ClockThứ Tư, 26/12/2012 16:57

Gần 400 trẻ em vẫn chưa có nơi học mới

TTH - Thời gian qua, nhiều phụ huynh tiếp tục kiến nghị tỉnh xem xét, nếu không bố trí được đất (28 Nguyễn Huệ, Vĩnh Ninh, Huế) thì nên dành kinh phí để xây dựng Trường mầm non (MN) Vĩnh Ninh tại vị trí cũ (4 Nguyễn Trường Tộ, Vĩnh Ninh, Huế), do trường cũ xuống cấp nên về lâu dài không bảo đảm an toàn cho gần 400 trẻ em đang theo học.

Nhà nước quản lý và sử dụng khu nhà đất

Nhiều năm qua, ông Nguyễn Sinh (trú 66/12 - số cũ 28/4 Nguyễn Huệ) liên tục khiếu nại (KN) đòi lại khu nhà đất Trường MN Vĩnh Ninh tọa lạc tại 62 (số cũ 26 và 28) Nguyễn Huệ, trước đây thuộc sở hữu của ông Nguyễn Hữu Bài và bà Nguyễn Phú Thị Nhiệm (nay đều qua đời). Trước đó, năm 1992, bà Nguyễn Hữu Thị Tài (ở TP Hồ Chí Minh, nay đã mất) ủy quyền cho ông Nguyễn Sinh KN đòi lại nhà đất trên và sau đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1915/QĐ-UBND ngày 8/6/1996 bác đơn KN. Không đồng tình với quyết định giải quyết này, ông Nguyễn Sinh có đơn đến các cơ quan T.Ư đề nghị xem xét, giải quyết.
 

Tuy Trường MN Vĩnh Ninh vừa được sửa chữa tạm thời nhưng do xây dựng quá lâu nên vẫn chưa thể bảo đảm an toàn cho trẻ em

 
Ngày 29/10/1996, Thanh tra Nhà nước (TTNN, nay là Thanh tra Chính phủ - TTCP) có Quyết định 1584/QĐ-XKT yêu cầu UBND tỉnh trả lại một phần diện tích đất nói trên để ông Nguyễn Sinh xây dựng nhà thờ họ và phần diện tích đất còn lại, Sở Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp sử dụng làm trụ sở thì phải đền bù cho ông này. Tuy nhiên, quyết định này chưa thực hiện được, do các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện thêm tài liệu mới liên quan là Quyết định 695 QĐ/UB ngày 28/5/1979 của UBND tỉnh Bình Trị Thiên (BTT cũ) quản lý toàn bộ khu nhà đất nói trên thuộc diện cho thuê, mượn theo Quyết định 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) quy định về việc ban hành chính sách quản lý và cải tạo XHCN đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh phía Nam. Vì vậy, sau khi phúc tra, Tổng TTNN ban hành Quyết định 591/TTNN-XKT ngày 4/8/1999 thu hồi Quyết định 1584/QĐ-XKT.
 
Sau khi nhận Quyết định 591/TTNN-XKT nêu trên, ông Nguyễn Sinh liên tục có nhiều đơn, thư khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ và Tổng TTNN. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao phúc tra, tổ chức đối thoại và kiến nghị biện pháp giải quyết cụ thể, TTCP đã ba lần tổ chức gặp gỡ, đối thoại, nhưng ông Nguyễn Sinh không cung cấp được tài liệu, chứng cứ làm thay đổi nội dung vụ việc và cơ quan này cũng đã hai lần có công văn giải quyết, trả lời trong các năm 2007, 2009 nhưng đương sự vẫn liên tục khiếu nại gay gắt.
 
Đây là vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài suốt 20 năm nay gây bức xúc, tâm lý không tốt trong cán bộ, nhân dân và ảnh hưởng đến công tác quản lý đô thị, xã hội của chính quyền địa phương.
 
Việc khiếu nại không có cơ sở pháp lý và thực tế để giải quyết
 
Sau ngày giải phóng Huế năm 1975, chính quyền cách mạng tiếp quản, quản lý và giao khu nhà đất trên cho Xí nghiệp Ô tô Thống Nhất sử dụng một thời gian rồi chuyển giao cho Đại lý bán vé ô tô (Sở Giao thông Vận tải BTT) và tiếp đó, Công ty Ô tô 3 hoán đổi địa điểm trên cho Sở Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp. Mười năm sau đó, cơ quan này sửa chữa, xây dựng một số công trình trên khu đất này. Năm 1998, UBND tỉnh chuyển giao cơ sở nhà đất nói trên cho UBND TP Huế và Phòng Giáo dục lần lượt chuyển giao cho Trường MN 8-3 (Phước Vĩnh, Huế) rồi đến hai trường THCS và MN Vĩnh Ninh.
 
Qua kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự năm 2002 và kết luận của các đoàn kiểm tra, phúc tra thuộc TTCP, các bộ, ngành T.Ư kiến nghị lên Chính phủ đều khẳng định Quyết định 695/QĐ-UB của UBND tỉnh BTT quản lý nhà cho thuê, mượn là đúng vị trí, đối tượng và chính sách quản lý, cải tạo XHCN đối với nhà, đất ở các tỉnh phía Nam. Ngược lại, theo hồ sơ lưu của chính quyền chế độ cũ để lại và do ông Nguyễn Sinh kê khai với Nhà nước sau ngày giải phóng Huế năm 1978 thì ông này chỉ là người thuê nhà (ở 28/4 Nguyễn Huệ) của bà Nguyễn Hữu Thị Dương (chị ruột bà Nguyễn Hữu Thị Tài) vào năm 1972. Năm 1978, ông tiếp tục ký kết hợp đồng thuê nhà của Nhà nước.
 
