ClockThứ Sáu, 25/12/2020 08:35

Bảo vệ rừng, bảo vệ sự sống - Kỳ 3: Tái sinh rừng tự nhiên

TTH - Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng (BVR), kết hợp trồng rừng gỗ lớn, tái sinh rừng bản địa… được xem là giải pháp tối ưu trong quản lý rừng, góp phần ứng phó lũ lụt trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Bảo vệ rừng, bảo vệ sự sống - Kỳ 1: Nhận diện thách thứcBảo vệ rừng, bảo vệ sự sống – kỳ 2: Phát triển rừng cần dựa vào thực tiễnKhông đánh đổi “vàng trắng” với môi trường - kỳ 2: Đừng để “mất bò mới làm chuồng”

Lực lượng kiểm lâm tỉnh triển khai kế hoạch tuần tra, giám sát rừng

Bảo vệ rừng không chỉ kiểm lâm

Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông bày tỏ mối nan giải: Công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) lâu nay chủ yếu dựa vào đội ngũ BVR của các ban quản lý rừng phòng hộ, lực lượng kiểm lâm. Trong khi đó, lực lượng này quá mỏng so với diện tích rừng giao quản lý, bảo vệ quá lớn, đặt ra nhiều thách thức, khó đảm trách một cách hiệu quả.

Trước yêu cầu thực tế, các đoàn thể, Nhân dân được xem có vai trò rất quan trọng trong quá trình giám sát, phát hiện các đối tượng, vụ vi phạm chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Tuy nhiên lâu nay, nhiều người dân, kể cả một số chính quyền cơ sở, thôn, bản chưa có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm trong quá trình QLBVR. Trong số nhiều vụ vi phạm chặt phá rừng, người dân, kể cả cán bộ thôn, bản phát hiện nhưng chậm báo đến lực lượng kiểm lâm, cơ quan chức năng.

Muốn BVR hiệu quả không có con đường nào khác ngoài sự huy động lực lượng tham gia từ cộng đồng dân cư. Thực tế, sau khi thực hiện chủ trương của tỉnh về giao rừng gắn với xây dựng quy ước QLBVR cộng đồng trên địa bàn huyện Nam Đông đã phát huy hiệu quả. Hầu hết các hộ thôn A Tin, xã Thượng Nhật và các địa phương bỏ hẳn nghề khai thác lâm sản tự nhiên. Số vụ vi phạm khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã tại khu rừng do các cộng đồng trên địa bàn huyện Nam Đông quả lý giảm đáng kể (giảm 5-6 vụ so với cùng kỳ năm trước).

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, ông Lê Thanh Hồ cho rằng, người dân gắn bó với rừng qua bao thế hệ, rừng được xem một phần quan trọng trong đời sống nên ý thức, trách nhiệm BVR ngày càng cao. Chính sách giao đất, giao rừng thật sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, nông thôn; huy động nguồn lực, nhân lực của cộng đồng dân cư, các tổ chức đoàn thể, cơ quan Nhà nước… phối hợp tham gia QLBVR một cách hiệu quả.

Sau 4 năm thực hiện chủ trương của tỉnh về giao rừng cho cộng đồng quản lý, huyện Nam Đông đã giao hơn 6,5 ngàn ha rừng tự nhiên cho 30 cộng đồng, 30 nhóm hộ và 81 hộ cá nhân, chủ yếu là người Cơ Tu thường sống dựa vào rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Các nhóm hộ, cộng đồng được hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng từ dịch vụ môi trường rừng và các chương trình, dự án. Có 4 cộng đồng được hỗ trợ sinh kế từ dự án, mô hình trồng mây nước với diện tích gần 70ha. Từ đó, bà con chuyển đổi nhận thức, từ bỏ tập quán sản xuất dựa vào rừng.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, đến nay, toàn tỉnh triển khai chăm sóc gần 18 ngàn ha rừng tự nhiên, giao khoán cho các địa phương, tổ chức, cá nhân chăm sóc, bảo vệ với diện tích gần 170 ngàn ha rừng. Sau một năm triển khai quy chế quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh, các dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân từ việc trồng hàng trăm ha cây lâm sản ngoài gỗ, có nguồn thu nhập ổn định. Ngành kiểm lâm thành lập mới và kiện toàn 82 ban quản lý, 78 ban giám sát và các tổ đội quản lý rừng cộng đồng; xây dựng và thông qua quy ước QLBVR của các cộng đồng…

Trồng cây bản địa xen rừng thông để giữ nước, bảo vệ đất tại rừng thông của Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong

Rừng gỗ lớn ứng phó thiên tai

Chủ tịch FOSDA, ông Võ Văn Dự khẳng định, trước yêu cầu mới không có con đường nào khác ngoài phát triển rừng bền vững thông qua phát triển RGL, nâng cao độ che phủ. Trồng RGL, quản lý rừng bền vững FSC góp phần bảo tồn tính đa dạng sinh học, duy trì các chức năng hệ sinh thái và tính toàn vẹn, ổn định hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu. Đồng thời, đảm bảo môi trường xanh, bồi bổ và bảo vệ đất đai, nguồn nước, lưu giữ các bon, hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn.

