|
Cảnh sát giao thông tiếp tục kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông |
Quy định trên khẳng định sự thống nhất, đồng lòng rất lớn của các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng trong việc xây dựng văn hóa giao thông nói không với sử dụng rượu, bia; nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật về giao thông cho người dân; kiên quyết xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn không chỉ giảm tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, mà còn giảm tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.
Đơn cử, vào tối 27/6 tại TP. Vũng Tàu (Bà Rịa -Vũng Tàu) một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra làm 2 người tử vong và nhiều người khác bị thương đến nay dư luận vẫn còn xôn xao. Đáng nói, người gây tai nạn là nữ tài xế đã say xỉn và chưa có bằng lái xe. Ai nghe cũng trách vì sự chủ quan, hậu quả của việc không tuân thủ pháp luật mà nữ tài xế này đã để lại. Đó là tước đi sinh mạng của 2 người vô tội, mang đến đau thương mất mát vô cùng lớn cho gia đình nạn nhân; 5 người bị thương phải nhập viện điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc. Bản thân người gây tai nạn cũng bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Ngay cả người giao xe cho nữ tài xế này lái cũng bị liên đới trách nhiệm.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong các vụ TNGT nghiêm trọng trở lên, 50% người lái xe có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở. Thực tiễn đã chứng minh, nếu lái xe uống rượu, bia ở mức độ cồn trong máu là 80mg/100ml thì xác suất va chạm cao gấp 2,7 lần. Nếu uống rượu, bia có nồng độ cồn trong máu là 160mg/100ml, xác suất tai nạn là 30 lần và nếu nồng độ tăng lên 240mg/100ml sẽ tăng tỷ lệ xác suất tai nạn giao thông 150 lần.
Ở góc độ y tế, các chuyên gia đã chỉ ra: Khi chất cồn vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù rất ít cũng sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe thể chất và tâm thần. Cồn làm giãn các mạch máu, đặc biệt là mạch máu ngoại biên, vì thế tác động rất lớn đến hệ thống thần kinh, làm cho góc nhìn bị thu hẹp và thời gian phản ứng chậm đi. Do vậy, người uống rượu, bia bị hạn chế lớn trong việc điều khiển phương tiện giao thông và rất dễ dẫn đến TNGT.
Anh Hoàng Văn H. (TX.Hương Thủy), làm nghề lái xe lâu năm chia sẻ: Hiệu quả của quy định cấm lái xe khi đã uống rượu bia là minh chứng cho thấy các quy định này phù hợp với Việt Nam và nên được tiếp tục thực hiện nghiêm. Hiện nay, rất nhiều người Việt đã, đang dần hình thành thói quen không uống rượu, bia khi lái xe và nếu đã uống thì không lái xe…
“Chủ trương cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông không phải điều gì mới lạ. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện vài thập niên trước. Thậm chí, ở những nước này, khi kiểm tra lái xe trong máu có nồng độ cồn, dù gây tai nạn hay không thì tài xế vẫn bị xử lý hình sự” - anh H. nói.
Tuy nhiên, do chưa phải tất cả mọi người tham gia giao thông đều có ý thức tốt thì việc kiểm tra nồng độ cồn là cần thiết và nên duy trì thường xuyên, liên tục. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của việc điều khiển xe mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn. Trong công tác tuyên truyền cũng cần đổi mới theo các hình thức phong phú, đa dạng; tiếp tục nêu cao trách nhiệm, sự nêu gương của lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; tuyệt đối “không có vùng cấm” trong xử lý vi phạm.