“Như vậy, từ trước đến nay, Nhà nước tiếp quản, sử dụng và đến năm 1979 thì ban hành quyết định quản lý toàn bộ khu nhà đất nói trên theo quyết định của Hội đồng Chính phủ và lần lượt giao cho các cơ quan, đơn vị Nhà nước sử dụng làm trụ sở cơ quan liên tục. Từ những vấn đề trên, đối chiếu với quy định tại các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), nghị quyết của Quốc hội và UB Thường vụ Quốc hội về giải quyết vấn đề nhà, đất thì việc khiếu nại đòi lại khu nhà đất của ông Nguyễn Sinh không có cơ sở pháp lý và thực tế để giải quyết” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây. Tương tự, kiến nghị với Thủ tướng sau đó,Phó Tổng TTCP Nguyễn Đức Hạnh cũng nhấn mạnh: KN của ông Nguyễn Sinh được UBND tỉnh, TTCP xem xét, giải quyết nhiều lần, đúng trình tự thủ tục và quy định của pháp luật với nội dung vụ việc được xem xét xác minh kỹ lưỡng, khách quan.
 
Để giúp địa phương giải quyết dứt điểm vụ việc đòi lại nhà, đất phức tạp, tồn đọng, kéo dài nói trên, ổn định tình hình chính trị, trật tự tại địa phương để triển khai dự án xây dựng Trường MN Vĩnh Ninh, UBND tỉnh nhiều lần đề nghị TTCP sớm có văn bản trả lời cho ông Nguyễn Sinh.
 
“Án binh bất động”?
 
Theo Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh Bùi Ngọc Chánh: Năm 2009, UBND TP Huế phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng Trường MN Vĩnh Ninh. Công trình dự kiến xây dựng mới trong năm 2009 - 2010 tại 28 Nguyễn Huệ tổng vốn hơn 9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Huế cấp hỗ trợ, nguồn của phường và các nguồn huy động khác. Ngay sau đó, UBND tỉnh cũng đã có quyết định thu hồi khu đất để giao cho Trường MN Vĩnh Ninh xây dựng trường mới.
 
“Trước đó, khi cả hai trường THCS và MN Vĩnh Ninh tạm chuyển đi nơi khác để chuẩn bị lập dự án xây dựng trường mới thì hộ gia đình ông Nguyễn Sinh ngang nhiên đến che bạt, phóng to những bài báo và các văn bản của cơ quan Nhà nước giải quyết khiếu nại để treo và đến sinh hoạt, kinh doanh cà phê tại khu nhà đất này. UBND phường nhiều lần vận động gia đình giao trả mặt bằng, kể cả lập biên bản, xử phạt cảnh cáo và yêu cầu tháo dỡ, do tự ý chiếm dụng trái phép đất thuộc Nhà nước quản lý, nhưng người nhà không những có hành vi chống đối, thái độ thách thức chính quyền địa phương mà còn đe dọa tự sát (!?)” - ông Bùi Ngọc Chánh nhớ lại.
 
Bà Phan Thị Bạch Huệ, Hiệu trưởng Trường MN Vĩnh Ninh cho hay, vừa qua, UBND tỉnh chủ trương xây dựng mới nhà trường tại địa điểm nói trên và chỉ đạo không lập dự án xây dựng mới trường này tại vị trí cũ là cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân trong khu vực. Tuy nhiên, do điều kiện cấp bách và việc khiếu kiện tại khu đất vẫn đang đợi TTCP giải quyết nên năm qua, UBND TP Huế cho phép UBND phường chi 350 triệu đồng tạm thời sửa chữa nhỏ, chống xuống cấp nhằm bảo đảm cho nhà trường tiếp tục hoạt động. 
Bài và ảnh: Vĩnh Cự
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiếm dụng đất công nhiều năm vẫn chưa bị cưỡng chế

Dù đã nhận tiền đền bù, bố trí lô đất tái định cư, nhưng ông, bà Nguyễn Thế Cường và Trần Thị Thu Hương vẫn không chịu bàn giao mặt bằng cho Nhà nước và chiếm dụng đất công trong nhiều năm tại số 24 An Dương Vương (phường An Cựu, TP. Huế).

Chiếm dụng đất công nhiều năm vẫn chưa bị cưỡng chế
Tăng cường các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ và phơi lúa trên đường

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 trùng với đợt cao điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nên lực lượng chức năng huyện Quảng Điền phải cắt cử lực lượng tăng cường thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ trên đồng ruộng; phơi lúa trên các tuyến đường giao thông gây ảnh hưởng đến môi trường và gây mất an toàn giao thông.

Tăng cường các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ và phơi lúa trên đường
Quảng bá hình ảnh ẩm thực Huế phải tinh tế hơn

Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 được khai mạc tối 27/4 và kéo dài đến 1/5 tại công viên Thương Bạc, TP. Huế. Hoạt động này nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực Huế, do UBND TP. Huế phối hợp Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam và các đơn vị khác tổ chức.

Quảng bá hình ảnh ẩm thực Huế phải tinh tế hơn
Cửa Thượng Tứ hay cầu Thượng Tứ

Về nguyên tắc, biển tên công trình nào thì phải đặt ngay công trình đó. Không thể lắp đặt biển tên ở một công trình đứng trước để chỉ tên một công trình đứng sau. Logic thông thường một cách trực quan, người đọc sẽ hiểu biển tên đó dành cho công trình phía trước, chứ ai hiểu là dành cho công trình phía sau.

Cửa Thượng Tứ hay cầu Thượng Tứ
Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh

TIN MỚI

Return to top