ClockThứ Bảy, 30/03/2019 12:26

Bảo tàng Mỹ thuật Huế cần theo hướng hiện đại

TTH - Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam rất mừng và đánh giá cao nỗ lực của chính quyền và các nhà chuyên môn trong việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

Tiếp nhận 47 tác phẩm trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế“Săn” hiện vật cho Bảo tàng Mỹ thuậtChuẩn bị ra mắt Bảo tàng Mỹ thuật HuếBảo tàng Mỹ thuật Huế phải xứng tầm với vị thế của một trung tâm văn hóa

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: NVCC

Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, ông Chương cho biết Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tặng Bảo tàng Mỹ thuật Huế 40 tác phẩm nhân sự kiện thành lập thiết chế văn hóa này, đồng thời đã có những góp ý chuyên môn rất đáng lưu tâm.

Ông suy nghĩ, đánh giá thế nào nhân việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế?

Trước hết xin chúc mừng Huế với việc thành lập bảo tàng mỹ thuật. Trong quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng ban hành ngày 25/7/2014 có nội dung: “Phấn đấu đến năm 2030 các thành phố trực thuộc Trung  ương có Bảo tàng Mỹ thuật”. Trong khi trong 5 TP trực thuộc Trung ương, hiện chỉ có TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng mới có bảo tàng mỹ thuật mà thôi. Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thành lập năm 2016, ban đầu có chừng 400 tác phẩm, sau 2 năm sưu tầm nay được khoảng 600.

Đô thị hóa thân số 39 của Vĩnh Phối

Còn lại, Hà Nội đang “rục rịch” nhưng chưa tìm được địa điểm; Hải Phòng thì tôi từng nhắc nhưng chưa thấy “rục rịch” gì. Cần Thơ thì im hơi lặng tiếng. Huế chưa đưa vào quy hoạch nhưng đã thành lập được bảo tàng nghệ thuật, thể hiện sự nỗ lực và hết sức quan tâm đến văn hóa, đặc biệt là bảo tàng. Tôi rất vui khi nghe thông tin chủ trương của Huế biến con đường Lê Lợi vốn rất đẹp ven sông Hương thành phố bảo tàng. Đối với nghệ thuật, Huế cũng là nơi hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất, đã mạnh dạn lấy hai công sở để thành lập Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị và Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, duy trì hoạt động cho đến nay.

Thực ra tôi cũng hết sức băn khoăn khi nghe mọi người phản ánh sự gộp chung hai trung tâm nói trên vào Bảo tàng Mỹ thuật Huế và bày tỏ với anh Phan Tiến Dũng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao. Anh giải thích rằng, chủ trương của Chính phủ hiện nay không tăng thêm số lượng cơ quan, cho nên gộp lại để quản lý. Một bảo tàng mới thành lập thì bao giờ cũng có 2 khó khăn, đó là công trình xứng đáng để người ta đến và việc trưng bày tác phẩm sao cho xứng tầm. Ở đây, như nhiều nước đã làm, là rất nên dùng những kiến trúc cũ, có giá trị nghệ thuật để dành cho bảo tàng.

Treo trên thời gian của Bửu Chỉ

Theo ông, Bảo tàng Mỹ thuật Huế nên đi theo hướng nào?

Huế nên đi theo hướng bảo tàng mỹ thuật hiện đại. Mỹ thuật VN hiện nay có lực lượng họa sĩ khá đông và đã có đến 5 thế hệ họa sĩ rồi. Kể từ khoảng thập niên 1990 trở lại, tranh của họa sĩ VN cũng được nhiều người đầu tư sưu tầm. Huế cũng nên hướng đến những tác giả cũ có thành tựu của Huế, trở thành những “cái đinh” cho bảo tàng. Điều quan trọng hơn là nên chú ý sưu tầm dần tác phẩm của những tác giả thế hệ trước còn sống và tác giả còn trẻ. Bởi vì vài chục năm sau họ cũng sẽ trở thành những “cái đinh” thôi. Bây giờ phải nhìn xa như vậy, càng lâu dài thì giá trị tác phẩm càng cao, nó sẽ trở thành những kho của; cần phải coi đó vừa là cách lưu giữ văn hóa, vừa lưu giữ về mặt vật chất cho Nhà nước.

Có những sự phân khúc nhất định trong hệ thống bảo tàng mỹ thuật cả nước. Như vậy, khúc nào ở đây cho Huế, theo ông?

