậy thì không hề ít mà ai đã từng đi học lái hẳn cũng đều quá hiểu.
Rất vui là gần đây, nghe một số người quen công tác trong ngành giao thông khẳng định mọi thứ đang được siết lại, không có chuyện học hành lơ mơ mà vẫn có bằng. Lại nữa, việc kiểm tra nồng độ cồn cũng như sử dụng chất kích thích đối với các bác tài cũng đang được CSGT làm ráo riết và bước đầu đã gây được hiệu ứng rất tích cực. Cả 2 “thao tác” ấy nếu được duy trì nghiêm túc, chắc chắn chỉ số an toàn trên các tuyến đường sẽ không ngừng tăng cao. Và điều đó sẽ mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình, cho toàn xã hội.
Bài, ảnh: Huy Khánh