ClockThứ Năm, 01/11/2018 06:45

Bắt nhịp đào tạo đại học thời 4.0

TTH - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Điều này không chỉ đòi hỏi việc tái cấu trúc ngành nghề trong thời gian tới mà các trường cần có những điều chỉnh, thay đổi trong hoạt động đào tạo.

Khai mạc Trường thu về Công nghệ thông tin40 sinh viên được nhận chứng chỉ tập huấn ITC

Cán bộ, sinh viên Khoa Du lịch - ĐH Huế nghiên cứu dự án khởi nghiệp lĩnh vực du lịch thông qua các phần mềm

Cần điều chỉnh chương trình

Mới đây, tham gia buổi nói chuyện chủ đề “Khởi nghiệp và trí tuệ nhân tạo” cùng TS Vũ Duy Thức tại Đại học (ĐH) Huế, không ít sinh viên bày tỏ lo lắng trí tuệ nhân tạo sẽ cướp đi cơ hội việc làm và băn khoăn làm sao để thích ứng trong thời đại 4.0.

Lo lắng của sinh viên là thực tế. Lâu nay, không ít doanh nghiệp đã chỉ ra mặc dù có tố chất cần cù, chịu khó và chuyên môn tốt, song ngoại ngữ và các kỹ năng lại là điểm yếu của sinh viên Huế - yếu tố bất lợi trong xu hướng thị trường lao động hiện nay. So với hai đầu đất nước, khả năng tiếp cận những cái mới của sinh viên Huế còn chậm mà nguyên nhân là do thiếu môi trường rèn luyện. Duy Phúc, sinh viên một trường thuộc ĐH Huế, chia sẻ: “Chương trình đào tạo còn thiếu những học phần đào tạo chuyên môn sâu, kỹ năng nghề, nhất là những kiến thức, kỹ năng trong thời đại 4.0. Tính cập nhật còn chậm nên khi đi thực tập vẫn còn bỡ ngỡ trong môi trường công việc”.

Thực ra, vấn đề trên có thể giải quyết. Hiện nay, chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục khá mở và có quá trình rà soát lại thường kỳ, thông thường khoảng 2 - 3 năm/lần. Theo các chuyên gia, đó là cơ hội để dần tạo ra môi trường học tập mới, chuyển đổi cách thức giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực sinh viên. Trên cơ sở đó chương trình giáo dục ĐH mới cần xác định các chuẩn năng lực chung và năng lực chuyên môn, tích hợp các nội dung đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp trong chương trình đào tạo; đào tạo, đánh giá tin học và tiếng Anh cho người học theo các chuẩn quốc tế, đồng thời định hướng cho sinh viên học thêm nhiều hình thức khác như liên hệ tương tác, học bằng dự án...

Khi xây dựng hoặc điều chỉnh chương trình, cần mạnh dạn thay mới những học phần đáp ứng đòi hỏi của xã hội. Nội dung, chương trình dạy học triển khai theo hướng mở, cho phép cập nhật thường xuyên kiến thức trong và ngoài nước; nội dung giảng dạy gắn chặt và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành nghề mà người học đang theo đuổi. Sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học theo nguyên tắc “lấy người học là trung tâm”, giảm tải tối đa giờ giảng trên lớp để người học có thời gian tự học và tự nghiên cứu.

PGS.TS. Trần Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế cho rằng, xu hướng cuộc cách mạng 4.0 không phải thay thế các ngành truyền thống mà là ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong các ngành nghề. Điều quan trọng trong giáo dục thời 4.0 là đẩy mạnh tính thực hành, thực tập để sinh viên trải nghiệm công việc tương lai ngay tại doanh nghiệp.

Từng bước xây dựng mô hình “đại học 4.0”

Hiện, các trường ĐH trong toàn quốc đang có những điều chỉnh, từng bước xây dựng mô hình ĐH 4.0. Một số đơn vị đã mở ra mô hình đào tạo kết hợp giữa truyền thống và trực tuyến, trong đó người tham gia có thể học mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính. Một số trường tổ chức thêm nhiều sân chơi học thuật, có tính liên ngành, liên bộ môn, hướng đến tính tự động hóa để sinh viên biết làm chủ công nghệ, sử dụng nhiều loại hình/lĩnh vực công nghệ và công nghệ mới.

Theo các chuyên gia giáo dục trong nước, tuy là xu hướng cần triển khai nhưng hiện vẫn chưa có mô hình chuẩn về ĐH 4.0, vì thế cần nghiên cứu hướng đi phù hợp với bối cảnh mới và điều kiện từng trường. PGS. TS. Trần Thanh Đức cho rằng, ngoài việc sắp xếp lại ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, cũng cần nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh chương trình thực tập tại doanh nghiệp và các chương trình thực tập sinh tại nước ngoài để sinh viên tiếp cận công nghệ hiện đại trong lĩnh vực, ngành học của mình. Tại đơn vị đào tạo, cần đầu tư, nâng cấp phòng thí nghiệm, áp dụng công nghệ cao vào giảng dạy và thực hành; rút ngắn thời gian giảng dạy lý thuyết. “Hiện, chúng tôi đã tổ chức đăng ký học tập qua hệ thống, có thư viện thông minh, wifi miễn phí cho sinh viên truy cấp các kho dữ liệu, tài liệu quan trọng. Thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hơn”, ông Đức nói thêm.

Theo lãnh đạo các trường, cũng cần chú trọng đội ngũ nhân lực. Lợi thế đa phần cán bộ, giảng viên hiện nay học tập tại nước ngoài hoặc các cơ sở giáo dục uy tín trong nước nên đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, song phải luôn bồi dưỡng, theo hướng cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, ngoại ngữ liên quan đến chuyên ngành từ đó áp dụng ngay vào quá trình giảng dạy. Ths. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng đào tạo ĐH, Trường ĐH Ngoại ngữ nhấn mạnh, tuy nhiều giảng viên đã lớn tuổi, song khả năng sử dụng công nghệ thông tin của họ rất tốt. Vấn đề là cần thay đổi tư duy của giảng viên từ đó áp dụng những phương thức đào tạo mới phù hợp với thời đại 4.0.

Thời gian tới, định hướng của các trường sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo, dạy và học, đồng thời tăng cường hoạt động tương tác giữa giảng viên với người học qua hình thức trực tuyến.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA

Ngày 26/4, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã phối hợp với Quỹ học bổng AMA trao 20 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển khóa tuyển sinh năm học 2023 -2024.

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top