ClockThứ Ba, 17/10/2023 11:29

Không lưu lại trong rừng khi bão, lũ

TTH - Đã có nhiều vụ việc người dân, lực lượng kiểm lâm không kịp ra khỏi rừng trước khi bão, lũ gây mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng.

Khó khăn giữ rừng mùa mưa lũ

 Tuần tra rừng

Nhiều năm trước, tại một số địa phương miền núi từng để xảy ra tình trạng người dân bị mắc kẹt trong rừng, hoặc bị lạc đường trong lúc mưa lũ lớn. Điều này gây nhiều lo lắng cho gia đình, xã hội, các lực lượng phải mất nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm người mắc kẹt trong rừng trong điều kiện thời tiết nguy hiểm.

Người dân bị mắc kẹt thường do đi kiểm tra, chăm sóc rừng trồng và những công việc khác liên quan đến rừng. Họ lập từng nhóm đi rừng, gùi theo lương thực, thực phẩm để lưu lại trong rừng dài ngày, thường từ vài ngày đến cả tuần. Trong khi ở rừng sâu thường sóng di động yếu, khó có thể nắm bắt, theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm. Khi thời tiết chuyển xấu, hoặc mưa lũ bất ngờ ập đến thì họ không kịp di chuyển ra khỏi rừng.

Việc lưu lại, mắc kẹt trong rừng mùa mưa bão ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, do mưa lũ kéo dài có thể thiếu lương thực, cảm lạnh. Gió bão làm cây cối đổ ngã có thể gây bị thương. Mưa lớn kéo dài gây lũ quét, sạt lở đất, lở núi đe dọa đến tính mạng trong quá trình lưu lại trong rừng.

Không chỉ người dân, lực lượng bảo vệ rừng (BVR) cũng có thể gặp nguy hiểm khi mưa lũ bất ngờ ập đến. Cách đây mấy năm, lực lượng cán bộ BVR ở A Lưới từng bị mắc kẹt trong rừng nhiều ngày, mưa lạnh, thiếu lương thực, di chuyển đường dài đe dọa đến tính mạng. Đây là bài học đắt giá đối với lực lượng BVR, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh trong mùa bão, lũ.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Sao La chia sẻ, từ khi xảy ra sự cố cán bộ bị mắc kẹt trong rừng đến nay, đơn vị quan tâm hơn trong việc bảo vệ an toàn tính mạng cho cán bộ BVR. Vào mùa bão, lũ, lâm tặc có thể lợi dụng lúc lực lượng BVR sơ hở để vào khai thác rừng trái phép, nên thời điểm này thường đề cao cảnh giác. Các lực lượng càng không chủ quan, lơ là trong quản lý, BVR và luôn chủ động, có ý thức tự bảo vệ tính mạng.

Cán bộ BVR được trang bị đầy đủ thiết bị điện thoại di động thông minh, bộ đàm để nắm thông tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm. Khi có dự báo bão, lũ, lực lượng BVR chủ động tìm nơi an toàn để phòng tránh và tìm cách di chuyển ra khỏi rừng trước khi mưa lũ lớn. Vài năm gần đây tuy không xảy ra tình trạng cán bộ BVR gặp nguy hiểm do bão, lũ nhưng các đơn vị chủ rừng, BVR không chủ quan, luôn đề cao cảnh giác.

Lực lượng BVR trong mùa mưa bão còn có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn không để người dân vào rừng trong điều kiện thời tiết nguy hiểm. Cán bộ kiểm lâm, BVR từng ngăn chặn, đẩy đuổi nhiều trường hợp vào rừng trong khi mưa to, gió lớn. Trong quá trình tuần tra, lực lượng BVR phát hiện và vận động nhiều người dân ra khỏi rừng kịp thời trước khi mưa gió lớn xảy ra.

Theo ông Hồ Văn Sao, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, việc giám sát, đẩy đuổi, kêu gọi người dân ra khỏi rừng trước mưa bão là trách nhiệm không chỉ của lực lượng kiểm lâm, BVR mà cả của các cơ quan, ban ngành. Khi có dự báo mưa lũ sắp đến, chính quyền địa phương phải khẩn trương rà soát, nắm bắt số người đi rừng và tổ chức kết nối thông tin, kêu gọi, vận động người dân ra khỏi rừng.

Những trường hợp đi rừng không thể kết nối qua điện thoại di động thì địa phương phối hợp với hộ gia đình xác định khu vực người dân thường trú ẩn để tổ chức lực lượng tìm kiếm, đưa ra khỏi rừng trước khi bão, lũ đến. Tuy nhiên, hơn ai hết người dân phải tự nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh, không đi rừng trong mùa bão, lũ; hoặc phải thường xuyên kết nối với gia đình, người thân để nắm bắt thông tin về dự báo thời tiết để về nhà, hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. 

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương, nhất là hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới đang rà soát, nắm bắt số người đang đi rừng để có biện pháp kết nối thông tin, kêu gọi ra khỏi rừng trước khi mưa lũ lớn. Các địa phương phối hợp với các ban ngành như kiểm lâm, BVR, biên phòng... tổ chức tuần tra, giám sát không để người dân vào rừng khi thời tiết xấu...

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm và chúc tết lực lượng bảo vệ rừng vùng sâu, vùng xa

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, ngày 3/2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức thăm, tặng quà gia đình liệt sỹ Võ Tự Lực, nguyên công chức Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thuỷ đã hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thăm và chúc tết lực lượng bảo vệ rừng vùng sâu, vùng xa
Khắc phục, xử lý môi trường sau lũ

Sáng 16/11, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã đi kiểm tra công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau lũ tại các trường học, chợ Đông Ba và khu vực dân cư trên địa bàn thành phố Huế.

Khắc phục, xử lý môi trường sau lũ
Bảo vệ rừng mùa mưa lũ

Mùa mưa lũ thường là cơ hội thuận lợi cho lâm tặc vào rừng khai thác lâm sản trái phép, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng (BVR).

Bảo vệ rừng mùa mưa lũ
Tình quân dân trong mùa mưa bão

Màu xanh áo lính luôn có mặt ở những nơi hiểm nguy để giúp đỡ, hỗ trợ Nhân dân đã trở thành hình ảnh quen thuộc mỗi mùa mưa bão tại Thừa Thiên Huế. Với bản chất kiên cường, dũng cảm của người lính, các anh đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chãi giúp bà con vượt qua những khó khăn trong thiên tai.

Tình quân dân trong mùa mưa bão
Return to top