Bảo tàng Mỹ thuật VN với tính chất quốc gia, và hình thành sớm, nên sưu tập tương đối đầy đủ cả nước. Với Hà Nội thì rõ rồi, thủ đô là trung tâm lớn có đến hàng ngàn tác giả. Còn Hải Phòng thì có thể ngoài TP này còn có thêm vùng Đông Bắc bộ. TP. Hồ Chí Minh thì của TP này cùng khu vực Đông Nam bộ và mở rộng về đồng bằng. Cần Thơ khi thành lập cũng nên đại diện cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Còn Đà Nẵng ban đầu theo hướng cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Với Huế, rất nên không chỉ các thế hệ họa sĩ Huế, vì lực lượng nhìn chung cũng khá mỏng, mà cần có tác giả khu vực Bắc miền Trung làm nòng cốt. Lúc đó, Đà Nẵng sẽ rút về Nam miền Trung - Tây Nguyên là chính. Có như vậy chúng ta mới có được những cái riêng.

Hoàng thành của Đỗ Kỳ Hoàng

Ông nhận xét như thế nào về xu hướng nhiều người quan tâm là thêm mỹ thuật cổ, vì Huế là trung tâm đạt nhiều thành tựu về văn hóa nghệ thuật trong diễn trình lịch sử khá dài?

Theo tôi, điều này cần rút kinh nghiệm trường hợp Bảo tàng Mỹ thuật VN thời kỳ đầu có cả mỹ thuật cổ lẫn hiện đại. Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh lúc đầu cũng mua rất nhiều tác phẩm mỹ thuật cổ. Vào bảo tàng mỹ thuật mà đi xem từ những cái lọ, ấm chén, những cánh cửa… bây giờ nó không phù hợp. Hay mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng theo hướng ấy, có gian trưng bày toàn cổ vật, mà cổ vật ấy không có cái gì quý; bởi vì cái gì quý người ta mua hết cả rồi. Mà lại đi đâu cũng thấy na ná nhau và có phần lộn xộn, đó là điều không nên. Nghệ thuật cổ của Huế nên nằm trong bảo tàng cung đình, bảo tàng lịch sử hay bảo tàng văn hóa Huế. Và Bảo tàng Mỹ thuật Huế theo quan điểm của tôi, nên theo hướng nghệ thuật hiện đại, cả tranh, tượng, nghệ thuật sắp đặt, video art...

Ông hiến kế gì cho Huế về cách sưu tầm trong điều kiện khó khăn của Huế hiện nay?

Tôi ví dụ Bảo tàng Mỹ thuật VN có năm thì Bộ Văn hóa cấp cho 1 tỷ đồng để mua, có năm thì không. 1 tỷ đồng có khi chưa đủ mua tranh các cụ Đông Dương. Còn tranh của những tác giả trẻ bây giờ cũng khá đắt rồi, 1 tỷ đồng cũng chỉ mua được vài ba bức, không ăn thua. Cho nên, cần phải có nhiều cách, ví dụ như ngoài mua, còn vận động hiến tặng. Tôi tin người ta cũng sẵn sàng thôi. Hoặc thêm cách mà tôi góp ý cho Đà Nẵng là có thể mời một số tác giả có tiếng, tổ chức trại sáng tác, sau đó thì họ để lại cho 1 tác phẩm, thì có thêm những tác phẩm của những tác giả có tên tuổi.

Nhân đây tôi cũng đề nghị Huế nên rà soát lại trong các cơ quan, công sở Nhà nước, chỗ nào có treo tranh của “các cụ” thì phải sưu tầm lại đưa về bảo tàng mỹ thuật. Huế cũng nên liên hệ với Trường ĐH Nghệ thuật, vận động họ tặng cho bảo tàng tác phẩm tốt, nhất là sưu tập các bài tốt nghiệp của các thế hệ sinh viên. Tôi tin, những tác phẩm của các tác giả lưu giữ ở trường hoặc ở hội mỹ thuật mà chuyển sang bảo tàng thì ai cũng thấy rất… oai!

THÁI LỘC (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống

Bảo tàng Mỹ thuật Huế không chỉ là không gian trưng bày các triển lãm thu hút công chúng tham quan, mà những năm qua, nơi này đã trở thành điểm đến như một trường học trải nghiệm cho các em học sinh. Không chỉ hiểu thêm về nghệ thuật như hội họa, sắp đặt…, các em còn được nhập vai để cho ra tác phẩm theo cách của riêng mình.

Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống
Tính toán cho không gian trưng bày mỹ thuật

Bên cạnh lối trưng bày truyền thống, Bảo tàng Mỹ thuật Huế cần hướng đến kết hợp công nghệ số để thu hút, hấp dẫn, tăng cường khả năng trải nghiệm cho người xem. Công nghệ số cũng cần tập trung đến việc số hóa dữ liệu trưng bày để phục vụ, khai thác các giải pháp thông minh.

Tính toán cho không gian trưng bày mỹ thuật
Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa

Những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ tên tuổi, tài danh đất Cố đô nằm trong bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Huế lần đầu tiên công bố đến với công chúng khiến người yêu nghệ thuật không khỏi rung động, cảm xúc. Ở đó các danh họa đã “hội ngộ”.

Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa

TIN MỚI

Return to top