ClockThứ Hai, 16/08/2021 09:12

Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản - Hành vi cần lên án

TTH - Hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là rất nguy hiểm cho xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng, gây nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Do anh T. nợ 160 triệu đồng tiền cá độ bóng đá của Th., nên Th. và đồng bọn (4 bị can) thống nhất cùng nhau dùng vũ lực bắt buộc 4 thanh niên (là bạn của anh T.) từ phòng trọ ở phường Vỹ Dạ, TP. Huế lên xe ô tô đưa về quán nhậu ở xã Thủy Vân (nay thuộc TP. Huế) để làm con tin, nhằm buộc anh T. phải trả tiền nợ.

1 trong 4 thanh niên bị bắt cóc sử dụng điện thoại di động để nhắn tin, thì bị 2 bị can trong nhóm hung thủ hành hung gây thương tích. Th. can ngăn các “chiến hữu”, đồng thời đưa nạn nhân lên xe ô tô chở đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Qua giám định, nạn nhân bị chấn thương vùng đầu, mặt, gãy xương sườn, dập mô nhu phổi trái, tràn dịch màng phổi, tỷ lệ thương tích 16%.

Lo sợ trước việc các bạn mình bị bắt cóc, trong đó có người bị đánh phải đi cấp cứu tại bệnh viện, anh T. đã đưa cho Th. 50 triệu đồng. Quá trình điều tra, số tiền này Th. khai đưa 30 triệu đồng cho một người (trước đây lấy trang cá độ bóng đá cho anh T., không xác định được địa chỉ); đưa 11 triệu đồng cho người nhà nạn nhân; đưa 6 triệu đồng để nộp viện phí cho nạn nhân. 3 triệu đồng còn lại đã tiêu xài hết. Do đó, 50 triệu đồng, là tang vật vụ án, đến nay không thu hồi được. Về trách nhiệm dân sự, Th. (kẻ cầm đầu, chủ mưu) đã tự nguyện bồi thường cho nạn nhân bị thương tích 20 triệu đồng.

5 bị can bị Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh truy tố về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, 2 trong 5 bị can còn bị truy tố thêm tội “Cố ý gây thương tích”. Hành vi phạm tội của các bị can là rất nguy hiểm cho xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong Nhân dân, làm mất trật tự trị an ở địa phương.

Trước đó, 10 bị cáo trong vụ án “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đã bị TAND thị xã Hương Thủy xử lý nghiêm. Do quen biết nhau nên chị Th. cho các bị cáo Q. và N. đến ở nhờ tại nhà của mình.

Một thời gian sau, hai bên xảy ra mâu thuẫn nên chị Th. thông báo với Q. và N., không cho ở nhờ nữa, yêu cầu chuyển đi nơi khác. Cùng thời điểm này, Q. và N. có bị mất số tiền 2,1 triệu đồng. Nghi ngờ chị Th. lấy trộm, Q. và N. yêu cầu chị Th. trả lại tiền, nhưng chị Th. khẳng định mình không lấy. Bị cáo N. đã nhờ và được các “chiến hữu” đồng ý đòi tiền giúp với số tiền công 300 nghìn đồng (nếu đòi lại được tiền).

Theo đó, các bị cáo đã thống nhất cùng nhau bắt cóc bạn trai của chị Th. làm con tin, đưa nạn nhân đi nhiều địa điểm khác nhau tại địa bàn TP. Huế để giữ và khống chế, dùng vũ khí (kiếm) đe dọa để buộc nạn nhân gọi điện cho bạn gái và người thân mang tiền đến “chuộc”. Chỉ vì số tiền 2,1 triệu đồng bị mất và 300 nghìn đồng tiền công (do Q. và N. hứa hẹn) mà Q., N. và các đồng phạm đã vi phạm pháp luật hình sự, phải nhận các mức án nghiêm, cao nhất đến 3 năm 6 tháng tù.

Điều đáng lo ngại, các bị can, bị cáo trong 2 vụ án nêu trên đều có tiền án, tiền sự hoặc nhân thân xấu, nghiện ma túy, từng nhiều lần bị xử phạt hành chính, phạt tù về các tội trộm cắp, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ…

Nếu các bị can, bị cáo không chịu tỉnh ngộ, thì càng trượt sâu vào tội lỗi.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lên án hành vi báo thông tin giả

Theo lực lượng chức năng, có không ít người dân đã gọi điện đến số điện thoại của các đơn vị 113 (cảnh sát phản ứng nhanh), 114 (cứu hỏa), 115 (hỗ trợ cấp cứu) và các đơn vị công an để báo thông tin giả, tin không đúng sự thật gây phiền toái, tốn công sức, vật chất; gây bất ổn đến tình hình xã hội.

Lên án hành vi báo thông tin giả
Lên án hành vi gây tai nạn, bỏ trốn khỏi hiện trường

Dù bất cứ lý do gì để biện minh cho hành vi của bản thân, nhưng việc các lái xe gây tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng chết người, nhưng lại bỏ trốn khỏi hiện trường là không thể chấp nhận được. Không chỉ gây khó khăn cho lực lượng chức năng, mà xã hội lên án cật lực với những hành vi này.

Lên án hành vi gây tai nạn, bỏ trốn khỏi hiện trường
Thay đổi hành vi, hỗ trợ người có “H”

Xuất phát từ quan niệm sai lầm trong cộng đồng khi nhiều người gắn HIV/AIDS với các tệ nạn xã hội… nên người có “H” (HIV) thường bị xa lánh, không được quan tâm, chăm sóc. Điều này càng khiến cho người nhiễm HIV càng cảm thấy bế tắc, cả trong tâm lý lẫn ngoài sinh hoạt thường nhật.

Thay đổi hành vi, hỗ trợ người có “H”
Return to top