Toàn tỉnh hiện có 311.206 ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên 211.373 ha, rừng trồng 99.833 ha, song RGL mới chỉ khoảng 9.000 ha, giá trị mỗi ha tối thiểu đạt 250 triệu đồng/chu kỳ khai thác. Trở ngại lớn trong quá trình thực hiện trồng RGL có thể thấy từ nhiều nguyên nhân, do chu kỳ thu hoạch dài (từ 7 năm trở lên) nên nhiều hộ không có khả năng tài chính duy trì; việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc RGL chưa đầy đủ làm hạn chế đến năng suất, chất lượng gỗ, rủi ro thiên tai...

Một bộ phận hộ trồng rừng chưa thấy rõ hiệu quả nên xuất hiện sự hoài nghi về sự bền vững và phát triển sản xuất rừng trồng gỗ lớn, chứng chỉ FSC. Tư tưởng sản xuất của một số hộ lâm dân còn nặng về trồng rừng bán gỗ dăm nguyên liệu theo kiểu ăn xổi, không muốn thâm canh, chuyên canh trồng RGL, chứng chỉ FSC. Các hộ cá thể khác thiếu sự quan tâm tham gia trồng RGL.

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trồng RGL gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, FOSDA đang phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp đầu tư, hỗ trợ thành lập mới, tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững. Đây là điều kiện, cơ hội để phát triển mô hình trồng RGL, chứng chỉ FSC. FOSDA đang triển khai hỗ trợ các đơn vị chủ rừng, người dân đăng ký tham gia trồng RGL có chứng chỉ FSC, nâng diện tích RGL toàn tỉnh lên 16 ngàn ha trong những năm đến.

Hồi sinh rừng bản địa

Trong vòng 30 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai trồng rừng phục hồi với diện tích hơn 100 ngàn ha từ các dự án, chương trình trồng rừng keo, bạch đàn, thông; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, nuôi dưỡng và làm làm giàu rừng; trồng rừng bản địa xen keo, RGL gắn với FSC. Công tác phục hồi rừng được đánh giá khá thành công, nhiều diện tích rừng tự nhiên được phục hồi, phủ xanh đất trống đồi trọc. Tuy nhiên, xét về tính chất bền vững còn hạn chế, do diện tích rừng thuần keo còn khá phổ biến, diện tích rừng trồng FSC chỉ đạt hơn 9.000 ha.

Trong khi đó, cây bản địa đóng vai trò rất quan trọng trong việc hồi sinh rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế lũ lụt. Hằng năm, ngành kiểm lâm đều triển khai trồng rừng phòng hộ, đặc dụng nhằm tái sinh rừng tự nhiên nhưng chưa đảm bảo kế hoạch, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Các loài được trồng chủ yếu là cây bản địa như kiền kiền, gõ, chò chỉ, lim, sến trung, huỳnh, dầu rái, sao đen…

Tính riêng kế hoạch năm 2020, toàn tỉnh trồng gần 900 ha rừng phòng hộ, đặc dụng với các loài cây bản địa bằng nguồn vốn trồng rừng thay thế từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Đến nay, các đơn vị đã triển khai trồng 120 ha, diện tích còn lại đang hoàn thiện thủ tục để tổ chức trồng kịp thời theo kế hoạch.

Theo đánh giá của ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT, kế hoạch trồng rừng phòng hộ, đặc dụng năm 2020 khá lớn, song đến nay mới chỉ trồng 120 ha và có khả năng khó hoàn thành đúng tiến độ. Nguyên do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội khiến đơn vị thi công không thể tập trung lực lượng lao động tổ chức trồng rừng. Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, sau đó gặp mưa bão liên tục; hệ thống đường giao thông sạt lở nghiêm trọng, không thể tiếp cận các khu vực để trồng rừng.

Do khả năng giữ nước, chống xói lở đất của các loại keo tràm rất kém nên tỉnh có kế hoạch từng bước trồng rừng gỗ lớn bằng các loài cây bản địa. Từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng 1.050 ha rừng gỗ lớn bằng các loại cây kiền, lim, chò, sến, sao đen… với tổng kinh phí 64 tỷ đồng. Đây là mục tiêu không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai mà còn nâng cao giá trị rừng sản xuất trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển lâm nghiệp.

Phấn đấu năm 2021, toàn tỉnh trồng mới rừng tập trung 6.000 ha, chăm sóc rừng tự nhiên 18.000 ha, khoanh nuôi tái sinh 3.000 ha; diện tích được cấp chứng chỉ RGL, bền vững FSC 1.400 ha; phấn đấu duy trì, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2021 đạt xấp xỉ 57,39%. Tuy nhiên theo các chuyên gia môi trường, nhiều nơi tỷ lệ che phủ rừng lên tới 70-80%, nhưng là rừng trồng, khả năng giữ nước rất hạn chế so với rừng tự nhiên. Rừng trồng đa phần là keo tràm, sau 4-5 thu hoạch, sau đó trồng mới khiến liên kết đất yếu, hệ thống rễ cây trồng không phát triển để giữ lại nước. Vì vậy, từng bước nhân rộng diện tích rừng bản địa là hướng đi tất yếu trong bảo vệ môi trường, hạn chế lũ lụt, sạt lở đất.

Bài, ảnh: Hoàng Thế - Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Return to top